ClockThứ Bảy, 21/11/2020 15:23

Giảng viên trẻ là lực lượng nòng cốt, kế cận

TTH - Đó là khẳng định của PGS.TS. Lê Anh Phương, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học (ĐH) Huế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về đội ngũ cán bộ, giảng viên trong bối cảnh Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đang xây dựng trở thành một trong ba trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia và góp phần xây dựng ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia.

Tuyên dương 18 giảng viên trẻ tiêu biểu“Huế đã cho tôi môi trường & cơ hội”

PGS.TS. Lê Anh Phương, Phó Bí thư Đảng ủy ĐH Huế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

 

PGS.TS. Lê Anh Phương phân tích, đội ngũ giảng viên trẻ tuy chưa có nhiều kinh nghiệm bằng những giảng viên đã cống hiến lâu năm nhưng lại là lực lượng nòng cốt, kế cận trong công tác đào tạo ở các trường ĐH. Họ có nhiều điểm lợi thế để thúc đẩy các chiến lược phát triển. Nhưng để phát huy tốt khả năng, nhiệt huyết của họ, phải có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng hợp lý.

PGS có thể nói rõ hơn vai trò của giảng viên trẻ tại nhà trường?

Tính đến tháng 10/2020, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đang có 370 cán bộ, trong đó có 225 giảng viên, khoảng 70% giảng viên trẻ. Cùng với những đóng góp của giảng viên có thâm niên công tác, lực lượng giảng viên trẻ thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học, họ có những sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các phong trào.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) và công việc này được tất cả cán bộ, giảng viên cùng xắn tay, trong đó có giảng viên trẻ. Lực lượng cán bộ, giảng viên đã đi khắp nhiều tỉnh thành trong nước để tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán các địa phương và tạo được dấu ấn của nhà trường. Hiện, không chỉ khu vực miền Trung – Tây Nguyên mà Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh miền Nam hay phía Bắc cũng đăng ký nhà trường trong đào tạo và nâng chuẩn giáo viên, có những địa phương rất xa, như Cà Mau, Nam Định, Bắc Giang.

Chúng tôi đang thực hiện đổi mới quản trị ĐH, trong đó chú trọng tái cấu trúc nhà trường đáp ứng yêu cầu mới, hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo bằng xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực người học. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao đáp ứng đổi mới giáo dục. Trên thực tế, cùng với vai trò của giảng viên có thâm niên công tác, giảng viên trẻ cũng đóng góp nhiều trong chiến lược phát triển nhà trường.

Nhiều người cho rằng, giảng viên trẻ lại có nhiều yếu điểm, như thiếu kinh nghiệm... PGS có nghĩ thế không?

Xét về kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên công tác lâu năm chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, giảng viên trẻ lại có nhiều điểm rất tích cực có thể phát huy. Ngay tại trường, những ảnh hưởng tích cực từ đội ngũ giảng viên trẻ được phát huy do tính năng động, chủ động sáng tạo, đặc biệt là muốn khám phá, họ đã và đang là nòng cốt của nhà trường.

Đội ngũ này có những sinh hoạt chuyên môn trao đổi nghề nghiệp với các đồng nghiệp lớn tuổi để chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau thay đổi trong công tác giáo dục và nghiên cứu. Điều này không những nâng cao năng lực cho họ mà còn giúp đội ngũ cán bộ lớn tuổi có nhiều đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu phù hợp.

Năm học vừa qua, dịch COVID-19 tác động và việc triển khai đào tạo trực tuyến được áp dụng. Đội ngũ giảng viên trẻ cũng là lực lượng tiếp cận và bắt nhịp nhanh. Hiện nay, không chỉ giảng viên lớn tuổi mà phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên trẻ được nhiều sinh viên rất thích.

Nhưng dường như ở họ thiếu sự ổn định và luôn muốn “nhảy việc”?

Vấn đề thay đổi môi trường công việc đúng là trăn trở của chúng tôi. Môi trường làm việc chịu sự cạnh tranh. Tính thu hút giảng viên chất lượng từ các đơn vị tại nhiều địa phương tạo cho giảng viên có tâm lý về thay đổi công việc. Đây là thực trạng chung liên quan đến nhiều vấn đề, nhất là môi trường, thu nhập cùng nhiều yếu tố khác. Cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ khi có điều kiện có thể thay đổi công việc hoặc lựa chọn môi trường khác.

Vấn đề trên đòi hỏi sự quan tâm hơn không chỉ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cơ hội phát triển của họ mà còn phải làm sao để họ phát huy được nhiệt huyết, sự gắn bó.

Phấn đấu trở thành một trong ba trường ĐH Sư phạm trọng điểm, nhà trường có những giải pháp gì phát huy thế mạnh của giảng viên trẻ?

Mục tiêu của chúng tôi là đến hết giai đoạn 2020 – 2025 có trên 65% cán bộ, giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên. Để giảng viên nâng cao trình độ, ngoài việc tổ chức học tập, bồi dưỡng, cũng cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thành lập nhóm chuyên môn giảng viên…

Chúng tôi đang tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐH Huế, quốc gia và quốc tế, xây dựng nhiều giải pháp khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chuyển giao ứng dụng. Bên cạnh đó, cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra cho đội ngũ giảng viên, nâng cao năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ trong dạy học. Khuyến khích giảng viên hợp tác nghiên cứu trong nước và nước ngoài cũng như đổi mới sáng tạo trong giảng dạy.

Trường đã hợp tác với các trường đối tác nước ngoài hỗ trợ giảng viên trao đổi học thuật, xây dựng và triển khai các đề án hợp tác nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cũng như đổi mới giáo dục ĐH cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, giúp giảng viên có cơ hội trao đổi và nâng cao năng lực học thuật. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên hoàn thành tốt chức danh nghề nghiệp (giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính). Chú trọng tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ đến trường công tác.

Chúng tôi đang ưu tiên phát triển chất lượng đội ngũ, tăng tỷ lệ giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ. Hiện, tại các khoa: Toán, Lý, Hóa có gần 100% cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, kể cả giảng viên trẻ. Chúng tôi có cơ chế giảng viên trẻ đi đào tạo nước ngoài. Giảng viên trẻ nhiều khoa, đặc biệt các khoa tự nhiên bắt buộc đào tạo ở nước ngoài. Việc được đào tạo ở nước ngoài có khá nhiều lợi thế, nhất là không chỉ về chuyên môn, tư duy làm việc mà còn ngoại ngữ, giải quyết bài toán số giáo viên có trình độ ngoại ngữ tốt chưa thực sự cao.

Thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trẻ hiệu quả cần những cơ chế nào, thưa PGS?

Việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên không chỉ giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phục vụ cho công tác chuyên môn và những chiến lược phát triển của trường. Để giảng viên toàn tâm, toàn ý học tập, cần bố trí sắp xếp công việc cho giảng viên, đảm bảo các quyền lợi khi đi học, hỗ trợ kinh phí khi giảng viên đi học.

Chúng tôi cũng thường xuyên có những trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên nhằm đạt được những hiệu quả tốt nhất trong công tác phát triển chất lượng giảng viên, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu và định hướng xây dựng, phát triển nhà trường.

Xin cảm ơn PGS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh

Tết cổ truyền là dịp để mọi người tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp các trường học tổ chức những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh.

Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
Return to top