ClockThứ Hai, 08/02/2016 15:21

Giao thừa ở khoa Cấp cứu

TTH.VN - Chẳng có thời gian để dành cho nhau cái bắt tay, cái ôm chúc mừng năm mới. Những lời chúc dành cho nhau mỗi người tự hiểu trong lòng. Với họ, cứu sống được bệnh nhân là niềm vui khôn tả.

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng pháo hoa nổ vang trên bầu trời thành phố. Nhưng ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ vẫn miệt mài với công việc thường nhật, phục vụ bệnh nhân.

Đội ngũ bác sĩ tập trung cao độ để cứu chữa bệnh nhân 

Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, Trần Quốc Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương Huế bảo với tôi rằng, khoảng thời gian giao thừa, bệnh nhân đến khoa Cấp cứu đông hơn so với những thời điểm khác và năm nào cũng vậy, các bác sĩ nơi đây luôn nằm lòng tư tưởng, xem bệnh nhân là trên hết. “Công tác trực gác đêm giao thừa là nhiệm vụ, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ nói chung và đặc biệt ở khoa Cấp cứu. Chúng tôi đón giao thừa ở trong bệnh viện cũng để chia sẻ những nỗi đau của bệnh nhân, cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Trần Quốc Thắng chia sẻ.

Gần đến giao thừa, bệnh nhân ngày một đông. Những khuôn mặt lo lắng của người nhà bệnh nhân và những phút giây tập trung cao độ của đội ngũ y bác sĩ.

Những ngày này, mật độ giao thông đông đúc nên tỉ lệ xảy ra tai nạn tăng theo, đồng thời  không khí lạnh khiến cho các bệnh về nội khoa xuất hiện nhiều. Các y bác sĩ ở khoa Cấp cứu vì thế bận rộn hơn. Thật khó có thể phỏng vấn được một cán bộ, bác sĩ ở thời khắc này bởi lẽ họ miệt mài với công việc đến nỗi  tôi không thể mở lời. “Mỗi một bác sĩ, đặc biệt là kíp trực đêm giao thừa cần phải nỗ lực gấp đôi. Quan trọng hơn hết phải có sự phối hợp giữa các phòng, khoa trong bệnh viện nhằm mục đích cứu sống được bệnh nhân”, bác sĩ Trần Quốc Thắng bộc bạch.

Những gương mặt lo âu của người nhà bệnh nhân trong đêm gio thừa

Có mặt ở khoa Cấp cứu đêm giao thừa, chúng tôi được chứng kiến nhiều ca cấp cứu. Trong số đó có một bệnh nhân bị đâm thấu tim. Ngay lập tức, kíp trực của bác sĩ Tôn Thất Hoàng Quý bắt tay vào làm nhiệm vụ; đồng thời T.S bác sĩ Nguyễn Lương Tấn, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch có mặt để chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân nhằm đưa ra những phương án phù hợp nhất. Và sau cuộc hội ý chớp nhoáng, quyết định phẫu thuật đã được đưa ra. Bác sĩ Trần Quốc Thắng cho biết: “Các kế hoạch, tình huống đều được chuẩn bị kỹ càng ngay từ trước để có những phương án thích hợp. Kíp trực ở đêm giao thừa gồm 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 2 hộ lý. Nếu có tai nạn xảy ra hàng loạt, số lượng bệnh nhân lớn thì chúng tôi có 2 kíp trực ngoại viện, bên cạnh xe cứu thương và cơ số thuốc men được chuẩn bị đầy đủ. Người làm cấp cứu phải luôn trong tư thế sẵn sàng, tranh thủ thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân”.

Đón giao thừa ở ngay bệnh viện đã rất đỗi quen thuộc với những con người hành nghề y, cái nghề đặc thù có cả vinh quang và trách nhiệm lớn lao. Những kỷ niệm trong ngày chuyển giao mùa xuân này là không thể kể hết. Gặng hỏi mãi, bác sĩ Thắng mới kể cho tôi một kỷ niệm đặc biệt. Đó là ca bệnh khoảng ba năm về trước, một bệnh nhân bị hen phế quản, nhập viện ngay đêm giao thừa trong tình trạng nguy kịch, đã ngừng thở, tưởng chừng không cứu được. Tuy nhiên, sau biết bao nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ thì bệnh nhân đã có mạch và huyết áp trở lại và niềm vui được nhân đôi khi bệnh nhân tỉnh lại vào sáng hôm sau. “Chúng tôi tâm niệm rằng, hạnh phúc là mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Nụ cười của họ là lời chúc mừng năm mới quý giá nhất”, bác sĩ Thắng nói gọn một câu.

Một mùa xuân mới lại đến mang theo hy vọng mới cho biết bao nhiêu con người. Trong lúc mọi người đang nô nức đón xuân thì đội ngũ y bác sĩ nói chung và khoa cấp cứu nói riêng đang lặng thầm mang mùa xuân về cho những bệnh nhân.

Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top