ClockThứ Năm, 20/11/2014 06:15

Nhà khoa học của nông dân

TTH - Đam mê nghiên cứu, nhiệt tình với công tác giảng dạy và các hoạt động nữ công của Đại học Huế, PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng, khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế; Trưởng Ban nữ công Đại học Huế luôn được đồng nghiệp và bạn bè quý mến. 

Năm 1989, tốt nghiệp ngành Sinh học, Trường đại học Tổng hợp khoá 9, chị Trương Thị Bích Phượng được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 1992, chị học cao học tại trường. Năm 1998 làm nghiên cứu sinh Đại học Huế và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2004. Chị được công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2009.

PGS.TS.Trương Thị Bích Phượng trong phòng thí nghiệm

Bảo tồn giống cây quý

PGS.TS. Trương Bích Phượng làm chủ nhiệm 8 đề tài nghiên cứu và tham gia 12 đề tài nghiên cứu các cấp. Với chị, đề tài nào cũng tâm đắc, như đề tài cấp Bộ trọng điểm Nghiên cứu phân lập gen chống chịu hạn từ một số dòng lúa thích nghi stress nước được nuôi cấy in vitro. “Đây là một đề tài tiếp nối luận án tiến sĩ. Thành công của đề tài là đã phân lập được gen chịu hạn, làm cơ sở cho chọn lọc các dòng lúa thích nghi với điều kiện thiếu nước”, PGS Phượng cho biết. Giống lúa chịu hạn do chị nghiên cứu được đưa ra trồng thử nghiệm ở Tứ Hạ (Hương Trà) thành công, tạo cơ sở để mở rộng diện tích sản xuất lúa.

PGS. Phượng tiếp tục phối hợp với nhóm các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học và Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế nghiên cứu đề tài cấp tỉnh Xác định một số gen chủ yếu kháng bệnh đạo ôn ở các giống lúa chủ lực tại Thừa Thiên Huế. “Đạo ôn là một trong những bệnh gây hại chủ yếu ở lúa. Việc sử dụng giống kháng bệnh một mặt làm giảm thiệt hại năng suất, tiết kiệm chi phí phòng trừ, mặt khác hạn chế được việc dùng thuốc hóa học gây ô nhiễm môi trường”.

Một đề tài không kém phần hữu ích đối với nhà nông nữa mà PGS. Phượng nghiên cứu thành công thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ: Lựa chọn các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển cây hồ tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ. Đề tài được nghiệm thu cấp cơ sở và đang chuẩn bị nghiệm thu cấp Nhà nước. Thành công của đề tài là đã xây dựng được các giải pháp hiệu quả cho phát triển cây hồ tiêu, trong đó có giải pháp về giống, phòng trừ bệnh, giải pháp về bảo quản chế biến hồ tiêu, giải pháp về kinh tế, PGS. Phượng đã phối hợp với các nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế và ĐH Nông Lâm (Đại học Huế) triển khai cho nông dân ở vùng trồng tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) ứng dụng và đạt kết quả tốt. “Trồng tiêu 3 năm mới thu hoạch nhưng nếu bị bệnh là mất hết. Sau khi ứng dụng các giải pháp kinh tế - kỹ thuật của mình, vườn tiêu của họ đã có năng suất cao hơn hẳn (20 - 30%) so với vườn tiêu thông thường.

PGS. Phượng còn ấp ủ nhiều dự định nghiên cứu, trong đó ý tưởng mà chị trăn trở nhất là tìm cách bảo tồn một số cây dược liệu quý bằng công nghệ tế bào thực vật. “Việt Nam có nhiều cây thuốc rất quý nhưng do bị khai thác quá mức, một số cây thuốc quý đã cạn kiệt trong tự nhiên. Mình muốn tìm cách bảo tồn những giống cây quý đó và nghiên cứu tách chiết các dược chất quý trong cây để chữa bệnh. Ấp ủ thì nhiều lắm nhưng không có thời gian... “, PGS. Phượng chia sẻ.

Làm việc gì cũng phải có tâm

“Quá bận rộn với công tác giảng dạy, nghiên cứu và đoàn thể nên nhiều khi mình cảm thấy áy náy vì không làm tròn việc gia đình. May mà chồng con ủng hộ, mọi việc trong gia đình bố con đều tự sắp xếp để mẹ yên tâm công tác!”, PGS. Phượng tâm sự.

PGS.TS.Trương Thị Bích Phượng đã đạt giải B Giải thưởng Khoa học và Kỹ thuật cấp tỉnh của UBND tỉnh năm 2012; Bằng Lao động sáng tạo do Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng năm 2012; Bằng khen của Thủ tướng năm 2011; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về Hướng dẫn Sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải Nhất năm 2005; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2009; Giấy khen của Đại học Huế vì có nhiều thành tích trong hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010... Chị cũng đã tham gia viết 5 giáo trình và có 68 bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu từ năm 2000 đến nay.

Kiêm nhiệm nhiều “vai”, nhiều ngày 12h trưa PGS.Phượng mới về nhà, 13h30, chị đã tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài tới 15h chiều, sau đó lại tiếp tục dạy đến chiều và có khi đến tối. Nhiều bữa trưa, chị không kịp về. Việc chuyên môn đã bận, chị còn lo việc ở Ban nữ công nên nhiều khi rất muộn, chị mới ra khỏi Văn phòng Công đoàn Đại học Huế.

“Khi mới làm công tác nữ công, mình rất lo không làm được việc vì không có thời gian, việc giảng dạy và nghiên cứu thì không bỏ được rồi. Nhưng đã nhận thì phải cố gắng làm cho tốt. Mình luôn cố gắng hết sức để không làm thất vọng những người đã đề bạt và tín nhiệm”, nhà nữ khoa học này tâm sự. Theo PGS.Phượng, để đạt được kết quả tốt phải có tâm trong công việc. “Mình luôn cố gắng để phong trào và hoạt động nữ công ngày càng thiết thực, ý nghĩa với các chị em. Sau 20-10, mình đang nghĩ ý tưởng cho 8-3 tới. Trong hoạt động nữ công, nếu được 50% người ủng hộ đã là thành công rồi, và mỗi lần làm được một việc cho chị em, mình đều thấy vui! Đây là niềm vui ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu”.

Nhiều người bảo PGS.TS.Trương Thị Bích Phượng là người “có tay nuôi trò”, bởi dưới sự hướng dẫn của chị đã có học trò bảo vệ tiến sĩ trước 30 tuổi, có học trò được nhận học bổng đi học nước ngoài, nhiều sinh viên đạt những giải thưởng khoa học các cấp. “Mỗi lần nghe tin các em bảo vệ thành công, mình còn cảm thấy vui hơn cả các em. Rồi những lần nghe một em đi làm, lấy chồng,... gọi điện về báo với cô, mình cảm thấy rất vui. Từng việc nhỏ nhỏ như vậy là động lực để mình tiếp tục cống hiến và khi nào mình cũng hy vọng kết thúc một công việc, kết quả sẽ tốt đẹp để mình tiếp tục công việc mới. Với mình, thành công nhất là có nhiều học trò giỏi”, PGS. Phượng chia sẻ.

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Return to top