ClockThứ Năm, 17/03/2022 07:15

Gìn giữ tinh hoa múa cung đình

TTH - Dẫu môi trường diễn xướng không còn, tư liệu mất mát, các nghệ nhân, nghệ sĩ và người làm công tác nghiên cứu ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế vẫn luôn bền bỉ tìm kiếm, nghiên cứu phục hồi để bảo tồn các điệu múa cung đình.

Duyên nợ với sân khấu truyền thốngTrình diễn Nhã nhạc và múa cung đình trong Ngày Di sản Văn hóa Việt NamĐến Huế xem tuồng

 Điệu múa “Thanh trà hiến quả” được phục dựng dựa trên điệu múa cổ “Thanh hoa chi”

Gìn giữ tinh hoa

Cùng với các làn điệu, trích đoạn tuồng cổ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế vừa nghiên cứu, phục dựng thành công một số điệu múa cung đình; trong đó, điệu múa “Thanh trà hiến quả” dựa trên điệu múa cổ “Thanh hoa chi” vừa đoạt giải B giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. “Thanh hoa chi” là điệu múa vốn được biểu diễn trong nội cung để chúc mừng các ngày vui, dịp sinh nhật của hoàng thái hậu, hoàng hậu và công chúa.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lần tập luyện này, nhà hát muốn chuẩn hóa lại một số vũ điệu và các bài múa hoa đăng, sang định lại các bài múa đúng với tính chất cổ trên cơ sở nghiên cứu, truyền dạy của nghệ nhân có kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, ghi âm, ghi hình lại thành tài liệu tham khảo hữu ích.

Với những tiết mục vừa được phục dựng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế vừa giữ nguyên bản những tiết mục kinh điển trong nghệ thuật cung đình Huế để biểu diễn tại không gian diễn xướng trước đây đã biểu diễn phục vụ cho triều Nguyễn. Một số khác được nhà hát phát triển dựa trên chất liệu của nghệ thuật cung đình, dàn dựng sinh động hơn để phù hợp với việc biểu diễn ở các khu di tích và phục vụ cộng đồng, du khách.

Theo NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, những tiết mục kinh điển trong nghệ thuật cung đình Huế, như: múa Lục cúng hoa đăng, Vũ phiến, Trình tường, Lân mẫu xuất lân nhi… phải biểu diễn đúng không gian diễn xướng trước đây đã biểu diễn phục vụ cho triều Nguyễn. Với những tiết mục đưa ra biểu diễn ngoài cộng đồng, nhà hát phát huy, phát triển dựa trên chất liệu của nghệ thuật cung đình, như: động tác, làn điệu, âm nhạc, lời hát… Động tác mềm mại hơn, đội hình được biến tấu chứ không đăng đối như trước đây để hấp dẫn thị hiếu của người xem. Các nghệ sĩ cố gắng nắm bắt tinh thần để chuyển tải những thông điệp về nghệ thuật cung đình lâu nay nhà hát gìn giữ đến với khán giả.

Từng là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật của cả nước, múa cung đình Huế cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa Cố đô, bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian, được chọn lọc và nâng cao theo những quy phạm nghệ thuật chặt chẽ. Hơn 20 năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế không ngừng bảo tồn di sản này. Đến nay, nhà hát phục hồi được 8 trong số 11 vũ khúc cung đình. Mỗi điệu múa được lập hồ sơ khoa học để làm tư liệu, đồng thời mời các nghệ nhân về dạy và giám sát dựa trên hồ sơ báo cáo. Các điệu múa: Tam quốc – Tây du, Tam tinh chúc thọ, Lục cúng hoa đăng, Phiến vũ, Bát tiên hiện thọ… được lập hồ sơ khoa học, phục hồi theo nguyên bản.

Thách thức trong bảo tồn

Từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình múa cung đình Huế cũng không còn nguyên vẹn. Những nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn không còn, tư liệu còn lại ít ỏi, các hình ảnh, âm thanh, băng đĩa về âm nhạc và múa cung đình vô cùng hiếm hoi. Do lưu lạc ở chốn dân gian, các vũ khúc cung đình ít nhiều biến dạng, tam sao thất bản.

Để gìn giữ vốn cổ, những giá trị của các bài bản nằm trong hệ thống múa cung đình cần phải được thu thập, khảo cứu, hệ thống để lưu giữ, nhằm tránh nguy cơ thất truyền, biến dạng. Việc phục dựng và lập hồ sơ các điệu múa cung đình cổ không hề dễ dàng đối với những người làm công tác bảo tồn, khi các tư liệu về loại hình nghệ thuật này còn sót lại rất ít ỏi, các nghệ nhân am hiểu đều lớn tuổi hoặc đã qua đời…

NSND. Bạch Hạc cho biết, công tác bảo tồn đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, vũ đạo đến trang phục. Những nghệ nhân, nghệ sĩ và người làm công tác nghiên cứu cố gắng từng bước đi tìm tư liệu đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước, tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, đến từng vùng quê tham dự các buổi tế lễ, hỏi thăm các nghệ nhân cao tuổi từng tham gia loại hình múa hát cung đình để quay phim, phỏng vấn, ghi chép, so sánh, đối chiếu, tìm ra độ chân xác nhất trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh. Từ đó, lập hồ sơ khoa học làm cứ liệu cho việc khôi phục những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền. Đây cũng là một cách để bảo tồn, phục hồi và phát huy nghệ thuật múa cung đình trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, từng dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực. Điều này đem lại cho nghệ thuật cung đình Huế nói chung, múa cung đình Huế nói riêng thêm một sức sống mới. Đây cũng là một trong những lý do khách du lịch thường xuyên đến Nhà hát Duyệt thị Đường để thưởng thức loại hình nghệ thuật tưởng rằng đã mai một với thời gian.

Múa cung đình Huế cũng luôn song hành cùng Nhã nhạc tham gia biểu diễn giao lưu với các nước trên thế giới, như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ý, Nga, Nhật Bản, Áo, Đức, Pháp, Thái Lan… để lại những hình ảnh tốt đẹp với khán giả quốc tế. Đây chính là niềm tự hào của những người đang làm công tác gìn giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật múa cung đình Huế.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Cùng lan tỏa tinh hoa vốn cổ

Huế là một trong những miền di sản đặc sắc của cả nước, con người và thiên nhiên hài hòa giữa vẻ đẹp phô phang và tiềm ẩn. Văn hóa di sản tỏa hơi ấm từ lịch sử vương triều và lịch sử của ngay chính nghệ thuật mà tự nhiên đã tạo nên như những tinh hoa của thời gian.

Cùng lan tỏa tinh hoa vốn cổ
Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

Bánh tiến cung tưởng lùi vào dĩ vãng vẫn được gìn giữ theo cách riêng mỗi gia đình. Nhờ vậy, một dòng mạch ngầm ẩm thực âm thầm chảy trong đời sống người Huế, mang theo tình yêu và niềm tự hào một thuở…

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà
Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị

Phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng với 5 tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có môi trường cảnh quan sạch, đẹp; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị
Gìn giữ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

Với những nỗ lực không mệt mỏi, công tác bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Gìn giữ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

TIN MỚI

Return to top