ClockThứ Hai, 13/07/2015 16:13

Giảm nghèo theo... chỉ tiêu

TTH - Có những gia cảnh, chẳng biết khi nào mới đủ điều kiện để vượt nghèo. Vậy mà, họ được địa phương cho “thoát nghèo” vì chỉ tiêu trên “áp” về, vì thành tích, hoặc góp phần đạt tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Gái, Phú Cường (Lộc Thuỷ) đã ngoài 70 tuổi phải còng lưng hàng ngày để làm những chiếc bánh lọc đem ra chợ bán nuôi chồng

Nghèo mãi... khó coi

Xã Lộc Thủy (Phú Lộc) có 9 thôn, 2.689 hộ. Những năm trước, toàn xã có 12,5% hộ nghèo. Năm 2014, xã còn 46 hộ nghèo, đạt 7,81% và phấn đấu đến năm 2020 giảm xuống dưới 5%.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết: “Việc bình xét hộ nghèo hàng năm, chúng tôi làm hết sức nghiêm túc. Thôn, xóm tổ chức cuộc họp để dân bầu đưa danh sách lên. Xã thành lập hội đồng gồm nhiều thành phần soát xét theo quy định chuẩn nghèo hiện hành chứ không phải làm lơ-tơ-mơ”.

Thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thắng, sinh năm 1944 ở thôn Phú Cường, hộ dân vừa được thoát nghèo điển hình của xã Lộc Thủy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bà Thắng đang mắc bệnh nghẽn động mạch vành, hễ thời tiết thay đổi là khó thở. Bác sĩ chỉ định phải mổ, nhưng chi phí hơn 40 triệu đồng nên bà chưa dám tính vì không có tiền. Con cái đều nghèo, đi làm thuê xa xứ. Bà cùng chồng làm mấy sào ruộng nhưng thiếu nước tưới nên vụ nào cũng thất bát, túng thiếu lúc giáp hạt. “Trước đây nằm trong diện nghèo, Nhà nước hỗ trợ cho mái nhà 30 triệu đồng, có thêm cái thẻ bảo hiểm y tế, thỉnh thoảng vào dịp lễ, tết được nhận quà, vợ chồng tui đỡ vất vả. Năm nay xã cho thoát nghèo, cuộc sống gia đình tôi túng quẫn vô cùng”- bà Thắng vừa kể vừa lau nước mắt.

Mang câu chuyện trên trao đổi với ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong dịp gặp gỡ nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam mới đây. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho rằng, đó là điều không chấp nhận được. Không có việc giao chỉ tiêu hay áp đặt. Địa phương nào làm như vậy là không đúng, có lỗi với người dân. Đầu mỗi nhiệm kỳ, hay mỗi năm có đề ra chỉ tiêu nỗ lực giảm nghèo. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà hệ thống chính trị phải tập trung làm cho được, làm thực chất để tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ cho người dân thoát nghèo một cách bền vững, chứ không thể giảm theo “chỉ tiêu”.

Cách nhà bà Thắng không xa là gia đình ông Mai Hồ, thôn Phước Hưng, một trong những hộ thuộc diện “thoát nghèo bền vững” của địa phương. Căn nhà tuềnh toàng, nằm quay lưng bên con đường liên xóm. Thấy khách, ông Hồ và vợ là Trần Thị Duân, 79 tuổi, lẩn thẩn bước ra trước hiên nhà. Diễn đạt bằng nhiều cử chỉ, nhưng rất lâu ông Hồ mới đoán được ý chúng tôi. Ông nói: “Vợ chồng già có làm gì được đâu. Tôi đau ốm liên miên, không có tiền mua thuốc thang chữa trị”. Bà Duân cũng rầu rĩ: “Gia đình có 4 người con nhưng cuộc sống chúng nó đều nghèo khó, chạy từng bữa nên chẳng giúp gì cho bố mẹ. Ngôi nhà giờ xuống cấp, mưa là dột ướt nhưng không có tiền sửa. Mấy năm rồi đều được hộ nghèo, đợt rồi dân bỏ phiếu, vẫn cho nghèo, nhưng không biết sao lên xã lại thành thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Hào, Trưởng thôn Phước Hưng nói, đầu năm 2014, toàn thôn có 37/381 hộ nghèo, qua bình xét, đến cuối năm toàn thôn giảm được 9 hộ. Danh sách đưa ra bình xét hộ nghèo, hoàn cảnh ai cũng như nhau nên khi bình chọn đau đầu lắm.

Không chỉ ở thôn Phước Hưng hay Phú Cường, mà thực tế ở hầu hết ở các thôn là hằng năm xã phân bổ chỉ tiêu về phấn đấu giảm nghèo năm sau thấp hơn năm trước. Cách làm ở xã Lộc Thủy chẳng có gì sai, thậm chí “được” biểu dương vì năm nào chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo đề ra đều đạt và vượt. Nhưng đằng sau những con số lại là một thực tế khác. Có thể dẫn chứng thêm trường hợp bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Phú Cường. Bà Gái nay đã vào tuổi thất thập nhưng hằng ngày phải làm từng chiếc bánh lọc mang ra chợ bán kiếm tiền đổi lấy từng lon gạo nuôi người chồng 80 tuổi bị bệnh phổi, uống thuốc thường xuyên. Bà nói: “Hôm họp thôn để bình xét, tôi đứng lên xin ở lại hộ nghèo mà họ không cho vì lý do tôi còn bán bánh lọc ở chợ. Suất nghèo của tôi để dành cho người khác. Không thể nghèo mãi... khó coi lắm”.

Làm không đúng, có lỗi với dân

Trong 19 tiêu chí đạt chuẩn xã NTM có tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đảm bảo dưới 5%. Đối với Lộc Điền (Phú Lộc) là một xã vùng ven đầm phá, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu sống dựa vào nghề nông. Thế nhưng, hiện Lộc Điền đã đạt tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, chính xác là 4,83%.

Năm 2011, xã Lộc Điền có 311 hộ nghèo; đến cuối năm 2014, rà soát lại chỉ còn 160 hộ nghèo, giảm 51 hộ, trên tổng số 3.311 hộ dân, đạt 4,83%. Ông Trần Anh Tuấn, cán bộ chính sách xã hội Lộc Điền cho biết: “Cách giảm nghèo ở địa phương làm đúng chuẩn, nghiêm túc. Hàng năm, từ chỉ tiêu xã đưa về, dưới cơ sở rà soát bình bầu, sau đó xã thành lập hội bình xét, chốt lại”.

Ông Tuấn đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Kim Sang, thôn Đông An, một trong những hộ vừa “thoát nghèo bền vững”. Chị Sang có 5 người con, trong đó 2 đứa lớn mới vào Nam làm thuê. Anh chồng tên Y Hiền bị thương tật, mất một chân đang hưởng trợ cấp xã hội mỗi tháng 270 nghìn đồng. Cả nhà không có nguồn thu nào khá hơn để lo 5 miệng ăn, ngoài việc hàng ngày chị đi gánh thuê gánh cháo lòng cho người hàng xóm bán tại chợ Lộc An. Chị Sang nói: “Mỗi lần gánh cháo ra chợ, họ trả 50 nghìn đồng nhưng không đều nên cuộc sống gia đình rất bấp bênh”.

Theo số liệu từ Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế, cuối năm 2014, toàn tỉnh có 272.317 hộ dân, trong đó có 14.163 hộ nghèo, giảm 3.079 hộ nghèo so với năm 2013, chiếm tỷ lệ 5,2%. Trong năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 4,5% (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015).

Đứng trong căn nhà tuềnh toàng của chị Sang được xây dựng từ Quỹ người nghèo hỗ trợ vào năm 2008, ông Tuấn thừa nhận: “Hộ chị Sang là nghèo thật, nhưng không được hộ nghèo là do “thôn không bầu” vì có hộ khác nghèo hơn. Nói thật, chỉ tiêu của huyện giao phải phấn đấu giảm theo từng năm và theo nghị quyết. Hơn nữa, xã đang phấn đấu sớm về đích NTM thì phải phấn đấu “hạ dần” tỷ lệ hộ nghèo, chứ ở địa phương đời sống người dân còn rất khó khăn”.

Không chỉ diễn ra ở xã Lộc Điền mà còn ở các xã lân cận, như Lộc An, Lộc Trì, Vinh Hưng và nhiều địa phương của huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền... mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc cũng có cách giảm tỷ lệ hộ nghèo tương tự. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, hàng năm tỉnh có giao kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương dựa trên tình hình thực tế của mỗi địa phương, để các địa phương định hướng phấn đấu, chứ không phải bắt buộc thực hiện bằng được. Nếu địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn chỉ tiêu được giao thì chẳng sao, miễn là đúng, sát với thực tế. “Mục tiêu hướng đến NTM là mọi người dân được hưởng cuộc sống tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần. Nếu tỷ lệ hộ nghèo thấp, chất lượng cuộc sống người dân nghèo cũng thấp thì đó không phải tiêu chí hướng đến của NTM”-ông Kiếm khẳng định.

Giảm nghèo phải bền vữngThực tế, nhiều địa chỉ nghèo ở cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các kênh khác nhau để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Quốc, thôn 10, xã Lộc Hòa (Phú Lộc). Ba năm về trước, anh Quốc thuộc diện nghèo nhưng được Hội Nông dân xã vận động tạo điều kiện xây dựng mô hình VACR. Hiện anh Quốc có 3 ha rừng, 0,5 ha hồ cá nước ngọt, một trại heo 30-40 con và hàng trăm con gà. Mỗi năm anh thu khoảng 100-150 triệu đồng. Nguồn thu nhập này không chỉ giúp anh Quốc thoát nghèo bền vững mà trở thành điển hình lao động ở địa phương.

Tương tự, anh Trần Lực ở cùng thôn với anh Lê Văn Quốc, bị tật nguyền từ nhỏ, mất khả năng lao động nhưng nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện nâng cao kiến thức chăn nuôi qua các lớp tập huấn, anh Lực mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi heo. Nay, bình quân mỗi năm anh xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa 20 con. Bây giờ anh đã trở thành hộ gia đình khá giả ở Lộc Hòa.i

Có nguồn, có dự án nhưng không phải địa phương nào cũng tạo điều kiện thoát nghèo cho người nghèo một cách hiệu quả. Thực tế, nguồn vốn vay cho hộ nghèo còn ở hạn mức thấp, chỉ đầu tư vào chăn nuôi sản xuất nhỏ, như nuôi 1-2 con bò, vài con lợn, mấy chục con gà...Có hộ chưa kịp trả nợ thì đã được đưa vào danh sách “thoát nghèo”. Theo ông Đào Công Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, lâu nay người nghèo đã được tạo “cần câu” từ các ban, ngành, tổ chức xã hội, nhưng thực tế chưa nhiều và còn dàn trải. Tổ chức này hỗ trợ cho 1-2 con bò, 5 - 6 cặp heo trên mỗi thôn; đơn vị khác giúp đỡ cho 1-2 triệu đồng/hộ làm chuồng trại, mua sắm công cụ để sản xuất, phát triển kinh tế. Với người nghèo, đang khó khăn nhiều mặt, chừng đó chưa đủ lực để giúp họ thoát nghèo một cách bền vững.

Thiết thực nhất hiện nay đối với những hộ nghèo còn sức lao động là tạo điều kiện cấp đất sản xuất, triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh; đào tạo nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng, miền. Đi kèm với những điều kiện trên rất cần sự quan tâm giám sát của cán bộ lãnh đạo địa phương, hội đoàn cơ sở. Đối với những trường hợp nghèo thuộc diện già cả, ốm đau, bệnh tật, neo đơn... nên sớm tạo điều kiện đưa đến nhà dưỡng lão ở các địa phương, quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe y tế, văn hóa tinh thần...bằng hình thức xã hội hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nói thêm, hiện Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn giảm nghèo mới theo lộ trình 2016-2020. Tiêu chuẩn này không ngoài mục tiêu hướng đến bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, không chỉ về nguồn thu nhập mà còn giúp dân tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh...

Hy vọng với chuẩn nghèo mới và với quyết tâm của toàn tỉnh, mỗi địa phương sẽ có động lực, giải pháp giảm nghèo thực tế, hiệu quả. Có như vậy người nghèo mới thoát nghèo đúng thực chất và bền vững.

Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top