ClockChủ Nhật, 16/08/2015 08:46

Gian nan cai nghiện

TTH - Một ngày đầu tháng 8/2015, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà). Chỉ một bệnh nhân đang cai nghiện bắt buộc sau lần bỏ trốn trước đó. Khu vục dành cho người cai nghiện ma túy, những dãy phòng vắng tênh…

Nhưng sự “vắng vẻ” đó không phải là tín hiệu đáng mừng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh gần 500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở ngoài xã hội. Trong ba năm từ 2012-2014, trung tâm quản lý 59 lượt học viên. Trong đó có 17 học viên bỏ trốn. Những người còn lại sau khi gia đình bảo lãnh về trước thời hạn hoặc hết thời gian cai nghiện bắt buộc, tái hòa nhập cộng đồng lại… tái nghiện. Đầu năm 2015 đến nay, trung tâm chưa tiếp nhận học viên nào.

 
Ông Trần Lâm Tiến cho biết: “Người nghiện đến đây sẽ trải qua quy trình tiếp nhận sàng lọc đối tượng, cách ly giải độc, vật lý trị liệu phục hồi chức năng (thông qua lao động sản xuất), sau đó được tư vấn giúp hiểu tác hại của ma túy để cố gắng cai, cứu lấy bản thân, có lợi cho gia đình, xã hội. Mục đích của trung tâm là vậy. Nhưng bản thân người cai không có ý chí thì kết quả là con số không”.
Không hiệu quả
Chìa khóa quay trong ổ. Chiếc cổng sắt cao chót vót mở ra dẫn vào khu vực dành cho người cai nghiện. Những dãy phòng vắng tênh giữa các bức tường dày, cao và lớp lưới thép bao bọc. Những cánh cửa sổ được gia cố thêm các thanh sắt. Tất cả các chi tiết đó nhằm ngăn người nghiện bỏ trốn khi cơn nghiện “lồng” lên. Nhưng chẳng mấy khả quan. Ông Trần Lâm Tiến, Phó Giám đốc trung tâm lắc đầu bảo, dù tường cao, lưới thép hay cửa gia cố sắt, người nghiện vẫn “cắt” được bằng những vật dụng đã âm thầm mài sắc thu giấu trong người, để trốn. Hầu hết các đối tượng đến đây đã có tiền án tiền sự, khi lên cơn rất hung hãn có thể làm bất cứ điều gì, kể cả gây thương tích hoặc giết người để ra ngoài thỏa mãn cơn nghiện. Chỉ vào những cánh cửa sắt bị cắt, gia cố, dấu vết chằng chịt, ông Tiến nói, lén lút bỏ trốn vẫn “chưa là gì” so với những vụ học viên dùng vật nhọn hoặc đá để tấn công cán bộ. “Bản thân tôi đã từng bị tấn công như thế. Hôm đó, nếu không may mắn tránh được thì có lẽ bây giờ mồ tôi đã xanh cỏ”.
Một ngày trước khi tìm đến trung tâm, chúng tôi nhờ sự giúp đỡ của công an, tiếp cận một số người nghiện và gia đình họ. T mới hai mươi tuổi, nhưng oặt ẹo, sắc mặt bợt bạt. T kể, cha mẹ đã từng làm lồng sắt nhốt con, cách ly với “xã hội bên ngoài”, không cho tiếp xúc bạn bè nghiện, cách ly với ma túy. T đã vật vã gào thét trong chiếc lồng sắt ấy khi cơn nghiện “vật”, nhưng T cũng đồng ý để cha mẹ làm như vậy, bởi đã “hết cách”. Hỏi bây giờ có còn nghiện, T chỉ im lặng. Cách nhà T không xa, cha của K “rứt tóc” khi kể phải “nghiến răng” lại mà đánh con, xích chân con vào cột nhà. Nhưng rồi lại vẫn phải ‘thả” ra vì… bất lực. Còn H - một người nghiện đã “cho” dây chuyền, nhẫn vàng, nữ trang, điện thoại xe máy và những vật dụng đắt đắt tiền của gia đình “đội nón ra đi”Mẹ H bật khóc bảo “có lúc tôi nghĩ nó chết ở đâu thì chết cho khuất mắt”. Ấy vậy mà, cả ba trường hợp này đều chưa hề đến trung tâm cai nghiện. Lý do họ chưa thuộc diện bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, trong lúc gia đình lại không đủ can đảm tự nguyện đưa con đến trung tâm. Anh công an phường lắc đầu bảo, đến trung tâm cũng không hiệu quả gì.
Quả thật, 59 lượt học viên đến cai nghiệm, thì đã có 17 lượt bỏ trốn. Những trường hợp trốn về địa phương, cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa đến cai nghiện lại (đó là chưa kể những trường hợp trốn đi lang thang tỉnh khác). Nhiều gia đình tự nguyện đến “gửi” con, lại bảo lãnh “ra” trước thời hạn. Hoặc trung tâm “giữ” được đối tượng ở lại đến hết thời hạn ghi trong quyết định (18 hoặc 24 tháng), nhưng khi trở về hòa nhập cộng đồng, người cai nghiện lập tức tái nghiện…Tất cả những điều đó chính là nỗi “gian nan”, là sự không hiệu quả trong việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay ngay tại trung tâm. Chi phí của Nhà nước cho người bắt buộc cai nghiện thành ra “đổ sông đổ bể”.
 
 
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Tâm, quá trình điều trị Methadone, bệnh nhân ngày nào cũng phải uống. Bởi vậy, sự phối hợp từ gia đình, người thân rất quan trọng để điều trị thành công (theo sát để biết bệnh nhân có sử dụng Heroin hay không, phản ánh với bác sĩ để tăng hay giảm liều). Bệnh nhân điều trị tối thiểu 1 năm mới giảm liều được. Theo lý thuyết, bệnh nhân điều trị càng lâu càng tốt, để quên Heroin, tiến tới cai nghiện Heroin hoàn toàn.
Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone
Từ cuối năm 2014 đến nay, gần 200 bệnh nhân (người nghiện) bắt đầu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, kể từ khi cơ sở điều trị Methadone (thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh) đi vào hoạt động. Theo Th.s Bs chuyên khoa II, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Trần Thị Ngọc và bác sĩ Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Lê Tâm, điều trị thay thế Heroin bằng Methadone có nhiều lợi ích trước mắt. Người nghiện được xem là người bệnh, không bị kỳ thị “thằng nghiện, con nghiện”. Nguồn thuốc điều trị Methadone đang được Nhà nước hỗ trợ, người bệnh chưa phải mua và đỡ tốn khoản tiền lớn để sử dụng Heroin như trước. Bệnh nhân uống Methadone, đồng nghĩa với việc ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm lây qua đường máu (khi chích) như viêm gan B, HIV. Xã hội yên ổn hơn vì giảm những tệ nạn, tội phạm hình sự trộm cắp, cướp giật…do người nghiện thực hiện để “kiếm tiền” hút chích…
Cơ sở điều trị Methadone (nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ, TP Huế) từ sáng đến hơn 3 giờ chiều, lúc nào cũng có bệnh nhân đến uống. Bác sĩ Tâm hỏi thăm các bệnh nhân bằng giọng nói và thái độ thân thiện. Vài người trong số họ nán lại. Chúng tôi có dịp “nhặt” từ những tâm sự chuyện trò, niềm vui của người bệnh. Đó là niềm vui của một bệnh nhân trước đây vợ chịu không nổi người chồng nghiện, bỏ ra ngoài sống ly thân, nay trở về đoàn tụ bởi thấy anh ta không còn đến nỗi “bí bét”. Bệnh nhân khác đã chịu ở nhà cùng vợ bán hàng tạp hóa… Theo bác sĩ Tâm, trong gần 200 bệnh nhân đang điều trị, hiện khoảng 40 người có công việc làm, chịu làm việc. Đó quả là tín hiệu đáng mừng.
K và H hiện cũng bắt đầu hàng ngày đến cơ sở điều trị Methadone. Cha K kể: “K uống được nửa tháng rồi. Ngày nào tôi cũng chở cháu ra uống rồi chở về. Từ ngày uống Methadone, cháu ở nhà, không lang thang với bạn nghiện nữa. Cháu cần đi đâu tôi đưa đi. Cháu chấp nhận điều đó, thuần hẳn. Gia đình tôi được cho một đống vàng cũng không mừng bằng cuộc đời con được cứu. Gia đình tôi đội ơn mấy anh công an theo sát, đội ơn trung tâm (tức cơ sở điều trị Methadone)”. Người cảnh sát khu vực chia sẻ, điều đó khiến anh cảm thấy được an ủi, coi như bao nhiêu công sức của anh và đồng đội không đến nỗi “công dã tràng”. Tuy nhiên, vẫn chất chồng trăn trở bởi rất nhiều người nghiện “hết thuốc chữa”. 500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và những con số chưa được phát hiện hoặc không biết bao nhiêu người khác bị lôi kéo “sa bẫy”…
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top