|
Học sinh Tôn Nữ Cát Đằng - lớp 12CA1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, giải nhất môn tiếng Anh quốc gia 2017 - làm bài kiểm tra môn địa. Đây là trường có nhiều học sinh được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH - Ảnh: Như Hùng |
Với trường ĐH công bố phương thức tuyển thẳng nằm ngoài quy định chung, Bộ GD-ĐT khẳng định là không đúng quy chế, cần phải điều chỉnh.
Nơi nâng chuẩn, chỗ... nới chuẩn
Thực tế, việc mở rộng đối tượng được tuyển thẳng đã được nhiều trường công bố từ 2-3 mùa tuyển sinh trước.
Từ năm 2014, Học viện Ngân hàng đã từng thông báo sẽ tuyển thẳng 10% chỉ tiêu từ đối tượng học sinh chuyên các trường THPT chuyên quốc gia, với điều kiện học sinh có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển trong ba năm THPT đạt từ 7,0 trở lên.
Năm 2017, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã đưa ra thông tin đối tượng tuyển thẳng, với nhiều khác biệt so với các trường ĐH khác.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân là trường đầu tiên quyết định tuyển thẳng thí sinh tham dự cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức (cùng với điều kiện đi kèm là thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2017, và có tổng điểm thi THPT quốc gia theo tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên).
Ngoài ra, trường cũng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 6.5 hoặc TOEFL iBT 90 trở lên, có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2017 đạt từ 15 điểm trở lên (trong đó có bài thi toán).
Trái ngược với việc mở rộng đối tượng tuyển thẳng, không ít trường ĐH lại tuyên bố siết chặt điều kiện tuyển thẳng.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết năm 2017, chỉ những thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, thí sinh đoạt giải nhất quốc gia môn sinh, toán, hóa và đoạt giải nhất, nhì, ba, tư trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế mới được tuyển thẳng vào tất cả các ngành của trường.
Còn lại, thí sinh đoạt giải nhì và ba trong cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn sinh, toán, hóa không được tuyển thẳng vào các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, mà chỉ giới hạn tuyển thẳng ở một số ngành: y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, xét nghiệm y học, y tế công cộng, dinh dưỡng và cử nhân khúc xạ.
Đặc biệt, năm 2017, các trường công an đặt ra chính sách tuyển thẳng khá táo bạo, khi đối tượng tuyển thẳng chỉ thu gọn vào một nhóm đối tượng rất hạn chế: học sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Riêng học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia chỉ được cộng điểm khi xét tuyển, và học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp quốc gia thì hoàn toàn không được ưu tiên gì so với thí sinh đại trà.
Bổ sung diện tuyển thẳng, phải lấy ý kiến rộng rãi
Trong quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2017, Bộ GD-ĐT đã xác định rõ 10 đối tượng tuyển thẳng gồm anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học, thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế...
Như vậy, các trường công bố tuyển thẳng những đối tượng nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT có vi phạm quy chế?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định các trường không được mở rộng diện xét tuyển thẳng ngoài các đối tượng đã được quy định trong quy chế tuyển sinh.
“Tuy nhiên, cần phân biệt rõ quy định xét tuyển thẳng theo quy chế và phương thức xét tuyển riêng của các trường. Đối tượng được tuyển thẳng ĐH đã xác định rõ trong quy chế. Quy trình, thời gian xét tuyển thẳng cũng được quy định cụ thể.
Nếu các trường mở rộng thêm đối tượng tuyển thẳng khác ngoài các đối tượng đã quy định trong quy chế, thì đương nhiên các đối tượng này sẽ không thể đưa vào quy trình xét tuyển thẳng được.
Để bổ sung một đối tượng được xét tuyển thẳng vào quy chế cần phải có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ càng, đưa ra thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng, để đảm bảo tính công bằng.
Trong khi đó, xét tuyển riêng là một trong những phương thức tuyển sinh mà các trường có thể lựa chọn. Với phương thức này, các trường có thể quy định các điều kiện, đối tượng thí sinh phù hợp để xét tuyển vào trường mình” - ông Ga lý giải.
Ông Ga cũng cho biết do có sự hiểu nhầm nên một số trường đã đưa ra các quy định đáng lẽ chỉ là một trong những phương thức xét tuyển của trường trở thành quy định tuyển thẳng. Bộ GD-ĐT đã nhắc nhở các trường này điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp với quy chế.
Thực tế, nhiều đề án tuyển sinh riêng của các trường đã có nội dung xét tuyển đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT loại giỏi, ba năm học sinh giỏi, học trường chuyên, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế... với những quy định cụ thể về điều kiện và tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển các đối tượng này.
Việc xét tuyển riêng này không vi phạm quy chế mà thuộc thẩm quyền tự chủ của các trường, theo quy định của Luật giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố công khai các thông tin xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, quy định tuyển sinh riêng trong đề án tuyển sinh của trường trước ngày 20/3.
Được mở rộng ngành tuyển thẳng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một số trường cho rằng dù muốn tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia nhưng vướng danh mục ngành gần, ngành đúng của bộ, nên không tuyển được đối tượng này.
Đáp lại băn khoăn này của các trường, ông Ga thừa nhận thực tế các năm trước một số trường không có ngành đào tạo trong danh mục ngành đúng, ngành gần với môn thi/đề tài đã đoạt giải, nên không tuyển thẳng được đối tượng học sinh giỏi theo quy định.
“Để khắc phục những điều chưa hợp lý, tăng quyền tự chủ của các trường, tạo thêm cơ hội cho thí sinh là học sinh giỏi được trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích, từ năm 2016 bộ đã cho phép các trường có thể bổ sung thêm các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi học sinh giỏi quốc gia, phù hợp với yêu cầu đầu vào ngành đào tạo của trường (ngoài danh mục của bộ). Trong trường hợp này, các trường phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh” - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Ông Ga cũng cho biết việc các trường công an có những quy định khắt khe hơn nhằm giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng cũng không trái với quy chế tuyển sinh.
Ngay cả đối với những trường dân sự có nhiều thí sinh điểm cao, nhiều thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng đăng ký xét tuyển cũng có thể quy định về điều kiện xét tuyển thẳng cao hơn các điều kiện chung của quy chế tuyển sinh, để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo tỉ lệ chỉ tiêu tuyển thẳng hợp lý, hài hòa...
|
Theo Tuoitre