ClockThứ Bảy, 14/03/2020 14:47

Giao quyền tự chủ cho các đơn vị để thúc đẩy tuyển sinh

TTH - Giải pháp trên được PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế chia sẻ với Thừa Thiên Cuối tuần liên quan đến việc gỡ khó trong tuyển sinh và đào tạo, nhất là các khoa truyền thống, có nguồn lực cán bộ lớn.

Không dễ tăng học phí dù... “có quyền”

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Theo PGS.TS. Võ Thanh Tùng, thời gian qua, lãnh đạo nhà trường rất trăn trở và đưa ra nhiều giải pháp, song khó khăn vẫn chưa thể tháo gỡ. Giao quyền tự chủ cho các đơn vị khoa sẽ là một thay đổi lớn, gắn trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ vào nhiệm vụ chung, nhất là với công tác tuyển sinh với mục tiêu dù khó nhưng khoa nào cũng có lớp.

PGS đánh giá thế nào về khó khăn trong tuyển sinh giai đoạn hiện nay?

Năm học 2019 - 2020, nhà trường chỉ tuyển được khoảng 630 sinh viên (chỉ tiêu đặt ra là 1.555) và cũng là một năm nối tiếp những khó khăn của những mùa tuyển sinh trước. Trường có 24 ngành, 15 khoa nhưng ngoại trừ công nghệ thông tin, báo chí, kiến trúc… thì đa phần nhiều ngành khác khó thu hút thí sinh.

Điều lo lắng nhất là các ngành khoa học cơ bản rất khó tuyển và đó là thực trạng chung cả nước, không riêng gì Huế. Nhà trường là đơn vị đào tạo nhiều ngành về khoa học cơ bản, song các khoa Toán, Vật lý, Ngữ văn, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử… thời gian qua đều gặp khó khăn, thậm chí không ít ngành nhiều năm liền không thể tuyển được, một số ngành buộc phải tạm dừng tuyển sinh.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Khoa học

Khó khăn tác động nhiều mặt, liên quan đến giờ dạy của giảng viên cùng nhiều yếu tố khác. Trên thực tế, mạng lưới các trường ĐH trong cả nước hiện nay rất lớn, cạnh tranh trong tuyển sinh rất gay gắt. Trái lại, xu hướng các trường dần phải tự chủ, trong khi học phí lại là nguồn thu chính, nên nếu không tháo gỡ được khó khăn thì thực sự quá lo lắng.

Giao quyền tự chủ cho các đơn vị là giải pháp mới, cách làm sẽ như thế nào, thưa PGS?

Lâu nay, nhà trường cùng với các khoa thực hiện các kế hoạch chung về tuyển sinh, quảng bá tuyển sinh, nhất là đi các địa phương, trường trung học phổ thông để tư vấn, giới thiệu cho người học. Cách làm trên tuy có hiệu quả, nhưng có thể thông tin còn chung chung, chưa sâu khi đến với thí sinh. Hơn thế, qua mỗi mùa tuyển sinh, cách thức quảng bá cũng cần có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Giao tự chủ cho các đơn vị tức là các đơn vị sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch tuyển sinh để thực hiện. Kế hoạch đó sẽ được nhà trường xét duyệt. Mỗi khoa tùy theo chuyên môn sẽ xây dựng các hình thức, hoạt động khác nhau để chuyển tải thông tin ngành nghề, chỉ tiêu tuyển sinh của mình đến với thí sinh, điển hình như Khoa Kiến trúc mời học sinh các trường phổ thông về trải nghiệm cuộc thi vẽ, các hoạt động chuyên môn… đó là cách để thí sinh hiểu hơn về ngành nghề, môi trường học tập và cơ sở vật chất từng đơn vị và cũng là cách lồng ghép quảng bá tuyển sinh khá hay hiện nay.

Với việc tự chủ các khoa, sẽ gắn trách nhiệm từng đơn vị, cán bộ để cùng chung tay giải quyết khó khăn chung. Họ tương tác trực tiếp với thí sinh thì cũng có điều kiện hiểu thí sinh, kết nối với thí sinh để tư vấn, giải đáp thắc mắc tốt hơn, thông tin ngành nghề, học bổng kỹ hơn đến thí sinh. Mong muốn của chúng tôi là có các lớp, khoa nào cũng phải tồn tại lớp. Thực ra, tự chủ cũng là xu hướng chung hiện nay.

Tất nhiên, với cách làm trên nhà trường không đứng ngoài nhiệm vụ thu hút người học. Ngoài phối hợp các khoa trong công tác quảng bá tuyển sinh, nhà trường sẽ tham gia các hoạt động lớn, kết nối với chương trình tư vấn tuyển sinh của Báo Tuổi trẻ, các đơn vị và triển khai các hoạt động mang phạm vi lớn, mang tính tổng thể.

Với cách làm trên, kinh phí để giao các khoa tự chủ sẽ như thế nào?

Đây là vấn đề chúng tôi đang tính toán, nhà trường giao một phần kinh phí học phí cho các khoa để họ tự chủ và chủ động trong nhiều mặt, không còn phải thủ tục rườm rà như trước đây. Lâu nay, có cái khó là làm gì, có ý tưởng gì các đơn vị cũng phải xin cơ chế, kinh phí dẫn đến những khó khăn. Tuy nhiên, với việc giao tự chủ, họ chủ động hơn nhưng tất nhiên sẽ có quá trình kiểm tra kỹ, đảm bảo kinh phí hoạt động đúng mục đích và hiệu quả.

Cần phải nói, khi các khoa làm kịch bản tuyển sinh, phải được nhà trường duyệt, thông qua. Sẽ không có chuyện làm qua loa, vì như thế hiệu quả của mô hình này khó đạt như mong muốn. Vấn đề tuyển sinh là vấn đề sống còn nên phải đồng lòng, quyết tâm.

Đối với các đơn vị quá khó khăn, nhất là các đơn vị mang tính truyền thống sẽ giải quyết thế nào thưa PGS?

Những khó khăn của các đơn vị là trăn trở không chỉ riêng tôi mà của nhiều cán bộ, tập thể lãnh đạo nhà trường, kể cả những lãnh đạo tiền nhiệm. Đó là một bài toán khó. Một trong những giải pháp mà chúng tôi hướng đến là tái cấu trúc lại các đơn vị, điển hình là tiến hành sáp nhập Khoa Vật lý và Điện tử viễn thông, Xã hội học và Công tác xã hội. Thời gian tới có thể nghiên cứu đối với những đơn vị khác.

Thực tế, các khoa truyền thống, nhất là các ngành khoa học cơ bản cần một cơ chế đặc thù, dù các đơn vị đào tạo đã không ít lần lên tiếng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế này. Chúng tôi vừa duy trì các ngành khoa học cơ bản nhưng phải mở thêm những ngành liên quan hệ kỹ sư, những ngành nhu cầu xã hội cần từ các khoa trên để từ đó tháo gỡ khó khăn. Tất nhiên, khi giao các tự chủ, các đơn vị trong trường đều như nhau. Sau khi sáp nhập, các khoa mới có điều kiện tốt hơn để hoạt động và với mô hình giao quyền tự chủ cho các đơn vị như đã nói cùng những giải pháp tuyển sinh mới hy vọng thông tin về các ngành nghề sẽ dễ dàng đến được với thí sinh và họ sẽ đăng ký xét tuyển.

Riêng các ngành mũi nhọn, liệu mô hình giao quyền tự chủ có giúp các đơn vị hoạt động hiệu quả?

Chúng tôi xác định phát triển những ngành nhà trường có thế mạnh, tuyển sinh tốt. Như đã nói thì tuy giao tự chủ, nhưng nhà trường vẫn có chiến lược điều hành chung, những việc quan trọng và cần thiết. Thời gian qua, chúng tôi làm việc, kết nối với rất nhiều doanh nghiệp, công nghệ thông tin. Nhà trường sẵn sàng tìm hướng đầu tư cho các đơn vị nếu mang lại hiệu quả trong tuyển sinh và đào tạo. Ngược lại, các đơn vị cũng rất nỗ lực để tự kết nối, hợp tác hiệu quả trong phối hợp đào tạo, thực hành thực tế cho sinh viên và đầu ra việc làm cho người học.

Sắp tới, với những cơ chế, cơ sở về mặt pháp luật, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp trong trường học. Lực lượng cán bộ của nhà trường có chuyên môn có thể mở doanh nghiệp bên ngoài thì nhà trường khuyến khích họ về trường mở doanh nghiệp (doanh nghiệp mang tính chuyên môn bên trong nhà trường), qua đó tạo môi trường thực hành thực tế cho sinh viên và hỗ trợ một phần đầu ra cho người học. Một trong những đơn vị có thể làm được phương án này đầu tiên là Khoa Công nghệ thông tin và Kiến trúc. Đây là những đơn vị mà cán bộ của họ có thể làm các dự án, đơn đặt hàng về chuyên môn.

Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Return to top