ClockThứ Sáu, 02/10/2015 15:19

Động lực học tập là quyết tâm đổi đời của mỗi người, mỗi nhà

TTH - Trao đổi về Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10/2015, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Hội Khuyến học Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế.

Đây là ngày mà toàn thể cán bộ, hội viên khuyến học, trong đó có bản thân tôi lại bồi hồi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã chọn một trong những công việc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tập trung vào việc “chống giặc dốt”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục vào tháng 10/1968 nêu rõ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người và để thúc đẩy phong trào khuyến học trong phạm vi toàn quốc, tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Ngày 2/10 nhắc nhở mọi người đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện quốc sách hàng đầu; là ngày mà mỗi cán bộ, hội viên tự kiểm điểm công việc mình đã làm được, chưa làm được để có kế hoạt phấn đấu thực hiện tốt hơn thời gian tới.
Ông nghĩ gì về Thừa Thiên Huế và tinh thần hiếu học của người Thừa Thiên Huế? 
Với hơn 150 năm là kinh đô của cả nước, rồi được xác định là thủ phủ của miền Trung và sau ngày đất nước thống nhất được xác định là một trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm GD&ĐT và nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước, Huế là nơi hội tụ và đào luyện nhiều nhân tài.
Tinh thần hiếu học của người dân Thừa Thiên Huế được duy trì và phát triển khá bền vững qua các thời kỳ và đây chính là chìa khóa để tỉnh nhà vươn lên trong điều kiện một địa phương có điểm xuất phát thấp, tài nguyên hạn chế lại phải giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai liên tiếp. Tinh thần hiếu học của người dân Thừa Thiên Huế là cơ sở để duy trì và phát triển phong trào khuyến học của tỉnh nhà.
Điểm nổi bật, riêng có của Thừa Thiên Huế là, bên cạnh các cuộc vận động sôi nổi nhằm canh tân đất nước của Duy tân hội và phong trào Đông du (1904 - 1909), đã xuất hiện phong trào Nữ công học hội do Nữ sử Đạm Phương khởi xướng vào 15/6/1926 nhằm đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội và bà được xem là người sáng lập và xác lập ngành gia đình học, phụ nữ học và giáo dục mầm non Việt Nam.
Công tác khuyến học của tỉnh thực sự phát triển mạnh gần đây. Theo ông, động lực nào để tinh thần hiếu học, trọng tài ngày càng thấm sâu trong cộng đồng dân cư?
 Phong trào khuyến học của tỉnh đã có bước phát triển mới nhưng chưa tạo được sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, đơn vị. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự hỗ trợ tích cực của các ngành, đoàn thể, đơn vị bạn; sự hưởng ứng ngày càng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân cộng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên các cấp; công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; đã xuất hiện nhiều điển hình, nhân tố mới để làm nòng cốt cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Động lực để tinh thần hiếu học, trọng tài ngày càng ăn sâu trong cộng đồng dân cư là sức mạnh của cả hệ thống chính trị đang “vào cuộc” để thực thi nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa quê hương, đất nước. Động lực đó còn xuất phát từ quyết tâm “đổi đời” của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng muốn thông qua việc học tập, rèn luyện để không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng sống để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của chính mình và đóng góp có hiệu quả cho xã hội.
Ông có thể nói thêm về Mô hình thí điểm xây dựng xã hội học tập?
Từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, lý luận về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 1998 đã thể chế hóa việc học tập suốt đời. Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”. Đại hội X của Đảng chủ trương: “Chuyển dần hệ thống giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời…”. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020” và phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” nêu ra những chủ trương, giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch đôn đốc chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong tỉnh. Cụ thể là kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2010” và Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Hội Khuyến học tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT, các cấp, các đơn vị, đoàn thể triển khai thực hiện. Việc chỉ đạo điểm xây dựng các mô hình thí điểm gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập đang được triển khai ở hai huyện Phú Lộc, Quảng Điền với sự tham gia của 8 thôn, 8 dòng họ và 24 gia đình, bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Hiện các địa phương đang mở rộng diện chỉ đạo ra phạm vi toàn tỉnh.
Xin cám ơn ông.
Hương Giang (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top