ClockThứ Năm, 24/10/2013 10:50

“Giao cảm”: Lời tự sự của tình yêu

TTH - Ra mắt đúng vào dịp 20/10 tại 26 Lê Lợi, phòng tranh "giao cảm" của nữ họa sĩ trẻ Đặng Thị Thu An đã mang đến cho người thưởng lãm những khoảng lặng về tình mẫu tử thiêng liêng.

“Giao cảm” gồm 19 tác phẩm, trong đó có 18 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu, 1 tác phẩm bằng chất liệu acrylic. Đây là những tác phẩm được họa sĩ Thu An vẽ từ năm 2011 – khoảng thời gian chị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải xa con sang Thái Lan học cao học - đến nay.

Họa sĩ Đặng Thị Thu An bên tác phẩm của mình

Xuyên suốt 19 tác phẩm là lời tự sự về tình yêu và tình mẫu tử của tác giả với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy cho rằng: “Có thể nói, tranh của Thu An đầy nữ tính với những gam màu nhẹ nhàng. Thế giới trong tranh của chị là không gian đầy ắp kỷ niệm, những khoảng lặng mênh mông của tình yêu và ký ức, những dằn vặt suy tư và mộng mơ, được hòa quyện vào thế giới của búp bê, gấu bông, đồ chơi, vòng tay mẹ. Đó là thế giới của trẻ thơ trong sáng, hồn nhiên và bình yên....”.

14 bức tranh có chủ đề “giao cảm” là cuốn nhật ký thể hiện tình yêu thương, nỗi nhớ của nữ họa sĩ trong những ngày xa con, là mối giao cảm giữa tác giả và con gái. Dù xa cách không gian như thế nào thì tâm trí, tình cảm của người mẹ luôn hướng về đứa con thân yêu của mình. Chùm tranh giao cảm dễ thương đến nao lòng. Một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp và gần gũi len nhẹ trong tim mỗi người. Đó là hình ảnh của những con gấu bông xinh xắn – biểu tượng gần nhất với cô con gái, hình ảnh người mẹ ôm ấp, nâng niu, chở che, đưa con đi chơi, là lòng bao dung, ấm áp của người mẹ cũng như ánh mắt trong trẻo đầy hồn nhiên của trẻ thơ. Với chùm tranh này, Thu An gần như vẽ về không gian thật và những gì gắn với cuộc sống của con gái mình.
 
Nữ họa sĩ chia sẻ: “Trong những ngày xa con đi học ở Thái Lan, tôi nhớ con gái đến quặn lòng. Nhớ lúc con ăn, con ngủ, nhớ từng khoảnh khắc ở gần con, chăm sóc, lo lắng cho con, nhớ cả những con gấu bông – đồ chơi của con gái mà tôi thường tặng mỗi khi đi đâu về. Tôi khao khát được bảo vệ, ôm ấp, chăm sóc, yêu thương con hàng ngày, hàng giờ. Nỗi nhớ ấy được giải tỏa qua từng nét vẽ. Cứ nhớ đến con là tôi vẽ. Những bức tranh này gần như là cuốn nhật ký nói lên tình cảm của tôi hướng về con gái”.
 

Giao cảm 9

 
Trong phòng tranh này, họa sĩ Thu An cũng ra mắt công chúng 5 tác phẩm chủ đề “Yêu”. Những tác phẩm siêu thực là tâm sự cá nhân của chị, là trăn trở của một người đàn bà khao khát được yêu thương như tất cả những người phụ nữ khác. Đó còn là những khoảnh khắc vui buồn, day dứt, xa xăm về một tình yêu đi ngang cuộc đời. Lấy cảm hứng từ hoa quỳnh, mỗi bức “Yêu” mang một tâm trạng khác khau, được thể hiện qua màu sắc và đường nét. Lúc vui, hạnh phúc, chị vẽ màu hồng thể hiện sự thăng hoa trong tình yêu. Khi day dứt, dằn vặt, những đường nét lại oằn mình.
 
TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật nhận xét: “Tranh của Thu An kết hợp giữa lối vẽ hiện đại của người Việt và phong cách hiện đại của người Thái, giữa siêu thực với hiện thực. Sự trắc ẩn của người phụ nữ về tình mẫu tử, gia đình, cuộc sống và những day dứt trước những thay đổi của cuộc sống được thể hiện trong từng bức tranh. Nếu ở dòng tranh hiện thực, cô xoáy sâu vào những nỗi niềm, nội tâm của người phụ nữ, về tình mẫu tử, nỗi âu lo về con cái thì dòng tranh siêu thực lại thể hiện khát khao, mong ước về tương lai một cách ẩn dụ, mượn hình mượn màu để nói. Đó là thành công của Thu An”.

Cuộc sống của An có nhiều trắc ẩn. Chồng mất, một mình nuôi con và phải lo toan mọi thứ, An gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo An phải thu xếp rất nhiều mới có thể theo đuổi niềm đam mê với cây cọ. Giờ đây, con gái và nghệ thuật là hai điểm tựa của An. Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, chị cũng chưa bao giờ dừng vẽ. Vẽ thành niềm đam mê, an ủi, dung dưỡng tinh thần để cô cân bằng cuộc sống. An tâm sự: “Nghề họa sĩ quá vất vả với phụ nữ. Để đi theo nó đến tận cùng niềm đam mê khi phải một mình nuôi con thật không đơn giản. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy đó là một may mắn khi tất cả những niềm vui, nỗi buồn, trăn trở, khắc khoải… không cần nói bằng lời. Tôi mở phòng tranh này với hy vọng tìm được tiếng nói giao cảm với mọi người”.

Trang Hiền - Thu Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

TIN MỚI

Return to top