ClockThứ Sáu, 22/03/2013 05:39

Giảm thiểu tai nạn lao động

TTH - Tai nạn lao động đã có bước chuyển biến khi có sự đồng thuận của doanh nghiệp và người lao động trong công tác bảo hộ, an toàn lao động trên các công trường. Dẫu vậy, nguy cơ vẫn tiềm ẩn khi lao động tự do chưa qua huấn luyện nhưng tham gia vào các công trình ngày càng nhiều.

Tai nạn giảm sâu

Thừa Thiên Huế có khoảng 5.000 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; trên 200 hợp tác xã cùng hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể với hàng ngàn lao động của các địa phương khác đến làm việc. Quá trình vận hành thiết bị máy móc luôn có nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xảy ra tai nạn lao động. Đây cũng chính là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp và người lao động. Trong vòng 17 năm, toàn tỉnh có đến gần 1.000 lao động bị tai nạn, trong đó có 75 người thiệt mạng và trên 100 người bị thương tật nặng, mất khả năng lao động. Kết luận từ cơ quan chức năng cho thấy, nhiều công nhân đã vi phạm quy trình an toàn trong lao động; doanh nghiệp lại không đảm bảo điều kiện làm việc, máy móc cũ kỹ, lạc hậu lại không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân.
 

Đảm bảo an toàn trên các công trình để tăng năng suất lao động

 
 
Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH, tai nạn lao động trong năm 2012 đã giảm đến 45% so với cùng kì năm trước (5 người tử vong, 4 người bị thương tật). Đây là hiệu quả của một qúa trình tuyên truyền để người sử dụng lao động và người lao động nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ trong lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động đã được tăng cường. Tính bình quân, mỗi năm có trên 80 cuộc kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị, từ đó đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện tốt hơn. Kinh phí cho công tác huấn luyện về an toàn lao động cũng như in ấn tờ rơi, các pano áp phích, tuyên truyền xấp xỉ 1 tỷ đồng/ năm. Các ngành chức năng đã tăng cường quản lý việc đăng ký, kiểm định gần 1.000 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Nếu máy móc chưa qua kiểm định chắc chắn sẽ không đưa vào hoạt động.
 
Nhận thức của doanh nghiệp về bảo hộ cho công nhân đã có sự chuyển biến. Nhiều đơn vị xem an toàn cho người lao động là sự sống còn của công ty, đặc biệt là các công ty liên doanh nước ngoài. Hàng năm, có trên 3.500 đề tài sáng kiến và giải pháp hữu ích của công nhân lao động được áp dụng vào thực tế sản xuất. Chỉ riêng năm 2012, các doanh nghiệp đã đầu tư trên 10 tỷ đồng cho công tác cải tiến dây chuyền công nghệ cũng như cải thiện môi trường làm việc. Anh Lê Hồng Nam, Phó Giám đốc, Công ty tnhh nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên Huế cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, công ty liên tục xảy ra tai nạn dẫn đến chết người, có năm có đến 4 công nhân thiệt mạng. Mấy năm gần đây, công ty đã đầu tư 65 triệu đồng để cải tiến hệ thống bơm xịt xả cát ở 67 cụm khai thác sa khoáng ty tan. Nhờ vậy, người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Ngoài ra, công ty đã trích 200 triệu đồng thưởng trực tiếp cho những tổ sản xuất, cá nhân làm tốt công tác an toàn lao động”.
 
Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 an toàn vệ sinh viên đang hoạt động ở các doanh nghiệp. Đội ngũ này được đơn vị trả phụ cấp và đảm nhận công việc giám sát, nhắc nhở người lao động thực hiện các quy trình an toàn. Có công ty có gần 200 vệ sinh viên có mặt ở mọi nơi trên công trường. Chủ tịch Công đoàn Cảng cá Thuận An Nguyễn Ngọc Lễ cho hay: Công ty hiện có 80% công nhân lao động làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc. Để hạn chế tai nạn lao động, công ty đã có 7 nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng đến công tác trang cấp bảo hộ, tổ chức huấn luyện định kỳ, nhất là coi trọng công tác tự kiểm tra, quản lý lẫn nhau để kịp thời xử lý, nâng cao hiệu quả công việc.
Nên tăng cường xử phạt
 
Con số tai nạn trong lao động giảm là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan. Nhất là số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng nhanh nhưng điều kiện lao động chưa đảm bảo. Trong khi đó, người lao động xuất thân từ các vùng nông thôn, chưa được đào tạo cơ bản qua các trường lớp, không hiểu biết về an toàn lao động, không nắm vững các nguy cơ dễ xảy ra tai nạn lao động. Thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, nhà xưởng, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiếu tiện nghi nên môi trường và điều kiện lao động không được tốt. Nhiều nghề phải sử dụng máy móc thủ công lạc hậu, nặng nhọc và nguy hiểm. 
 
Thực tế, không ít doanh nghiệp khoán thẳng cho người lao động về trang thiết bị bảo hộ lao động. Trong khi đó, lương của người lao động thường thấp nên họ thường bỏ qua, doanh nghiệp lại không kiểm soát chặt. Hậu quả nhãn tiền, rất nhiều lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tai nạn lao động, nhẹ thì cụt ngón tay, nặng thì mất nguyên cả bàn tay. Chẳng hạn, nghề hàn cũng dễ xảy ra tai nạn và bệnh nghề nghiệp như điện giật do điện rò ra vỏ máy, lớp cách điện của dây dẫn điện bị hỏng. Họ có thể bỏng bất kỳ lúc nào do hạt kim loại nóng cháy bắn ra mọi phía. Bức xạ từ hồ quang điện làm loé mắt, làm giảm võng mạc, giảm thị lực; hơi khí độc và bụi kim loại có kích thước rất nhỏ như ô xít sắt, o xít măng gan, silic. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tai nạn, người lao động tự thỏa thuận với doanh nghiệp, hỗ trợ trước mắt một ít tiền để chữa bệnh, nhiều lao động mất khả năng làm việc mà không có một khoản trợ cấp nào về lâu dài. 
 
Để việc tuân thủ an toàn vệ sinh lao động được nghiêm ngặt, nhiều ý kiến cho rằng, phải nâng cao mức xử phạt với các doanh nghiệp vi phạm điều kiện an toàn lao động. Khi có tai nạn lao động xảy ra, bên cạnh việc đền bù cho người lao động thì doanh nghiệp phải bị xử phạt về trách nhiệm xã hội.
Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao 2 nhà tình thương cho hộ khó khăn ở huyện Phong Điền

Ngày 15/3, Sở Ngoại vụ phối hợp với Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (Cộng hoà Pháp) tổ chức lễ bàn giao nhà tình thương cho gia đình ông Hồ Văn Lý (ở thôn Chính An) và ông Nguyễn Văn Vũ (ở thôn Nhất Phong), xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Bàn giao 2 nhà tình thương cho hộ khó khăn ở huyện Phong Điền
Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện Từ thấu hiểu đến hành động

TIN MỚI

Return to top