ClockThứ Ba, 18/11/2014 16:54

Giáo sư JULES VIDAL - người thầy duy nhất còn lại của Trường Khải Định

TTH - GS JULES VIDAL là người Pháp, hiện nay đang sống ở Paris, tròn 100 tuổi. Sau khi đỗ cử nhân ngành Sinh học, GS được bổ nhiệm làm việc tại Đông Dương từ năm 1939 và được cử về dạy tại trường Khải Định ở Huế. Tôi được học bộ môn Sinh (Sciences naturelles) với Giáo sư trong hai năm đệ tam và đệ tứ (1939-1941).

GS Vidal rất mến tôi vì tôi giỏi tiếng Pháp, lại thích bộ môn.Vào những ngày chủ nhật đẹp trời, GS thường hay rủ tôi đi dã ngoại vùng ven thành phố, giúp tìm hiểu cây cối, rau cỏ miền nhiệt đới. Hai thầy trò đạp xe khi đi xem cây cảnh các lăng vua chúa, khi về các chợ vùng quê. GS la cà ở các quầy bán trầu cau, hoa cúng, hỏi các bà các chị bán hàng bằng tiếng Huế bập bẹ, tôi phải “thông ngôn” lại họ mới hiểu. Họ lại dặn tôi thỉnh thoảng đem “thầy giáo Tây” về chơi. GS cười thích thú, bắt tay từng người trước khi rời chợ...

GS VIDAL (trái) tiếp tác giả Thân Trọng Ninh tại phòng làm việc ở Paris

GS thuê phòng ở Khách sạn Morin, nơi có rạp chiếu bóng và cửa hàng bách hóa lớn nhất ở Huế.Trên đường đi học ở Trường Khải Định, tôi phải đi qua đó. GS nhớ tên tôi nên mỗi khi thấy tôi thường hay gọi “Nin, Nin”. Vần “inh” người Pháp không đọc được. Các bạn đi cùng cũng bắt chước gọi tôi như thế.

Năm 1942, GS không dạy tôi nhưng thầy trò thỉnh thoảng có gặp nhau và cùng đi chơi. GS có xây một ngôi nhà nghỉ tại Bạch Mã, mỗi mùa hè tới, tôi thường gặp GS tại đó. Tôi cũng nghỉ hè trên đó, GS cứ đến rủ tôi đi làm “herbier”, hái lá, hoa quả ép. Việc xác định tên khoa học của loài chỉ có GS mới làm được, nhưng có mẫu phải chờ đủ tài liệu mới làm... Lúc này tôi đã lớn, GS mời tôi uống cà phê ở cửa hàng Morin hay Chaffanjon di tắm ở bể bơi. Tôi nói chuyện với GS tiếng Pháp lưu loát hơn trước..Tôi học tập ở GS rất nhiều điều, trí tuệ được nâng cao, phương pháp làm việc, và nhất là ngôn ngữ. GS không còn gọi tôi bằng tên trống trải mà nay thêm từ “Ông Nin” (Monsieur “Nin”). GS dạy tôi cách xác định tên loài cây ở núi Bạch Mã mà tôi và GS đã ép được. Công việc đang tiến hành, tôi mới bắt đầu hiểu biết...

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Tất cả công dân người Pháp ở Huế bị bắt tập trung tại hai nơi: đó là Khách sạn Morin và Trường Thiên Hựu (Providence). Tôi buồn và nhớ GS, thương và lo rồi đây người thầy tôi yêu quý sẽ ra sao... Khi tôi biết GS bị tập trung tại Trường Thiên Hựu, chiều chiều tôi đạp xe đi ngang cổng trường, nhìn vào sân vắng tanh. Rồi một chiều cuối tháng 4, tôi không nhớ kỹ, khi đi ngang qua trường, tôi thấy có một người giống GS đang đứng một mình. Tôi dừng xe, nhìn kỹ, rồi tôi nhận ra đó là GS VIDAL, người thầy quý mến của tôi. Cùng lúc đó, GS cũng nhận ra tôi. Trời tối dần, mưa phùn lất phất, se lạnh, GS đi ra chỗ tôi dừng xe bên hàng rào sắt. Thầy mừng gọi tên tôi. Nhìn trước ngó sau tôi gọi tên GS. GS chìa tay qua rào sắt bắt tay tôi thật chặt. Thầy hỏi tôi Trường Khải Định có mở cửa dạy lại không, tôi có bị gì không... Còn tôi, chỉ biết hỏi GS có khỏe không, có tiếp tục viết sách về thực vật Bạch Mã không... Thầy trò nhìn nhau qua hàng rào, tình cảm dạt dào mà nói không nên lời. Thầy khuyên tôi cố gắng học tốt để thi đỗ tú tài và học lên đại học., làm sao tìm hiểu thảm thực vật Bạch Mã mà thầy tin có ngày trờ lại Huế gặp lại nhau. Tôi cũng nói vài câu hứa hẹn cho thầy vui. Cuộc gặp mặt bất ngờ không thể kéo dài vì mặt trời đã lặn, tôi chào GS mà không bắt tay, dắt xe ra đường Khải Định. Tôi nhìn lại vào sân trường thấy thầy đang đi lững thững mà lòng tôi xe lại. Tôi chắc thầy cũng cùng tâm trạng như tôi. Tôi xa cách thầy từ đây.

Tháng 9-1975, sau ngày thống nhất đất nước, nhân dịp về thăm mẹ và các em, tôi được gặp GS Phạm Hoàng Hộ, người đã giới thiệu cho tôi biết có cây bao bap ở Huế, và GS Hộ cho biết về GS VIDAL và địa chỉ của GS ở Paris. Nhân dịp lễ noel và tết dương lịch 1976, tôi gửi thiếp chúc mừng Thầy cũ. Hơn nửa tháng sau tôi nhận được thư của GS hồi âm đồng thời GS còn gửi cho tôi 200 franc. GS có nhắc lại cuộc gặp mặt giữa hai thầy trò tại Huế năm 1945. Rồi từ ngày ấy, sự liên lạc giữa GS và tôi được nối lại qua thư từ. GS luôn gửi kèm theo thư những loại phiếu tem thư quốc tế để tôi viết gửi thư cho GS mà không phải bỏ tiền ra mua tem bưu điện vì gửi thư ra nước ngoài lúc đó rất đắt... GS còn cung cấp cho tôi tài liệu dùng trong cách định tên khoa học các loài thực vật. GS mong sao tôi cố gắng có điều kiện sang Paris một lần.

Năm 1994, các học sinh cũ của GS như GS Thái Văn Trừng, GS Nguyễn Văn Trương, ông Trần Văn Quý nhân tổ chức.Hội thảo khoa học về rừng đã mời GS sang dự tại Hà Nội. Sau đó GS yêu cầu được về thăm Huế, thăm Trường Quốc Học. Các anh cho biết GS sẽ gặp tôi và đề nghị tôi đứng ra tổ chức đón tiếp. Khi thầy trò gặp nhau, GS ôm hôn tôi trước mặt mọi người. Cái nhà của GS ở núi Bạch Mã không còn, chương trình đi lên đó không thành. Tôi tiễn chân GS vào tận Đà Nẵng rồi chia tay, hẹn ngày tái ngộ.

Tháng 4-1999, tôi được Vùng PAS-DE- CALAIS của Pháp mời đi tham quan cơ sở xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, sử dụng bèo Nhật Bản, tảo ở thành phố MEZE. Tranh thủ vài ngày rỗi, tôi đi Paris thăm thầy. Nhà thầy có cái sân trong đó có nhiều chậu trồng các loại cây mà thầy đi công tác khắp nơi trên thế giới đem về. Tôi nói với GS và phu nhân đây là một “Vườn bách thảo mini của thế giới”. Đủ cả năm châu trong cái sân nhỏ. Thầy đưa tôi vào xem cái tòa nhà “herbarium” khổng lồ nơi thầy làm việc. Đây cũng là phòng thí nghiệm các loài Hiển hoa (Laboratoire des Phanérogames).Thầy chỉ cho tôi xem các phòng mẫu thực vật của Việt Nam, Lào và Campuchia. Phần đóng góp của thầy rất lớn. Hằng năm các nhà thực vật học của ta từ Hà Nội đều có sang làm việc ở đó, đối chiếu mẫu và xác định tên cây.

Phu nhân của thầy, bà YVETTE là người giúp việc đắc lực trong Viện Bảo tàng mang tên MUSEUM. GS VIDAL giờ đây là một nhà Thực vật học nổi tiếng thế giới. Công trình của GS đồ sộ. Có một điều tôi khám phá được là GS rất yêu Việt Nam, tập trung trí tuệ của GS để xây dựng cho Việt Nam một bộ “Thực vật chí”đầy đủ...

NGƯT Thân Trọng Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Return to top