ClockThứ Sáu, 11/05/2012 14:02

Giáo sư Tôn Thất Tùng trong ký ức tôi

TTH - Nhắc đến GS Tôn Thất Tùng là nhắc đến một tài năng, sự cống hiến cho nền y học trong ngoài nước là một nhân cách lớn và người thầy mẫu mực rất kính mến của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam (VN). Ông là một trong 3 GS đầu tiên của trường ĐH Y kháng chiến thành lập ở chiến khu Việt Bắc. GS Hiệu trưởng Hồ Đắc Di, GS Đặng Văn Ngữ và GS Tôn thất Tùng.
Nhà thờ dòng họ của ông ở làng Bàu Vá, nay là đường Bùi Thị Xuân, thuộc phường Phường Đúc TP Huế. Nhớ lại sau giải phóng Huế 26/3/1975, vào khoảng giữa tháng 4/1975 GS Tôn Thất Tùng - GĐ Bệnh viện Việt Đức và phu nhân là bà Vi Nguyệt Hồ cùng đoàn cán bộ Bộ Y tế đã có mặt ở Huế để làm việc với Ty Y tế, Bệnh viện Huế nay là (BV TW Huế). Thời điểm đó BS Thái Tuấn là Trưởng ty Y tế, BS Lê Văn Hào là Trưởng Ban điều hành BV Huế. Sau khi nắm tình hình, tham gia ý kiến về tổ chức lại ngành y tế và BV ngày mới giải phóng, ông và phu nhân đã lên thăm lại ngôi nhà thờ xưa sau mấy chục năm xa cách.
 

GS Tôn Thất Tùng biểu diễn phương pháp mổ gan khô do ông sáng tạo tại Pháp. Ảnh: Internet

 
Ngày tiếp quản Thủ đô ông nhận nhiệm vụ làm GĐ BV Việt Đức. Ngôi biệt thự cũ của Pháp ở số 9 đường Lê Thánh Tôn (số 11-13 là Trường ĐH Y và Dược khoa) được bố trí cho 2 gia đình: Gia đình GS Hồ Đắc Di ở tầng 2, gia đình GS Tôn Thất Tùng ở tầng 1. Lúc đó ông có 2 người con là Tôn Thất Bách và Tôn Nữ Ngọc Trân ở cùng, sau này ông bà có thêm cô con gái út là Tôn Nữ Hồng Tâm.
 
Về quan hệ gia đình thì phu nhân GS Hồ Đắc Di là bà Vi Kim Phú (con gái của cụ Vi Văn Định, phu nhân của GS Tôn Thất Tùng – bà Vi Nguyệt Hồ là cháu gọi bà Vi Kim Phú bằng cô ruột. Thời điểm đó mỗi gia đình chỉ có 2 thế hệ cùng chung sống. Gia đình GS Hồ Đắc Di có hai người con là Hồ Thể Lan (sau này là phu nhân của ông Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng chính phủ) và Hồ Đắc Thuyên. Từ những năm 80 của thế kỷ trước trở về sau này đã có tam đại đồng đường rồi tứ đại đồng đường sống với nhau hết sức hòa thuận hạnh phúc và đầy tiếng cười của 2 gia đình trí thức lớn.
 
GS Tôn Thất Tùng là học trò của GS Hồ Dắc Di. Vì có mối liên hệ họ hàng cho nên 2 gia đình sống gắn bó với nhau từ trước năm 1945 tại phố Hàng Bông – Hà Nội, rồi thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến mãi bây giờ khi một số vị trong 2 gia đình đó đã qua đời: GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, PGS VS Tôn Thất Bách và Ông Hồ Đắc Thuyên.
 
GS Tôn Thất Tùng và gia đình thường ăn sáng tại quán phở trong BV Việt Đức. Sau đó buổi giao ban mở đầu ngày làm việc tại hội trường BV. Sinh viên chuyên khoa trực báo cáo tình hình bệnh nhân trong đêm, ê kíp bác sĩ trực bổ sung. GS Tôn Thất Tùng chủ trì cuộc giao ban ,ông chú ý lắng nghe, hỏi lại tỷ mỉ những trường hợp bệnh nặng. Ông khá nóng tính, nhưng dễ tha thứ, giải thích về chuyên môn rất kỹ càng. Sau đó ông đi thăm khám bệnh nhân kết hợp giảng dạy cho sinh viên. Những ca phẫu thuật của ông thường bắt đầu khoảng 9h30 sáng. Bà Vi Nguyệt Hồ luôn luôn là người đưa dụng cụ phục vụ cho ông và cũng rất nhiều lần bị ông nổi nóng nếu không đúng theo yêu cầu. Sinh viên đứng xung quanh bàn mổ để học thao tác kỹ thuật chuyên môn của ông và các BS phụ mổ.
 
Về chuyên môn, GS Tôn Thất Tùng có rất nhiều cống hiến, đặc biệt là công trình mổ gan khô và mổ tim nổi tiếng trong ngoài nước. Bàn tay của ông đã cứu nhiều sinh mạng, họ rất biết ơn ông. Đám tang của ông lúc ông qua đời là một trong những đám tang to nhất Hà Nội lúc bấy giờ, có rất nhiều bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đến đưa tiễn.
 
Vào những năm 80 của thế kỷ trước với tầm nhìn của sự phát triển trong tương lai gần, được sự đồng ý của GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, BV TW Huế đã cử một số BS theo học chuyên khoa sâu tại Trường ĐH Y Hà Nội và BV Việt Đức như BS Bùi Đức Phú (phẫu thuật tim mạch), BS Lê Lộc (phẫu thuật tiêu hóa), BS Nguyễn Duy Thăng (mô phôi), BS Nguyễn Văn Bằng (giải phẫu bệnh học)… Hiện nay các vị BS này đã trở thành GS, Phó GS, TS và đều giữ các cương vị trọng trách của một bệnh viện lớn là Trung tâm Y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao. Được thành công như hôm nay các vị ấy đã được sự đào tạo, hướng dẫn trực tiếp của GS Hiệu trưởng Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và nhiều vị GS khác trong đó có các vị quê hương ở Huế như GS Bửu Triều, GS Tôn Đức Lang, GS Nguyễn Phúc Cương…
 
Nhận được giấy mời hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cùa GSVSBS AHLĐ Tôn Thất Tùng (10/5/1912 – 10/5/2012), là một học trò của ông từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong tôi bỗng bồi hồi sống dậy những kỷ niệm của một thời sinh viên được ông giảng dạy tận tình. Tôi viết những dòng này để tỏ lòng tri ân một người thầy có kiến thức hết sức uyên thâm, chuẩn mực, những nụ cười nồng hậu, thái độ ân cần của ông dành cho bệnh nhân, đồng nghiệp và học trò không thể nào quên được!
 
 Nguyễn Cương
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top