ClockChủ Nhật, 01/09/2013 10:25

Ngày hội ngộ của cựu học sinh A5

TTH - Trước sự phát triển của xã hội, đời sống người dân không còn nhiều khó khăn, nhu cầu cho con vào được đại học như là điều kiện cần ở hầu hết mỗi phụ huynh. Thậm chí, có người biết khả năng con mình “non” vẫn giúp con chọn học đại học ở những trường “vét điểm” chứ nhất định không để chúng học các trường cao đẳng, dạy nghề… Hầu hết họ ít tìm hiểu xem khả năng của con trẻ phù hợp với công việc nào, sức học ra sao để tư vấn cho con chọn hướng đi phù hợp. Vì lẽ đó, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng nhiều. Nhưng thực tế thì, rất nhiều người đã thành công sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, dạy nghề…

Vừa rồi, tôi tình cờ được tham gia một buổi họp lớp của các cựu học sinh lớp Trung học Sư phạm khóa 5 lớp A (gọi tắt là A5) Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế và rất ngạc nhiên vì tất cả họ không chỉ thành công trong sự nghiệp mà ai cũng có cuộc sống gia đình ổn định.

Lớp A5 ngày đó có 40 học sinh, thì 38 người theo nghề giáo, nhiều người đang quản lý và giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó. Trong buổi hội ngộ, họ vẫn hồn nhiên, vẫn xôn xao như ngày xưa… 38 nhà giáo tỏa ra khắp vùng miền của tỉnh Thừa Thiên Huế, có những người theo chồng đi xa nhưng gặp nhau họ cùng trao đổi về giáo án, về sáng kiến… Lớp trưởng Hồ Hằng, giờ là Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Khe Tre (Nam Đông), anh không chỉ dìu dắt để Trường Tiểu học thị trấn Khe Tre trở thành trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm học 2012 – 2013, mà anh còn có một gia đình đầm ấm, 2 con của anh đều là những học sinh giỏi từng đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi các cấp; cô giáo Trần Thị Hiền Lương, nhớ lại: “Ba mình là liệt sĩ, ngày ấy mẹ không có điều kiện lo cho mấy chị em theo học đại học, quyết định thi vào hệ trung học của Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế không phải là ước mơ của mình. Thế nhưng, những tháng ngày dưới mái trường ấy, mình đã được thầy cô giáo truyền lửa để ngay từ buổi đầu thấy hết ý nghĩa công việc của người giáo viên. Cũng từ đó, mình đã gắn bó với cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ra trường, Lương được phân bổ về Trường Tiểu học Phú Hòa, 19 năm dưới mái trường này, chị được cống hiến, được thể hiện khả năng của mình, nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, đã bao thế hệ đi qua, học sinh của chị nhiều em giờ đã trưởng thành, và thành quả tưởng như bình thường đó chính là hạnh phúc giản dị nhưng chị lại rất mỹ mãn.
 
Cựu lớp phó Phan Thị Thu Sương, người hiện nay được phong là “lớp trưởng” vì “có thành tích” trong việc “tập hợp” lớp nhanh nhất đã nhắc nhiều đến cô giáo chủ nhiệm Thái Thị Kim Yến, hầu hết họ đồng tình rằng, chính sự quan tâm, thấu hiểu tâm tính từng học trò của cô giáo là nguồn động viên lớn để họ biết trân trọng cái nghề cao quý mà họ đeo đuổi. Thu Sương hiện là Hiệu phó Trường Tiểu học Hương Sơ, 19 năm công tác tại ngôi trường này, chị đảm nhận gần hết các công việc từ giáo viên, tổng phụ trách đến làm quản lý, nhưng với chị, thú vị nhất là những lần tổ chức các hoạt động ngoài trời, chị tâm sự: “Học sinh ở Hương Sơ hầu hết là con em vạn đò, đời sống kinh tế khó khăn, môi trường tiếp xúc chủ yếu là sông nước, cha mẹ không quan tâm nhiều đến việc học của con cái nên kỹ năng sống của các em hạn chế. Mỗi lần truyền đạt được cho các em những điều hay lẽ phải thì phần thưởng cho tôi chính là những nụ cười hồn nhiên ấy”. Cô giáo Hoàng Thị Hương, theo chồng vào TP Đà Lạt xa xôi đã lâu, tại xứ sở của muôn hoa, chị gặt hái được nhiều thành công, có một gia đình hạnh phúc. Và cũng nụ cười tán đồng cùng các đồng môn, chị cho rằng, trái ngọt đó chị hái được bởi hành trang cuộc đời chị mang theo đều từ những điều học được của thầy cô giáo dưới mái Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế…
 
Mỗi năm một dịp họp lớp, tuy không lúc nào đông đủ, nhưng họ nắm đầy đủ thông tin về nhau và niềm tự hào chung của họ là tất cả đều ổn định, xây dựng được những gia đình hạnh phúc. Mà theo họ, những gì có được ngày hôm này là vì họ được đào tạo dưới môi trường sư phạm, được giáo dục về tâm lý, về phương pháp dạy và ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo.
Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên làm thêm ngày tết

Những ngày tết, thay vì đi chơi, du xuân cùng bạn bè và người thân, nhiều sinh viên quyết định chọn đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Sinh viên làm thêm ngày tết
Return to top