ClockThứ Bảy, 07/05/2022 07:00

Giảm thuế VAT, lúng túng chỉ ban đầu

TTH - Sau 3 tháng nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) tuy vẫn còn lúng túng về chính sách này; song không nhiều, khi cơ quan thuế từng bước giải đáp vướng mắc...

Lĩnh vực thương mại áp dụng thuế suất VAT tương đối cụ thể hơn khi thực hiện NĐ 15. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Băn khoăn thuế suất 8% hay 10%?

Với mục đích giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng; qua đó, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) phục hồi và phát triển, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (gọi tắt NĐ 15) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, được kỳ vọng là một chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả DN lẫn người dân. Điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và xuất nhập khẩu Đại Hùng (P. Hương An, TX. Hương Trà) - Phan Lê Gia Quý Phiệt băn khoăn: Để kiểm tra có được hưởng thuế VAT 8% hay không, DN phải tự tra mã hàng hóa, dịch vụ để xác định. Với những DN có nhiều mặt hàng, việc tra cứu phụ lục của NĐ 15 không khác gì “ma trận”. Bởi, NĐ 15 không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm NĐ 15.

Lĩnh vực thương mại áp dụng thuế suất VAT tương đối cụ thể hơn khi thực hiện NĐ 15

Một số DN không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT hay không, cũng như vướng mắc trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên, vật liệu? Có trường hợp dễ gây hiểu nhầm trong áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên, vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các DN. Ví như, việc nguyên, vật liệu nhập khẩu của DN mình không được giảm thuế VAT, sản phẩm của DN thuộc phụ lục không được giảm thuế VAT thì sản phẩm của DN có được hưởng giảm thuế VAT? “Công ty chúng tôi hoạt động SXKD đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Đơn cử, khi thể hiện trên hóa đơn, thuế suất VAT đầu vào (sắt, thép…) là 10% nhưng đầu ra (tổng giá trị xây dựng) là 8% hay sao?”, một DN xây dựng hỏi.

Trong quá trình khai thuế, áp thuế, kế toán của các DN than phiền việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ của DN liệu nằm trong danh mục hay không như “đánh đố”. “Chẳng hạn, DN kinh doanh dịch vụ photo, khi xuất hóa đơn có được giảm 2% VAT không vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%. Bia, rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên VAT 10%; nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%. Tôi lo lắng khai không chính xác, sau này hậu kiểm khi hoàn thuế VAT, cơ quan thuế sẽ tuýt còi”, anh Võ Đại Thành Long, một trong những hộ kinh doanh tổng hợp ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) thắc mắc…

Hàng chục văn bản hướng dẫn

Theo ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế, ngành thuế đã triển khai tập huấn ở 9 huyện, thị, TP. Huế; đồng thời bộ phận tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuê (TT&HTNNT) sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc khi DN có nhu cầu về chính sách thuế trong quá trình thực thi NĐ 15. Đến nay, ngành thuế đã có hàng chục văn bản và hàng trăm cuộc điện thoại để giải thích cho cộng đồng DN về chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%; đó là chưa nói website, zalo, facebook… của Cục Thuế tỉnh luôn kết nối đồng hành với các DN trên địa bàn.

Lĩnh vực xây dựng cũng đã có hướng dẫn về thuế suất VAT theo NĐ 15

Phó Trưởng phòng TT&HTNNT - Cục Thuế tỉnh - Đinh Văn Phúc thông tin: Ngày 23/3, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế đã có Công văn 2688/BTC-TCT  hướng dẫn việc áp dụng thuế VAT tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở kinh doanh (CSKD) ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 1/2/2022 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì đối với phần tiền đã lập hóa đơn trước ngày 1/2/2022 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế VAT. Đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hóa đơn từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định của pháp luật thì được áp dụng chính sách giảm thuế VAT.

Trường hợp CSKD cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trong tháng 1/2022 nhưng đến tháng 2/2022, CSKD mới lập hóa đơn đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong tháng 1/2022 thì thuộc trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT. Đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 1/2/2022 với thuế suất thuế VAT 10%, sau ngày 1/2/2022 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế VAT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế VAT là 10%. Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, CSKD được giảm thuế VAT theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

“Ban đầu do chưa hiểu rõ NĐ 15 nên kế toán trưởng của công ty chúng tôi có phần lúng túng; sau khi được cơ quan thuế giải đáp và tự tìm hiểu về lĩnh vực SXKD của mình, đến nay cơ bản đã ổn…”, Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Thạnh - Nguyễn Văn Cường (ở Khu Công nghiệp Phú Bài) chia sẻ.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho rằng, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cũng đã đồng ý phân loại hàng hóa được giảm thuế suất VAT 8% trên cùng một hóa đơn thể hiện cụ thể, rõ ràng, minh bạch; hy vọng chính sách này sẽ phát huy tác dụng như mục đích đã đề ra. Mỗi chính sách khi áp dụng thực tiễn sẽ có độ trễ nhất định, không thể tránh khỏi DN hiểu chưa sâu sát nội dung và kê khai chưa đúng các vấn đề về thuế suất miễn giảm.

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều giải pháp đồng hành với người nộp thuế

Chiều 18/7, Tổng Cục Thuế tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị được thực hiện trực tuyến từ Tổng Cục Thuế tới các điểm cầu Cục Thuế và Chi cục thuế trên toàn quốc.Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tham dự hội nghị.

Nhiều giải pháp đồng hành với người nộp thuế
Tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước

Thông tin về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến giữa tháng 6, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN lũy kế đến ngày 15/6/2023 ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán. Trong đó, số thu ngân sách trung ương ước đạt 53,3%, số thu ngân sách địa phương ước đạt 46,2% dự toán.

Tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước
Chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước

Tổng cục Thuế cho biết, những tháng cuối năm, Tổng cục sẽ tiếp tục phân tích, nhận định tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước.

Chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước
Đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT hết năm nay vì kinh tế khó khăn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình gửi Quốc hội đề xuất Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT hết năm nay vì kinh tế khó khăn

TIN MỚI

Return to top