ClockThứ Tư, 21/10/2015 17:41

Bắt đầu từ đổi mới phương pháp dạy và học

TTH - Nhiều trường học trên địa bàn TP. Huế xuất hiện các gương học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi. Kết quả đó khẳng định, bằng việc đổi mới phương pháp dạy và học của đội ngũ nhà giáo và các em học sinh...
 Một buổi học theo phương pháp bàn tay nặn bột tại trường THCS Trần Cao Vân

Đặng Hoàng Đức, là học sinh lớp 10 chuyên Toán Trường THPT Quốc Học Huế. Năm học 2014 – 2015, Đặng Hoàng Đức, Trường THCS Trần Cao Vân dù gia đình gặp khó khăn, vẫn quyết tâm phấn đấu vươn lên trong học tập. “Ba mất sớm, thương mẹ tần tảo sớm hôm buôn bán ở chợ nên em xác định, chỉ có học thật giỏi mới mong đền đáp công ơn của ba mẹ. Đó là lý do, là “động lực” để em nỗ lực quyết tâm tham gia cuộc thi “Đỉnh núi trí tuệ” tổ chức tại Đà Nẵng. Đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì khu vực miền Trung là món quà tinh thần em dành tặng cho ba mẹ”, Đức tâm sự.

Tại Trường THCS Trần Cao Vân, Tôn Nữ Hoàng Giang, học sinh lớp 8/7 được bạn bè, thầy cô biết đến với kết quả học tập đáng khích lệ. Hoàng Giang là một trong những gương mặt đạt giải cao trong các kỳ thi do TP. Huế tổ chức. Hoàng Giang vui vẻ: “Năm học vừa rồi, em tham gia và đạt giải nhì cấp thành phố môn máy tính cầm tay; giải nhất môn vật lý và giải ba môn toán”.

Ngoài nỗ lực của học sinh, đội ngũ thầy, cô giáo đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Không đơn thuần truyền đạt kiến thức cho các em, mỗi thầy cô giáo phải linh hoạt, sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy; thường xuyên dự giờ trên lớp, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.

Thầy Nguyễn Tiến Mạnh, giáo viên địa lý Trường THCS Trần Cao Vân cho biết: “Năm học 2013-2014, tôi đạt giải nhất cấp tỉnh về giảng dạy môn địa lý và tiết dạy ứng dụng CNTT được đánh giá là cách truyền đạt khá tốt. Năm học 2014-2015, bản thân tiếp tục đạt giải ba cấp Quốc gia về dạy học tích hợp môn địa lý lớp 9”.

Năm học 2014 – 2015, toàn TP. Huế có 2.079 học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và TP; trong đó, cấp  quốc gia có 89 giải; cấp tỉnh 700 giải; cấp TP có 1.290 giải. Riêng môn địa lý, Trường THCS Trần Cao Vân có 2 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 8 em đạt học sinh cấp thành phố...

“Dạy học theo phương pháp tích hợp giúp giáo viên linh hoạt lồng ghép một số kiến thức của các bộ môn khác, như: Âm nhạc, văn học, sinh học, giáo dục công dân vào bộ môn địa lý. Lợi ích của phương pháp này giúp giáo viên tích cực thảo luận, hợp tác nhóm, đàm thoại các kỹ thuật, nhằm bổ sung kiến thức. Giáo viên tìm kiếm những đoạn phim, tư liệu phù hợp với nội dung bài học, tạo sự thích thú cho học sinh khi thảo luận. Qua đó, rèn luyện khả năng hợp tác, giao tiếp, ứng xử thuyết trình giữa đám đông của học sinh”, thầy Mạnh đúc rút.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS Phạm Văn Đồng tiếp tục đẩy mạnh 3 nội dung: Nghiên cứu khoa học, dạy học tích hợp và dạy học liên môn, đồng thời quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Cô Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng cho biết: “Năm học mới 2015 - 2016, nhà trường xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề cho giáo viên, tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc và chọn các giải pháp thích hợp trong quá trình thực hiện chương trình. Cụ thể, trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, dạy học theo chuyên đề phương pháp “Bàn tay nặn bột”, “Bản đồ tư duy” để ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, phân công dạy học theo lớp... Chất lượng dạy và học tại trường không ngừng nâng lên”.

Trường THCS Phạm Văn Đồng còn bồi dưỡng nâng cao tình yêu biển đảo và quê hương, đất nước cho học sinh. “Thông qua hoạt động chăm sóc định kỳ di tích lịch sử Tuy Lý Vương (140 Nguyễn Sinh Cung), tạo ý thức cho các em học sinh trong giữ gìn các di tích lịch sử. Từ đó, hình thành trong các em nhiều phẩm chất tốt đẹp về tinh thần yêu nước, lòng yêu thương con người. Đó cũng là cách để trường tìm kiếm những cá nhân điển hình về năng khiếu”, cô Trần Thị Kim Huế, giáo viên văn Trường THCS Phạm Văn Đồng thông tin.

Vinh dự hơn, năm học qua, Trường THCS Phạm Văn Đồng có 1  học sinh đạt giải vô địch toàn quốc cuộc thi “Chinh phục môi trường 2015”; 2 học sinh đạt giải nhì cấp Quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn dành cho học sinh trung học; 1 học sinh tiêu biểu của tỉnh được cử đại diện tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, năm 2015 tại Hà Nội và tỉnh Nghệ An.

“Đối với cấp TH, phòng chỉ đạo các trường phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo môi trường cho các em phát triển. Mặc dù không tổ chức thi các trường với nhau, nhưng giáo viên bộ môn đã linh hoạt khi thành lập được các CLB Tiếng Anh, Toán… qua đó tạo sân chơi, là điều kiện để phát huy sở trường, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ham học của học sinh. Riêng khối THCS, ngay từ đầu năm học, các trường tiến hành khảo sát, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, thành lập đội tuyển được bồi dưỡng thời gian 5- 6 tháng. Mục tiêu từ đây đến cuối năm học 2015 – 2016, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh tăng hơn 5% so với năm học trước”, ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo TP. Huế nói.  

 

Bài, ảnh: Minh Khuê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top