ClockThứ Năm, 28/06/2012 05:35

Gió Lào rát bỏng

TTH - Thuật ngữ địa lý gọi là gió tây nam. Gió hình thành từ vùng vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng tây nam- đông bắc, qua Campuchia và Lào, rồi vào Việt Nam. Khoa học còn gọi đó là gió “phơn”. Gió ẩm sau khi vượt qua một chướng ngại vật cao (dãy núi chẳng hạn) bị biến đổi tính chất, trở nên khô nóng hơn. Quá trình biến đổi kỳ lạ của gió được gọi là quá trình “phơn”. Người miền Trung và Huế mình thì cứ nôm na gọi cái thứ gió khô nóng thường xuất hiện nhiều vào mùa hè kia là gió Lào. Cũng rất đơn giản thôi, bởi nó từ nước Lào thổi sang. “Thánh địa” là ở Quảng Trị, vậy nhưng xứ sở kề cận là Thừa Thiên vẫn còn nguyên đó “quà tặng gió Lào”. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã có câu thơ rất hay và chính xác khi miêu tả và nhận xét về gió Lào: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.

Bây giờ đầu tháng năm âm lịch và cũng đã bước sang tháng bảy dương lịch, mùa cao điểm của gió Lào. Dạo còn ở quê, nhà vườn mái tôn, ngày có gió Lào thổi ngồi trong nhà mà cứ nghe ràn rạt như mưa bão. Gió mà nóng, lại thổi dập dồn khiến cho con người có cảm giác mình đang ngồi bên một lò quạt lửa của ông thợ rèn làng Hiền Lương. Nhìn ra vườn, những tàu lá chuối rách bươm và cả tre nữa, thứ cây chịu đựng nhất cũng trở nên xác xơ. Và rồi, cho dù đã cửa đóng then cài cẩn thận nhưng ở trong nhà, các loại vật dụng như bàn ghế, tủ giường cũng phủ đầy một lớp bụi. Sờ vào tay, vào cổ mình thấy cứ rít rát, nham nhám khó chịu thế nào. Mà đâu phải chỉ có ngày một ngày hai, đợt gió Lào có khi kéo dài cả tuần lễ và hơn thế nữa, chưa hết đợt này đã sang đợt khác, cứ thế gió lại chồng lên gió.

 

Sống và chịu đựng ngọn gió Lào từ bao đời nay, người dân Huế đã có những cảm nhận và trải nghiệm cho riêng mình. Ví như, bầu trời trong xanh, gió yếu hay lặng gió, chân trời phía tây có màu vàng da cam, tiết trời khô, có một thứ nóng khiến da mặt hầm hập như trong cơn sốt nhẹ, ấy là lúc báo trước chuẩn bị có gió Lào thổi. Trở lại với cái tên gió “phơn”. Khoa học chứng minh, vật chướng ngại càng cao thì quá trình “phơn” càng mạnh. Còn với vật chướng ngại là dãy núi Trường Sơn đồ sộ, dài nhất Việt Nam, đến 1.100 cây số, khỏi phải luận bàn nhiều cũng đã cảm nhận được sự mạnh mẽ và khốc liệt của ngọn gió Lào.

Và tôi ở Huế, giữa những ngày có gió Lào thổi mạnh này, cứ mãi mường tượng về hình ảnh những trảng cát, độn cát như kéo dài vô tận ở vùng Ngũ Điền hay Phú Đa mà nhiều lần mình đã đi qua trong những ngày có gió Lào thổi mạnh. Những trận bão cát dữ dằn, liên tục như cuốn tung tất thảy trong bụi mù và con người ở đây như oằn mình chống chịu. Nhớ Chế Lan Viên với những câu thơ như tiếng kêu xé lòng: “Ôi! gió Lào ôi! ngươi đừng thổi nữa!”. Rồi lại nghĩ tích cực, được tôi luyện trong mưa bão và gió Lào khắc nghiệt kia đã hun đúc và hình thành khả năng chịu đựng giỏi và luôn biết cách vươn lên như một tính cách đặc thù của con người miền Trung và xứ Huế quê mình. Nhớ miền Trung, nhớ Huế, cũng là nhớ về xứ sở của gió Lào rát bỏng.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top