ClockChủ Nhật, 28/08/2022 21:34

Gìn giữ đặc sản văn hóa làng

Ra mắt Đội hát múa Sắc bùa làng Phò Trạch

Lần đầu tiên, tôi được xem hát múa sắc bùa là vào năm 2005, trong Festival nghề truyền thống Huế tại sân khấu cộng đồng bên cạnh bến Tòa Khâm. Buổi diễn thu hút nhiều người xem và còn nhớ, có ai đó am tường đã bảo rằng, sau 60 năm vắng bóng, hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc này ở Huế mới có dịp trở lại sân khấu. Tôi đã nhớ đến buổi diễn hát múa sắc bùa năm ấy ở bến Tòa Khâm khi được biết vừa ra mắt Đội hát múa sắc bùa làng Phò Trạch (Phong Bình, Phong Điền), gồm 25 thành viên, vào giữa tuần qua. Đó là một sự kiện văn hóa đáng quan tâm.

Tôi nghĩ, nó cũng là một sự trở lại và gắn liền với tên tuổi của một người là ông Phạm Bá Diện. Chuyện rằng, nhờ hiểu biết về chữ Hán và vốn cổ nhạc, từ những năm 1980 ông Diện, một sĩ quan quân đội về hưu, đã cất công tìm hiểu nhiều bài hát, làn điệu quý của hát sắc bùa. Ông đã vận động thành lập được một đội văn nghệ không chuyên, tổ chức đi biểu diễn ở Liên hoan các làng văn hóa mừng sinh nhật Bác ở Dương Nỗ, Đà Nẵng, Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội Hương xưa làng cổ… Tại những nơi này, “ban nhạc” của ông nhận được nhiều khích lệ.

Múa hát sắc bùa mang nhiều yếu tố tâm linh với những lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng vào một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Diễn xướng dân gian chỉ là một phần và theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình, hát sắc bùa là một tập tục có tính cách nghi lễ, kết hợp nhiều nghệ thuật dân gian, gồm hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, được phổ biến trên nhiều vùng dân tộc Kinh và Mường tùy theo từng địa phương.

Còn giữ lại tương đối đầy đủ hơn cả so với mọi nơi là hát sắc bùa làng Phò Trạch. Như một món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp tết, xưa hát múa sắc bùa được người dân làng Phò Trạch tổ chức định kỳ 12 năm một lần, từ ngày 30 tết đến 14 tháng Giêng. Đội hát sắc bùa chừng 14 - 16 người với nét đặc sắc là đậm chất sân khấu nên rất hấp dẫn. Các nhân vật đều được phân vai và biểu diễn theo vai được phân, còn đội đọc chú thì giữ vai trò như đồng ca. Cũng bởi thế, thật ấn tượng khi chứng kiến đoàn hát sắc bùa Phò Trạch vừa quen lại vừa lạ trong lễ hội đường phố vui nhộn ở tuần lễ Festival 2022.

Đáng trân trọng khi được biết, người lính già đa năng Phạm Bá Diện còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuyển soạn hát sắc bùa từ chữ Hán - Nôm ra chữ Quốc ngữ. Hát Sắc bùa hiện được ông Diện hoàn thiện phần lời và điệu bộ, gồm 16 tiết mục nhỏ, 332 câu diễn xướng liên tục. Đây là đặc sản văn hóa làng Phò Trạch được trình làng vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Sắc bùa không chỉ thể hiện tín ngưỡng, khát vọng bình yên của mỗi gia đình, xóm làng, cầu quốc thái dân an, đả quỷ, trừ tà; mà còn đề cao chữ Đức, chữ Nhân trong cuộc sống: Đức trọng quỷ thần cũng kinh (trích lời diễn xướng sắc bùa).

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, phục dựng lại và ra mắt đội múa hát lần này góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian, phát triển du lịch cộng đồng, qua đó quảng bá hình ảnh huyện Phong Điền đến với du khách. Từ nay đến năm 2024, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí và các điều kiện cần thiết để phục dựng và bảo tồn tiết mục múa hát sắc bùa và tiết mục hát trò, cũng như những tiết mục văn hóa dân gian của người dân làng Phò Trạch để giữ gìn những nét đẹp của văn hóa cha ông.

Đáng nói là, không phải làng quê nào cũng may mắn có được những đặc sản văn hóa như Phò Trạch!

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

Bánh tiến cung tưởng lùi vào dĩ vãng vẫn được gìn giữ theo cách riêng mỗi gia đình. Nhờ vậy, một dòng mạch ngầm ẩm thực âm thầm chảy trong đời sống người Huế, mang theo tình yêu và niềm tự hào một thuở…

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà
Gìn giữ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

Với những nỗ lực không mệt mỏi, công tác bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Gìn giữ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế
Trước sân trồng một gốc hồng

Trồng ngắm - chơi - ăn, hồng là loại cây ở tầng cao trong khu vườn Huế. Không mang nặng giá trị kinh tế, những cây hồng cổ mang giá trị văn hóa tinh thần và gắn bó với đời sống nhiều gia đình truyền thống miền Hương Ngự.

Trước sân trồng một gốc hồng
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top