ClockThứ Sáu, 14/11/2014 13:29

Gian truân đường vào siêu thị - kỳ II: Cần sự liên kết

TTH - Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ trong khi các chi phí KN, phí hỗ trợ DN cao nên lâu nay, nông-đặc sản Huế khó vào siêu thị. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần sự liên kết để sản phẩm địa phương có mặt nhiều hơn ở các siêu thị.

Thiếu phối hợp

DNTN Rau an toàn Hóa Châu ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) là một trong số ít DN đứng ra thu mua rau củ quả của người dân để cung ứng cho siêu thị. Sau khi ký hợp đồng với hai siêu thị Big C và Co.opMart, hiện mỗi ngày DN cung ứng từ 1- 1,5 tạ rau an toàn và các loại quả do người dân địa phương trồng, gồm các loại rau dền, khoai, mồng tơi, hành, ngò, mướp đắng, đu đủ, ớt trái, sả… Để đảm bảo nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng cung ứng cho siêu thị, DN lựa chọn khoảng 20 hộ dân trồng rau an toàn theo quy trình VietGap trên địa bàn xã để thu mua, đồng thời thực hiện việc giám sát khâu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thời gian thu hoạch theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Nhờ có đầu mối thu mua là DNTN Rau an toàn Hóa Châu, các loại rau củ quả do người dân địa phương sản xuất đã có mặt tại siêu thị

Bà Đinh Thị Thi (DNTN Rau an toàn Hóa Châu) cho biết: “Nhờ thực hiện kỹ các quy trình từ việc giám sát khâu sản xuất, thu hoạch đến lựa chọn rau, sơ chế bằng kỹ thuật sục khí ôzôn, đóng gói nên sản phẩm rau Hóa Châu luôn được siêu thị chấp nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, vì có nhiều quy trình từ khâu thủ tục, KN đến hỗ trợ các khoản phí hỗ trợ siêu thị nên nếu là hộ sản xuất cá thể rất khó thực hiện được. Nếu có các tổ chức, HTX đứng ra thu mua nông sản địa phương rồi đưa vào siêu thị thì người dân sẽ yên tâm để mở rộng sản xuất bởi doanh số bán hàng ở các siêu thị cao hơn so với chợ truyền thống rất nhiều”. 

“Siêu thị luôn hoan nghênh và thu mua các sản phẩm nông sản địa phương với điều kiện đảm bảo các thủ tục liên quan nhằm đa dạng hóa nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng chứ không yêu cầu thu các khoản phí hỗ trợ DN đối với NCC địa phương. Song, do đa số các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, nguồn hàng bấp bênh nên rất khó thực hiện. Nhiều năm nay, các NCC cứ đưa hàng vào siêu thị rồi phải tạm ngưng. Năm 2013 siêu thị có 9 NCC địa phương thì đến năm 2014 chỉ còn 4 cơ sở, 5 cơ sở còn lại nguồn hàng không đảm bảo nên đang tạm ngưng cung cấp,” Trưởng Bộ phận Maketting Siêu thị Co.opMart Huế - Lê Diên Nơ cho biết.

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, sở dĩ lâu nay nông-đặc sản của người dân ít có mặt tại siêu thị một phần là do thiếu sự phối hợp ăn ý giữa các bên và không có ai đứng ra tổ chức bao tiêu sản phẩm, thực hiện quy trình KN đưa vào siêu thị. Sắp tới, hội sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất sản phẩm sạch, đạt chất lượng; đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi để người sản xuất đầu tư máy móc thiết bị, đăng ký thương hiệu đảm bảo các tiêu chí để đưa hàng vào siêu thị, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân. 

Có chính sách hỗ trợ DN nhỏ

“Sắp tới sở sẽ tổ chức hội nghị đối thoại DN với sự tham gia của lãnh đạo siêu thị Big C và Co.opMart, các ban ngành liên quan và đặc biệt là các NCC địa phương, HTX, hiệp hội ngành hàng nhằm tìm tiếng nói chung cũng như giải quyết những vướng mắc trong khâu sản xuất- tiêu thụ hàng nông-đặc sản. Qua đó, đề nghị UBND tỉnh có chính sách cho DN vừa và nhỏ vay vốn lãi suất thấp, thụ hưởng các nguồn vốn khuyến công - khuyến nông phát triển sản xuất và đăng ký thương hiệu sản phẩm”. Ông Võ Phi Hùng, TUV, Giám đốc Sở Công thương,

Mứt gừng Kim Long, bánh Trung thu Huế vốn nổi tiếng lâu nay nhưng chưa bao giờ đứng chân ở siêu thị. Mứt gừng chỉ sản xuất vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian kinh doanh trong vòng 1 tháng, vậy nhưng để đưa sản phẩm này vào siêu thị phục vụ khách, các cơ sở phải chi 2,5 triệu đồng cho khâu KN, đây là số tiền tương đối lớn bởi đa số các hộ sản xuất đều có quy mô nhỏ. Tương tự, dịp Tết Trung thu, tại hai siêu thị Big C và Co.opMart có hàng chục thương hiệu bánh trung thu trưng bày, trong khi đó bánh trung thu do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất không thể đưa vào vì những lý do mà chúng tôi đã đề cập ở trên. 

Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Muốn hàng nông-đặc sản do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất đứng chân tại siêu thị cũng như bán ra thị trường đảm bảo chất lượng, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi đối với các DN vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình chứ không nên đổ đồng các DN như nhau. Chi phí KN khá cao, trong khi đa số các hộ sản xuất thực phẩm của tỉnh quy mô nhỏ nên rất ngại đưa sản phẩm đến KN, dẫn đến sai phạm nhiều và tình hình “lách luật” để không KN sản phẩm ngày càng cao.” Cũng theo ông Diễn, hiện lệ phí KN cho sản phẩm bia Huế, một thương hiệu lớn của tập đoàn nước ngoài có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm với mức 3,5 triệu đồng/mẫu, trong khi đó sản phẩm tôm chua Huế, mắm cá rò sản xuất quy mô hộ gia đình, doanh số bán hàng chỉ đạt vài chục triệu/cơ sở/năm có mức phí từ 3- 4 triệu đồng và chỉ có thời hạn 6 tháng, đây chính là bất cập trong quản lý mức thu phí lâu nay của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tin liên quan:

>> Kỳ I: Rào cản

Để nông-đặc sản Huế “được” vào siêu thị, cần sự liên kết giữa các bên: chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp, người sản xuất và bản thân các DN kinh doanh siêu thị. Nếu thành lập được các đầu mối thu mua hàng nông sản địa phương, sau đó tiến hành các thủ tục như KN, cấp giấy chứng nhận ATVSTP thì hàng nông-đặc sản Huế mới phát triển và mở rộng quy mô, trước hết là ở siêu thị.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top