ClockThứ Năm, 12/06/2014 11:19

Gió nồm và cánh diều bay cao

TTH - Quái lạ, ngày hè đi qua Ngọ Môn, ngang những cánh đồng làng hay đây đó bất chợt bắt gặp ngọn gió nồm mát rượi là tôi lại nhớ tới những cánh diều. Diều với gió nào khác chi biển với thuyền. Nó thấm sâu trong tiềm thức, là tuổi thơ của những gã trai như tôi vốn từ làng mà lớn lên, dám xem thường, coi cái mát lạnh từ máy quạt hay chiếc máy điều hòa nhiệt độ chẳng ra gì so với ngọn gió mát rượi thổi từ cánh đồng vào trong buổi trưa hè mắc võng nằm ngủ nơi gốc tre làng. Rồi nữa, gió “đẹp” là bệ phóng cho những cánh diều bay cao.

Con diều của tuổi thơ trong tôi không rực rỡ và màu mè như những cánh diều Huế tung bay hàng chiều nơi Đại Nội. Nó được làm bằng sự vụng về, theo kiểu bắt chước của những đôi tay học trò. Nhớ dạo ấy mấy mươi năm về trước, vào tầm này khi những buổi cắp sách tới trường của một năm học đã sắp sửa hạ màn thì cũng là lúc bọn trẻ nhà quê chúng tôi bắt đầu với thú vui thả diều. Những con diều tự làm theo năm tháng mà lớn dần. Ban đầu bằng những mảnh giấy vở được cắt dán thô tháp được nối vào sợi dây nối chằng nối chịt và thả diều bằng cách… chạy. Tiếp đến là cánh diều có khung được làm bằng tre theo kiểu “học mót”, với hình dáng phong phú từ diều đầu vuông đến đầu tròn hay hình thuyền; từ diều có đuôi sang không đuôi; từ loại diều giấy đến diều vải, diều nilon...

Bắt đầu thời điểm quá ngọ, lúc gió nồm thổi mạnh cũng là lúc lũ nhóc chúng tôi kéo nhau ra đồng hay chọn một khoảnh đất rộng để bắt đầu cái thú vui thả diều kéo dài cho đến khi chiều tà và hoàng hôn buông xuống. Diều bay đẹp, bay cao là nhờ gió. Không là thứ gió bão, gió bấc hay gió Lào rần rựt, mà phải là loại gió nồm, thổi từ phía sông lên, từ ngoài cánh đồng vào, mang theo hơi nước mát rượi với nhịp điệu đều đặn, nâng cánh diều lên cao và bay xa. Một thuở ở chốn làng quê và ngay cả nơi phố thị, chơi diều là thú vui quên ăn, quên ngủ và gắn liền đó là nỗi sợ, sợ mạ đánh đòn, sợ cô giáo phát hiện cuốn vở rách bươm vì lỡ xé làm diều, sợ cánh diều đứt dây rơi xuống vườn ai đó khó chịu… Rồi nữa cả buổi dang nắng, cái đầu khét rẹt, ngộ nhỡ cảm nắng thì sợ lắm mạ ràm, lại phải ngồi nhà buồn thiu.

Lần đầu tiên diện kiến Cột Cờ và sân vận động Ngọ Môn, tôi như kẻ chết mê, chết mệt. Không gian xưa, thoáng đãng tuyệt vời với những ngọn gió mát thổi tới từ phía sông Hương vào buổi chiều hè, rồi nữa là bầu trời trong xanh, khiến lòng mình càng thêm da diết nhớ những cánh diều nơi miền quá khứ. Tôi cũng nhớ ra rồi, thú thả diều ở Huế đã có từ rất lâu. Đến đời vua Bảo Đại (1926-1945), từ một trò chơi của trẻ con nơi thôn dã, thú thả diều đã được nhập vào Hoàng cung, để rồi cho đến bây giờ, diều Huế đã thành một biểu tượng của xứ Thần kinh. Nằm trong khuôn khổ Fesstival Huế là Fesstival diều Huế đã quy tụ những nghệ nhân chơi diều nghệ thuật trong các câu lạc bộ trên cả nước. Diều được cất cánh từ Đại Nội như trò chơi múa rối trên không của cung đình thuở xưa, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc tuyệt vời.

Ai đó đã ví von rất hay về hình ảnh “cánh diều no gió” gợi nhớ đến những không gian mênh mông, thoáng đãng, yên vui và thanh bình. Nơi phố thị bây giờ đã nhiều ngột ngạt lại mơ về trưa hè nơi Ngọ Môn, Đại Nội, đôi bờ công viên dọc theo sông Hương và những cánh đồng làng Thanh Thủy, Dạ Lê… Để rồi, chợt thèm sao một ngọn gió nồm mát rượi ngày hè và thêm tý mơ mộng, được ngước nhìn lên cao những cánh diều tung bay trong gió. Nó hồn nhiên, vô tư, không nhiều vướng bận mà thanh thản đến lạ lùng. 

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top