ClockThứ Bảy, 02/06/2018 14:54

Giãn điều chỉnh giá để giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, khiến không ít chuyên gia lo ngại. Để kiểm soát lạm phát ở mức 4%, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, những mặt hàng do Nhà nước định giá phải giãn hoặc lùi thời gian điều chỉnh để tránh tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả.

Theo dõi lạm phát chặt chẽ

Xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân có thể phát sinh khi các yếu tố đầu vào tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong 5 tháng đầu năm, giá cả thị trường đã biến động theo hướng tăng tương đối cao, trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng dần trở lại trong 2 tháng tiếp theo. So với tháng trước, CPI tháng 5/2018 tăng 0,55%, cao nhất trong vòng 6 năm qua, bình quân 5 tháng ước tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân CPI tháng 5 tăng đột biến là do có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng so với tháng trước. Đặc biệt, giá một số nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao hơn dự báo, dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá trong nước; giá lương thực tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá thịt lợn có xu hướng phục hồi do tổng lượng đàn giảm, hiện giá thịt lợn hơi đang ở mức gấp đôi giá cùng kỳ năm trước; giá gas tăng theo diễn biến giá thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI đầu năm tăng báo hiệu diễn biến khó lường của lạm phát năm 2018. Trong khi đó, những tháng còn lại của năm 2018 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể khiến lạm phát tăng cao.

Dự tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 tác động trực tiếp, làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và gián tiếp ảnh hưởng tới giá thành các mặt hàng khác của những doanh nghiệp sử dụng điện. Giá điện trong 6 tháng đầu năm 2018 dự kiến ổn định nhưng 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện. Ngoài ra, giá xăng dầu - mặt hàng là đầu vào quan trọng của nền kinh tế được dự báo tăng khoảng 5 - 15% sẽ tác động làm tăng CPI thời gian tới khoảng 0,28 - 0,64%.

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia thương mại chia sẻ: Nếu muốn giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2018, thì từ nay tới cuối năm, dư địa tăng CPI không còn nhiều là một sức ép, là khó khăn, thách thức đối với Chính phủ.

“Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu thời gian tới, lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng thì cung tiền phải được giới hạn lại. Bên cạnh đó, tín dụng phải được siết lại vì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng. Bên cạnh việc hỗ trợ cho tăng trưởng, dòng tiền qua tín dụng lưu thông trong nền kinh tế cũng chính là mầm mống của lạm phát”, TS.Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị: Cơ quan quản lý phải tính toán để giãn lùi thời gian điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với một số giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá vào các thời điểm thích hợp để tránh cộng hưởng lan tỏa tăng giá gây ra.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cân bằng cung - cầu hàng hóa; kiểm soát mức độ tăng của tổng phương tiện thanh toán. Nếu lạm phát có xu hướng quay trở lại sẽ khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, ảnh hưởng tới sự ổn định của tỷ giá gây khó khăn cho sự điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa”, đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam nói.

Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp mang tính quyết định, đó là vai trò hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành, làm giảm áp lực tăng giá thông qua việc tiếp tục cải cách hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh không hợp lý, rà soát các khoản thu không hợp lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá dự báo: Thời gian tới, vẫn còn nhiều yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, chưa kể giá một số dịch vụ tăng theo quy luật hàng năm, tình hình thời tiết thiên tai, bão lũ ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa.

Về cơ bản hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ mà đều từ yếu tố thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng tăng cao so với dự kiến, như giá xăng dầu.

Có thể dừng không điều chỉnh giá

Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Điình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các Bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý; tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ. các bộ, ngành cần giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm như thuốc chữa bệnh, vật tư y tế...

Đối với các mặt hàng đã thực hiện cơ chế giá theo cơ chế, thị trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hoà, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo cụ thể về công tác điều hành giá các mặt hàng thuộc lĩnh vực phụ trách, điều tiết cung cầu ra sao; rà soát để tiếp tục giảm giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và trong trường hợp phải điều chỉnh theo lộ trình đối với dịch vụ y tế, giáo dục, phải cân nhắc thời điểm, thậm chí có thể dừng không điều chỉnh trong năm 2018. Ví dụ, với giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiết kiệm chi phí tối đa để giữ không điều chỉnh mặt hàng này.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan định hướng giữ cơ cấu gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao (80%), còn lại là gạo thường (không quá 20%). Đối với mặt hàng thịt lợn hơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt hiện trạng số lượng đàn nái, lợn thịt từ nay tới cuối năm 2018, tăng cường nâng cao chất lượng đàn, thông báo tới Ban Chỉ đạo điều hành giá để điều phối, tránh khan hiếm thịt lợn cục bộ, đẩy giá tăng cao. Tích cực đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường chính ngạch với mặt hàng trái cây của Việt Nam.

Bộ Y tế tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung, đấu thầu vật tư y tế, khẩn trương ban hành thông tư thay thế thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí để thi hành vào ngày 15/7/2018, trong đó có 80 giá dịch vụ y tế giảm giá có tác động rất lớn tới giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân, tác động tích cực tới Quỹ Bảo hiểm y tế và kéo giảm CPI.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng quyết định các phương án về thời điểm kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh và tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế nhằm bảo đảm chỉ tiêu lạm phát và hỗ trợ cho chuyển đổi chi phí khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Philippines: Lạm phát giá gạo đạt mức cao nhất kể từ năm 2009

Giá gạo tại Philippines đã tiếp tục tăng trong tháng 1 vừa qua bất chấp lạm phát tổng thể chậm lại, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo sẽ làm xu hướng này trầm trọng hơn trong những tháng tới.

Philippines Lạm phát giá gạo đạt mức cao nhất kể từ năm 2009
Thông tin doanh nghiệp
Giá Yên Nhật hôm nay tại các ngân hàng

Chào mừng đến với bài viết mới nhất của chúng tôi về giá Yên Nhật hôm nay tại các ngân hàng. Trong bối cảnh thị trường tài chính đang có nhiều biến động, việc theo dõi và cập nhật thông tin về giá Yên Nhật là rất quan trọng để các nhà đầu tư và người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định kinh doanh và tài chính chính xác. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin mới nhất về giá Yên Nhật hôm nay tại các ngân hàng lớn như SBI, Vietcombank và cũng sẽ so sánh giá Yên Nhật với đồng tiền Việt Nam (VND). Hãy cùng theo dõi để có cái nhìn tổng quan về tình hình giá Yên Nhật hôm nay.

Giá Yên Nhật hôm nay tại các ngân hàng
Giá bất động sản toàn cầu dự báo tăng với tốc độ chậm hơn

Kết quả từ một cuộc thăm dò của Hãng Thông tấn Reuters cho thấy, giá bất động sản toàn cầu ở hầu hết các thị trường lớn sẽ tăng trong 2 năm tới, mặc dù với tốc độ chậm hơn một chút so với mức đã được dự báo cách đây 3 tháng, trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung thắt chặt.

Giá bất động sản toàn cầu dự báo tăng với tốc độ chậm hơn
Giá nông sản có thể chạm mức cao mới do El Nino

Tạp chí The Business Times ngày 4/10 có bài viết cho hay, hàng hóa nông nghiệp có thể chịu áp lực giá mạnh và biến động lớn hơn, trong bối cảnh rủi ro về nguồn cung khi hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino xảy ra và gây tác động đến các loại cây trồng như đường, ca cao và gạo trên khắp thế giới.

Giá nông sản có thể chạm mức cao mới do El Nino
Return to top