ClockThứ Tư, 07/11/2018 20:56

Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho người trẻ và nhóm yếu thế

TTH.VN - Phiên họp tập trung thảo luận vấn đề làm thế nào các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đóng góp vào công tác hiện thực hóa phát triển bền vững thông qua giáo dục về DSVHPVT cho thế hệ trẻ và các nhóm yếu thế.

Chúng ta hãy tạo nguồn cảm hứng cho nhauBàn giải pháp trao quyền bảo vệ di sản phi vật thể cho cộng đồng

Đưa vào chương trình giáo dục

Mở đầu phiên thảo luận là câu chuyện của ông Kai-kwong Choi (chuyên gia về giáo dục và phát huy DSVHPVT của tổ chức Quản lý Dự án Giáo dục, Liên minh công nhân phát huy văn hóa Miếu Hội, Hồng Kông) về việc giáo dục DSVHPVT cho người trẻ ở Trường Châu (Cheung Chau).

Trường Châu là một hòn đảo nằm bên ngoài Hồng Kông - nơi có rất nhiều DSVHPVT, lễ hội Jiao là một điển hình. Từ năm 2011, Trường Cao đẳng Phật giáo Wai Yan trên hòn đảo này đã bắt đầu thực hiện các chương trình giáo dục, nhằm đưa DSVHPVT vào các môn học khác nhau trong giáo trình toàn trường. Đến nay, đây vẫn là ngôi trường duy nhất ở Hồng Kông dạy về DSVHPVT. Kinh phí cho việc giảng dạy này được hỗ trợ từ ngân sách của chính quyền địa phương. Ở đây, sinh viên được đào tạo để trở thành những hướng dẫn viên du lịch bản địa, được tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương, thiết kế hình ảnh văn hóa cho các hoạt động lễ hội và được tạo rất nhiều điều kiện để kết nối với các nghệ nhân địa phương.

Hình ảnh tư liệu giới thiệu người trẻ ở Trường Châu tham gia lễ hội Jiao

“Bằng cách này, nhà trường và người dân địa phương đã hỗ trợ rất tích cực để giúp sinh viên có được cảm giác chính mình là chủ nhân của những DSVHPVT này và sớm hình thành ý thức giữ gìn DSVHPVT. Điều đó khẳng định hiệu quả của công tác giáo dục DSVHPVT ở cơ sở giáo dục này, xây dựng được nền tảng tốt để về ý thức bảo tồn DSVHPVT trong người trẻ là những sinh viên nhà trường”, ông Kai-kwong Choi nói.

Đến từ Bangladesh, GS.TS. Saifur Rashid (chuyên gia Nhân chủng học của Đại học Dhaka) chia sẻ câu chuyện về vai trò của NGOs trong giáo dục về ngôn ngữ bản địa cho chính người dân địa phương, nhất là đối với người dân tộc thiểu số.

Theo GS.TS. Saifur Rashid, Bangladesh là đất nước của các NGOs, với hàng ngàn NGOs được thành lập và hoạt động. Bangladesh gặp nhiều vấn đề khó khăn khi chỉ có 43,9% người dân ở các vùng có DSVHPVT biết chữ và tỉ lệ người dân bỏ học ở vùng này lên đến trên 90%. Việc bảo tồn DSVHPVT được xác định có liên quan rất mật thiết với khả năng biết chữ và sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, nên hầu hết mục tiêu hoạt động của các NGOs là nỗ lực giảm tỉ lệ trẻ bỏ học giữa chừng và tăng tỉ lệ người dân vùng có DSVHPVT biết ngôn ngữ mẹ đẻ. Khi những vấn đề này được giải quyết, các vấn đề khác như bình đẳng giới… mới được tính đến.

Cơ chế hỗ trợ “báu vật sống” chưa phát huy hiệu quả 

Ông Seng Song, Quản lý Heritage Hub, Tổ chức Living Arts Campuchia, lại chia sẻ câu chuyện về nỗ lực của Living Arts Campuchia trong việc tìm lại những “mảnh vỡ” của văn hóa nghệ thuật dân gian Campuchia sau thời kỳ đen tối của Khmer Đỏ. Cụ thể là nỗ lực của tổ chức trong quá trình kết nối những nghệ nhân hiếm hoi còn có thể tìm thấy trong hai loại hình âm nhạc nguy cơ mai một là Ploy và Ken. Câu chuyện này rất gần gũi với nỗ lực bảo tồn DSVHPVT của Việt Nam từ kênh khai thác các bí kíp, ngón nghề diễn xướng dân gian của các nghệ nhân.

Trình chiếu hình ảnh về bảo tồn văn hóa dân gian ở Campuchia

Ông Seng Song chia sẻ: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và giám sát các lớp truyền dạy nghệ thuật văn hóa truyền thống của các nghệ nhân đối với thế hệ trẻ. Dù khó, chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, nhất là cơ chế hỗ trợ đối với các nghệ nhân – những người được coi là “báu vật sống” của DSVHPVT.

Điều hành phiên bàn luận, TS. Amareswar Galla – Giám đốc điều hành Học viện Quốc tế dành cho Bảo tàng Hội nhập, cho rằng: Cơ chế hỗ trợ cho những “báu vật sống” chưa được phát huy hiệu quả ở khu vực Lào, Camphuchia và Việt Nam. Trong khi vấn đề này ở các nước Nhật, Hàn Quốc lại được phát huy rất hiệu quả. Đây là vấn đề chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Ở những nước chưa thực hiện hiệu quả cơ chế này, cần xem vấn đề bắt đầu từ đâu để tìm giải pháp phù hợp. Điều quan trọng nhất là làm sao để chúng ta có được sự truyền thừa từ các nghệ nhân lớn tuổi, những báu vật sống đó cho thế hệ trẻ về những tri thức truyền thống, trong đó có DSVHPVT.

Chú trọng thái độ với môi trường

Đến từ Palau, ông Ingmar sturm – Đồng sáng lập Dự án Ark Island, có những chia sẻ rất tâm huyết về Ark Island – Thuyền cứu đảo, dự án có mục tiêu “cứu” những DSVHPVT có nguy cơ bị mất theo dòng người rời bỏ các hòn đảo khi gặp họa nước biển dâng.

Ark Island được thực hiện xuất phát từ bối cảnh các đảo gặp nhiều nguy cơ khi nước biển dâng. Trong quá trình nước biển dâng, các đảo dần chìm ngập trong nước, người dân dần dần di cư khỏi những hòn đảo, tìm đến nơi khác sinh sống và mang theo hết cả những DSVHPVT. Vấn đề này rất nghiêm trọng, nhiều năm nay đã có hàng trăm ngàn người từ các quốc gia nhỏ trên các đảo ở khu vực Thái Bình Dương, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các đảo quốc.

Ông Ingmar sturm giới thiệu về dự án Ark Island

Trong dự án của mình, chúng tôi cố gắng để làm thế nào có thể duy trì được những DSVHPVT của họ, bằng cách cố gắng nhận diện những giá trị DSVHPVT đang dần bị mai một do con người rời đi, không còn người thực hành và xây dựng dữ liệu thông qua các công nghệ mới. Sau đó, chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cộng đồng ấy bằng cách cung cấp cho họ những thông tin, dữ liệu về DSVHPVT của họ để chúng không bị mất đi và chính người dân sẽ tiếp tục tham gia để duy trì bền vững. Điều chúng tôi mong muốn rằng, các hành động của Island Art không chỉ có các chuyên gia mà còn có sự tham gia của người dân. Họ chính là những người nắm giữ những giá trị DSVHPVT, đồng thời tham gia thiết thực vào việc gìn giữ và phát triển những giá trị DSVHPVT ấy.

Việt Nam sẽ là một trong năm nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu khiến nước biển dân. Đó là một trong những lý do khiến PGS.TS Đặng Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa quốc gia đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục ý thức văn hóa ứng xử với môi trường khi bàn đến giải pháp hỗ trợ cộng đồng bảo vệ DSVHPVT một cách hiệu quả.

Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, hệ thống tín ngưỡng là một trong những thành phần quan trọng của DSVHPVT của mỗi quốc gia. Thông qua những tín ngưỡng văn hóa như thế, người ta đều thể hiện thái độ với thiên nhiên và thực tiễn cuộc sống.

“Giải pháp tốt nhất là chúng ta phải tận dụng hệ thống tín ngưỡng ấy để giáo dục thái độ ứng xử với thiên nhiên và thay đổi nhận thức của mỗi người đối với môi trường thì sẽ cơ bản thích ứng được với biến đổi khí hậu. Riêng với Việt Nam, nếu biến đổi khí hậu khiến Việt Nam mất 1/3 vựa lúa Nam Bộ trong tương lai không xa, thì không nên chần chừ việc sử dụng DSVHPVT một cách tích cực và thiết thực nhất để giải quyết những vấn đề của nguy cơ biến đổi khí hậu”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Trao vốn hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế

Chiều 2/4, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ Mồ côi (NKT&TMC) Việt Nam phối hợp với Hội NKT - Bảo trợ NKT&TMC tỉnh tổ chức chương trình trao tặng vốn hỗ trợ sinh kế cho NKT trên địa bàn.

Trao vốn hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top