ClockThứ Năm, 06/12/2012 05:57

Gian nan cai nghiện cho người nghiện ma túy

TTH - “Quản lý sau cai nghiện là một trong những công tác hết sức phức tạp và khó khăn, bởi đối tượng là những người không làm chủ bản thân, thiếu ý chí nên chỉ cần có điều kiện là họ dễ dàng quay trở lại, dù đa số có điều kiện sống hết sức khó khăn. Do vậy, việc quản lý, giáo dục, vận động tự cai nghiện và cai nghiện tập trung thường rất vất vả... Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH) Hồ Quang Minh bộc bạch khi chúng tôi đề cập vấn đề này.

Đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ông Phạm Bá Vương khẳng định, từ năm 2005 trở về trước, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tương đối “sạch” về ma túy. Song, do ảnh hưởng tình hình ma túy trong khu vực và các địa phương trong cả nước, đặc biệt nơi đây là trung tâm du lịch, TP Festival của Việt Nam, ngành du lịch đang phát triển, lượng khách du lịch đến ngày một đông nên những năm gần đây, tình hình ma túy trên địa bàn diễn biến khá phức tạp và đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng. Hiện, toàn tỉnh hiện chỉ có hai huyện Phong Điền và Nam Đông là không có ma túy.

Khám, chữa bệnh cho học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm GDLĐXH

Điều đáng nói, một số đối tượng ở các tỉnh khác đến cư trú tại Huế để làm ăn hoặc người Huế đi mưu sinh nơi khác bị nghiện ma túy, sau đó trở về quê sinh sống và cai nghiện. Số này đã móc nối với nhau để tìm nguồn ma túy về sử dụng và lôi kéo thêm một số đối tượng khác cùng tham gia khiến cho đối tượng sử dụng ma túy ngày càng gia tăng. Từ đó, số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy ngày một bùng phát với 42/152 nơi có tệ nạn ma túy.

Theo số liệu điều tra, nếu 2006 có 138 đối tượng nghiện thì đến nay, đối tượng nghiện lên đến 363, độ tuổi chủ yếu từ 18 đến 35, đa phần là lao động tự do và không nghề nghiệp ổn định; loại ma túy thường được sử dụng nhiều hơn cả là hêroin và Huế là địa bàn có khối lượng người tham gia đáng kể với 253 đối tượng.

Vẫn xảy ra tình trạng học viên trốn trại

Trước đây (giai đoạn 2006 - 2010), tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) có 50 lượt đối tượng cai nghiện tự nguyện, bắt buộc và cho tái hòa nhập cộng đồng 24 đối tượng vào các năm 2006 - 2007. Tuy nhiên, 13 đối tượng tái nghiện trở lại đơn vị (chiếm tỷ lệ 26% so với tổng số cai nghiện), 14 đối tượng được gia đình bảo lãnh và 35 đối tượng bỏ trốn khỏi đơn vị. Ngoài ra, còn có 45 lượt đối tượng được tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Còn sau gần hai năm nhận chuyển giao từ Trung tâm Bảo trợ xã hội và đi vào hoạt động, Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (GDLĐXH - Sở LĐ-TB&XH) tiếp nhận trên 100 lượt đối tượng vào cai nghiện, chữa trị và giáo dục (đối tượng cai nghiện tự nguyện chiếm gần phân nửa). Một số đối tượng vào lại lần thứ hai, ba, do sau khi tái hòa nhập gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm nên không tránh khỏi “ngựa quen đường cũ”. Lại nữa, do bị bạn bè lôi kéo, các đối tượng tiếp tục tái nghiện với mức độ vi phạm còn nặng hơn khi phải kiếm tiền để thỏa mãn trở lại cơn nghiện và tham gia vào việc mua bán chất ma túy.

Mặc dù trụ sở mới xây dựng, nhưng người đứng đầu đơn vị cũng thừa nhận cơ sở vật chất ở đây chưa bảo đảm cho việc ngăn chặn nạn trốn trại do khu vực quản lý và tường rào của trung tâm giáp vách núi. Đây cũng là điều kiện “tiếp tay” cho các đối tượng bên ngoài thường tìm cách ném các dụng cụ: lưỡi cưa, dao... nhằm giúp học viên có hung khí chống nhân viên bảo vệ và cưa cửa bỏ trốn. Thậm chí, các đối tượng bên ngoài còn quăng cả ma túy vào cho các “đồng đội” ở bên trong. Hơn nữa, tâm lý các đối tượng cai nghiện thường rất phức tạp, khi lên cơn, họ còn chửi rủa, hăm dọa tính mạng cán bộ bảo vệ. Trong lúc, một số cán bộ này chưa được đào tạo chuyên môn nên gặp khó khăn trong quá trình quản lý học viên. Vừa qua, đơn vị giao cho Công an thị xã Hương Trà một số tang vật thu được từ học viên, gồm: một gói nhỏ khoảng một tép ma túy, hai con dao tự chế, hai khúc lưỡi cưa sắt và một bàn chải đánh răng mài nhọn.

Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, hiện cơ sở vật chất của trung tâm chưa phù hợp trong công tác chữa trị lao động trị liệu; thiếu nhân sự, không có bác sĩ chuyên khoa mà chỉ có hai y sĩ tiếp xúc với chúng tôi. Khi thắc mắc trong trường hợp các đối tượng cai nghiện bị bệnh nặng, chúng tôi được một trong hai y sĩ cho hay, bệnh nhân phải chuyển đi bệnh viện, gây khó khăn trong công tác chữa trị. Qua trao đổi, một số cán bộ khác không khỏi tâm tư về cơ chế chính sách khi chưa có phụ cấp thỏa đáng để thu hút đặc thù đối với những người làm việc tại đây. 

Giải pháp

Mặc dù năm năm qua, công tác cai nghiện phục hồi (CNPH) đạt một số kết quả nhất định, nhưng tỷ lệ tái phạm, tái nghiện hiện còn cao, với trên 90%. Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CNPH cho người nghiện ma túy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 79/KH-UBND về CNPH cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2011 - 2015). Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy nói chung cũng như công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình cũng như bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về CNPH.

Điều mà ông Ngô Hòa nhấn mạnh nữa là, cần chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác CNPH và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng: phát động toàn dân phòng, ngừa TNXH và vận động người nghiện ma túy tham gia các chương trình cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau khi cai có việc làm để ổn định cuộc sống; hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, các cơ sở hoạt động theo hình thức mở; xây dựng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cơ sở sản xuất tại cộng đồng; thực hiện đa dạng, hình thức huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác liên quan, như: xóa đói giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm.

Cuối cùng, vấn đề mà ông Ngô Hòa quán triệt là các sở, ban ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về người nghiện ma túy, các chỉ tiêu báo cáo về công tác CNPH, quản lý sau cai nghiện, định kỳ đánh giá hiệu quả công tác này, điều chỉnh nội dung, biện pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao kết quả và hiệu quả công tác CNPH. 

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Bá Vương:
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện
 
Sắp đến, Sở LĐ,TB&XH triển khai và tổ chức thực hiện chương trình CNPH cho người nghiện ma túy đến năm 2015 và kế hoạch hàng năm phù hợp tình hình thực tế địa phương. Theo đó, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện: dạy nghề tạo việc làm, chống tái nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho người cai nghiện ma túy; đồng thời, hướng dẫn chỉ đạo các hoạt động cai nghiện và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch kinh phí hàng năm đối với công tác cai nghiện ma túy tại trung tâm, gia đình và cộng đồng. Ngoài việc tổng hợp báo cáo hàng tháng, quý, năm hệ thống biểu mẫu thống kê về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện theo Thông tư 05 ngày 23/3/2011 của Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị đánh giá định kỳ tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu CNPH báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.
 
Giám đốc Trung tâm GDLĐXH Ngô Hùng Dũng:
 
Nhu cầu học nghề là rất lớn
 
Hiện, nhu cầu các đối tượng cai nghiện mong muốn học nghề rất lớn thông qua việc đào tạo bài bản, các nghề thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thị trường việc làm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do cách xa thành phố, phương tiện đi lại, vận chuyển khó khăn nên mặc dù Trung tâm GDLĐXH làm việc với các đối tác về tạo việc làm cho học viên, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại về phương tiện vận chuyển hàng hóa, chi phí tăng so với cơ sở sản xuất tại đơn vị và số lượng học viên tại đây vẫn chưa đáp ứng điều kiện sản xuất. Vì vậy, hiện đơn vị vẫn chưa ký các hợp đồng để có công việc cho học viên tham gia lao động, sản xuất. Đơn vị đã kiến nghị, đề xuất và đang hoàn thành thủ tục trình các cấp và UBND tỉnh để mua thiết bị dạy nghề điện dân dụng, điện lạnh cho học viên với kinh phí 300 triệu đồng.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH Phan Cảnh Tú:
 
Chưa chú trọng công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng
 
Thời gian qua, công tác đấu tranh, trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), Chi cục Phòng chống TNXH còn gặp những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Đó là chất lượng công tác giáo dục, chữa bệnh và cai nghiện phục hồi vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý đối tượng ở Trung tâm GDLĐXH còn để xảy ra tình trạng học viên trốn trại. Vấn đề dạy nghề, giúp đỡ, hỗ trợ cho người sau chữa bệnh và cai nghiện còn lúng túng.
 
Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa được chú trọng, còn nhiều chủ quan nên kết quả chưa thực sự bền vững. Ở một số địa phương, công tác này thậm chí còn mang tính hình thức và đối phó. Mặc dù đội ngũ y tế ở tuyến xã được tập huấn nhưng chưa cụ thể, nên việc xác định người nghiện ma túy và phác đồ điều trị chưa được thực hiện gây khó khăn lớn đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng động đồng. 
 
Bùi Vĩnh (thực hiện)

 

Bài và ảnh: Vĩnh Cự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top