ClockThứ Bảy, 22/02/2020 07:00

“Giáo dục về lịch sử và văn hóa luôn có tầm quan trọng đặc biệt”

TTH - Đó là chia sẻ của bà Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu và là cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo - được nhiều người mến gọi là “Người truyền lửa sáng tạo”.

Trại hè trải nghiệm văn hóa lịch sử“Tự hào Việt Nam”Đổi mới phương pháp học môn lịch sử trong trường phổ thông

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: NVCC

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, tại những quốc gia phát triển, việc giáo dục về lịch sử và văn hóa luôn được chú trọng, vì đó là yếu tố quan trọng để giữ gìn bản sắc, kho tàng phi vật thể của cả một dân tộc. Giáo dục về lịch sử và văn hóa không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Những năm qua tại Việt Nam, theo bà, các phương pháp giáo dục trong nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu về giáo dục lịch sử và văn hóa truyền thống hay chưa?

Theo tôi, chúng ta đã tiếp cận với lịch sử, văn hóa nhưng chưa thực sự đủ thu hút học sinh, sinh viên và người trẻ. Vì thế, người Việt chưa hiểu rõ về sử Việt là một thực tế buồn, cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, việc sùng bái văn hóa ngoại cũng đang là một thách thức đối với giáo dục và với những người có trách nhiệm gìn giữ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt.

Từ thực tế đó, bà nhìn nhận như thế nào về nền tảng của Huế trong việc xây dựng các chương trình giáo dục về lịch sử và văn hóa. Huế cần làm gì để đưa các thế mạnh của mình vào trường học?

Huế có thể được xem là một trong những cái nôi lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Ở Huế có quá nhiều chất liệu để có thể khai thác và giúp cho người Việt có thêm nhiều hiểu biết. Chỉ cần bàn về ẩm thực thì học sinh có thể mất nhiều tháng để tìm hiểu. Ngoài ẩm thực, những lĩnh vực liên quan đến lịch sử và văn hóa khác như, kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, di tích, con người,... cũng là những lĩnh vực mà chúng ta có thể khai thác hoài không hết đề tài.

Học sinh tham quan tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Ảnh: ĐỒNG VĂN

Giáo dục về lịch sử và văn hóa truyền thống trong học sinh là điều mà tất cả các quốc gia đều chú trọng. Cùng với những hiểu biết của các chuyên gia đầu ngành về văn hóa lịch sử của địa phương, Huế cần xây dựng thành những kịch bản đậm chất lịch sử nhưng đầy thú vị để thay đổi nhìn nhận của giới trẻ về lịch sử Huế nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Trong nhiều phương pháp thì tôi cho rằng cần đưa ra nhiều thách thức, vấn đề để các học sinh giải quyết thông qua những trải nghiệm thực tiễn.

“Trải nghiệm lịch sử và văn hóa” có phải là một phương pháp giáo dục được đánh giá hiệu quả? Bà có thể nói cụ thể hơn về phương pháp này và cách áp dụng tại Huế?

Phương pháp này đã áp dụng ở nhiều tỉnh, thành nhưng ở Huế có vẻ như chưa nhiều giáo viên tiếp cận.

Thông thường, khi tìm hiểu về lịch sử các em chỉ được nghe giảng một chiều hoặc được tái hiện lại những câu chuyện lịch sử bằng phim ảnh. Trải nghiệm về lịch sử và văn hóa là một hướng đi hoàn toàn mới mẻ. Các em không chỉ dừng lại ở mức biết, hiểu mà còn biết vận dụng phân tích tổng hợp, đánh giá. 

Trong quá trình trải nghiệm, các em sẽ được học tập và hình thành những kỹ năng như làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác... Được sống và trải nghiệm với vai trò chủ động trong các lĩnh vực văn hóa sẽ giúp các em hiểu biết và cảm nhận một cách sâu sắc. Đây chính là một hành trình mà các em chưa bao giờ được trải nghiệm hoặc hình dung ra.

Từ những nền tảng của Huế, tôi có thể ví dụ thế này, các em đi đến những vùng miền có nền tảng văn hóa độc đáo và được trải nghiệm trở thành những nghệ nhân của những làng nghề nổi tiếng. Hay sau khi trải nghiệm về múa cung đình, giáo viên có thể đưa ra thử thách làm thế nào trong một ngày mà các em tập xong một tiết mục để đến tối biểu diễn. Theo đó, các em cũng sẽ được trở thành những diễn viên múa để biểu diễn những điệu múa cung đình mà các em chỉ được xem đâu đó trên tivi. Hoặc làm thế nào để các em lên thuyết trình về một di tích với những hiểu biết thật thấu đáo. Đó là những thách thức sẽ đưa ra nhằm giúp các em chủ động tìm kiếm, xử lý thông tin. Giáo viên không cung cấp bất kỳ thông tin nào mà chỉ đưa ra vấn đề và định hướng.

Để đưa phương pháp này đến Huế, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường đại học Phú Xuân để tổ chức chương trình “Trại hè trải nghiệm văn hóa lịch sử”. Dự án này sẽ có một hướng đi hoàn toàn mới và độc đáo.

Sẽ có những yêu cầu đối với nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống. Vậy, họ cần có những thay đổi gì để đáp ứng với thực tế hiện nay?

Những nhà giáo dục cần đưa học sinh bước ra khỏi bốn bức tường của lớp học; giao cho các em những nhiệm vụ mà từ đó chuyển các em từ việc học tập thụ động trở thành chủ động. Quá trình trải nghiệm là một quá trình học tập hiệu quả và sâu sắc. Các thầy cô giáo cũng cần có những trải nghiệm như vậy. Không gì thú vị hơn khi chính tay các em được thực hiện một bức tranh in bằng mộc bản ngay tại sân của làng Sình thay vì chỉ được nghe miêu tả từ sách.

Project based learning (học tập dựa theo giải quyết vấn đề) là phương pháp tuyệt vời để chúng ta triển khai giúp cho việc học tập về lịch sử địa phương trở nên hiệu quả nhất. Điều này đã được minh chứng ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí thành phố di sản vào năm 2025. Các cơ quan liên quan và nhà trường cần có những chương trình gì để lan tỏa giá trị di sản tới thế hệ trẻ?

Tôi cho rằng, Huế cần xây dựng những chính sách tình nguyện viên đặc biệt cho học sinh. Quá trình làm tình nguyện viên cũng chính là thời gian giúp cho học sinh tiếp cận sâu sắc với văn hóa và lịch sử của địa phương mình. Chính sách này phải được xây dựng đồng bộ từ Sở Giáo dục và Đào tạo, xem như đó là một hoạt động trải nghiệm bắt buộc. Khi học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sẽ phát triển kiến thức cũng như sẽ có trách nhiệm hơn về việc bảo tồn văn hoá lịch sử địa phương. Lúc đó, mỗi học sinh của Huế sẽ là một đại sứ của văn hoá và lịch sử Huế.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Trong những chuyến thăm, kiểm tra các cơ sở giáo dục chuẩn bị cho năm học mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị: “Trong dạy và học, nhà trường cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, đó là việc giáo dục đạo đức, nâng cao năng lực học tiếng Anh và giáo dục truyền thống địa phương, mà cụ thể là giáo dục lịch sử, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế cho tất cả học sinh của các cấp học. Việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp học là một chủ đề vô cùng quan trọng, có tính đặc trưng của ngành giáo dục đào tạo địa phương và cũng là nền tảng, là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển.

Thông qua việc giáo dục văn hóa Huế sẽ hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở của mỗi người dân xứ Huế, từ đó sẽ giúp mỗi người có những khát khao, quyết tâm để cống hiến cho Thừa Thiên Huế nhiều hơn”.

 

LÊ THỌ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra chiều 29/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động phương án, xây dựng kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%, cao hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (8,5 - 9,5%).

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10

TIN MỚI

Return to top