ClockThứ Hai, 14/03/2016 09:01

Giêng hai giáp hạt

TTH - Ghép chung tháng giêng và tháng hai, ta có “giêng hai” với nghĩa nôm na là đầu năm. Giêng hai cũng đồng nghĩa với rét lạnh“Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc”, thời điểm lễ hội “Bao giờ cho đến giêng hai/ Cho làng vào đám cho ai xem chèo”. Còn nữa là một giêng hai nơi sâu thẳm, nó kém vui nhưng da diết đến lạ lùng. Vận vào con người xứ Huế, đó là nỗi ám ảnh và sự lo xa - giêng hai, mùa giáp hạt.

Xưa kia khi nhà rộn ràng chuẩn bị đón Tết đã nghe ngoại dặn mạ, chi tiêu cái chi cũng vừa phải thôi con nghe, lo mà tằn tiện chứ giêng hai dài lắm đó. Lúc đầu bé xíu chẳng hiểu, sau lớn lên gặp lúc khó khăn của những năm đầu mới giải phóng, tôi càng thấm thía lạ. Nhà ngoại ở làng Thanh Thủy Thượng cũng chẳng giàu có chi nhưng được cái thời trẻ chăm làm lại biết tích cóp nên cũng có của dành, của để. Lâu lắm rồi thành lệ, mạ con chắt bóp dành dụm thóc lúa và khoai sắn, kẻ ít người nhiều, rồi đợi tới giêng hai. Mới ăn Tết xong đã thấy mấy o, mấy dì dưới tận Phú Lương (Phú Vang) chống tròng lên mượn, nào lúa, nào khoai, nào sắn lát phơi khô.

Ngoại tôi có cả một “bầy” con gái. Thời trẻ về tận Phú Lương làm ruộng rẽ, rồi gả luôn một dì về làm dâu xứ đó. Trong số con cái của ngoại, dì này khổ nhất. Thỉnh thoảng tôi thấy dì khóc và than vãn, vì mạ nên tui cực như ri. Nghe vậy, ngoại tôi lặng im, không nói gì, có vẻ buồn. Mạ bảo, ở những vùng thấp trũng như Phú Lương, Phú Hồ… đất ruộng bao la, nhưng chỉ độc canh cây lúa nên khó khăn lắm. Nào ăn, nào mặc, nào tu sửa nhà cửa, nào chuyện học hành, hiếu hỷ… mọi thứ đều trông chờ vào hạt lúa nên khó khăn là phải. Nó khác với ở trên này, có ruộng, có rẫy, có thể tranh thủ chạy chợ lúa nông nhàn, thu nhập mỗi thứ một tý nên đỡ khổ hơn.

Giêng hai là thời điểm vô cùng đặc biệt của nhà nông ngày trước. Nói như ngoại tôi, nó dài lắm. Vụ lúa hè thu, rơm khô thóc khén từ tháng tám, tháng chín. Tiếp đó là quãng thời xứ Huế và cả miền Trung vào mùa lũ lụt, nông phu chẳng biết làm gì. Rồi Tết đến tất bật với công việc xuống đồng, phải đầu tư bao thứ cho vụ lúa mới. Và giêng hai là thời điểm cây lúa ngoài đồng lên xanh, đang kỳ đẻ nhánh nhưng phải đợi tới ba bốn tháng nữa mới đến lúc thu hoạch, rau màu mùa lạnh đã tàn mà mùa nóng chưa lên, cây trái trong vườn mới đang nhú nụ. Giêng hai bởi vậy cũng đồng nghĩa với giáp hạt, với đói khát. Thóc lúa dành dụm được từ tháng chín, tháng mười cũng đã đến lúc vơi cạn. Ruộng vườn, làng quê hoang hoải, rộng dài. Trời Huế lại giá rét và lất phất mưa bay.

Mỗi nhà mỗi cảnh nên giêng hai giáp hạt cũng dài ngắn khác nhau. Nó bắt đầu với hình ảnh hạt gạo cuối cùng sắp hết, mạ thở dài, cha trầm tư, con cái xuyến xao và bao nhà lay lắt. Những bữa cơm mùa giáp hạt cứ vơi dần, ít gạo đi và độn nhiều khoai sắn. Suốt ngày xem chừng chẳng có công việc chi làm, cả nhà ngồi đợi ăn và lo không biết bữa mai có chi đổ vào nồi. Bữa cơm cũng bị cắt từ ba thành hai, thành một rưỡi để lừa cái bụng đói. Gặp cảnh túng khó, không còn cách chi nữa, nhiều nhà như dì tôi xoay xở bằng cách đi mượn, đi vay và thế là rơi vào vòng luẩn quẩn “ăn trước trả sau”. Công đi vay cũng khó nhọc chẳng khác chi làm ra hạt lúa, hạt gạo. Nạn vay nặng lãi, mua bán lúa non ở chốn làng quê xưa cũng từ đó mà ra. Nhà nông xưa cả đời không ngóc đầu lên nổi bởi thế.

Buổi sáng chủ nhật, giêng hai trời lất phất mưa bay và lạnh buốt, mới hơn 5 giờ đã nghe thằng bạn alô, về làng uống cà phê, có chuyện hay lắm. Vội chạy ra đường. Mới tờ mờ sáng đã thấy mấy quán cà phê chật kín khách hàng. Uống cà phê mà cũng tranh thủ như lúc đi làm đồng. Hàn huyên cùng bạn gần đến tỵ ngọ về lại Huế, cũng bắt gặp những con người với cái thế ngồi ấy. Lại ghĩ, không có việc làm, có người cả ngày ngồi quán, là hình ảnh không lạ trong cái lất phất mưa lạnh vào dịp giêng hai bây chừ. Xưa ở quê, giêng hai rảnh rỗi lo cái ăn đến xâm xẩy mặt mày, nay cơm canh không còn là nỗi bận tâm đối với bao nhà. Thế nhưng, hình ảnh về một giêng hai mưa lạnh, nông nhàn và không có việc làm vẫn là nỗi day dứt. Nhàn cư vi bất thiện, rượu chè, cờ bạc, bói toán, rồi bao tệ nạn khác nữa cũng từ đó mà ra. Để rồi, chợt nhớ và thấm thía hơn về câu hát xưa như một lời cảnh báo và nhắc nhở của cha ông:“Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top