ClockThứ Ba, 12/01/2016 15:46

Giống cây lâm nghiệp: Từ gieo hạt đến cấy mô

TTH - Kết hợp giữa kinh nghiệm với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, những năm gần đây, doanh nghiệp và người dân đã tạo ra nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Bước chuyển biến

Ông Phan Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Nam Hòa chia sẻ: Khi phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh “manh nha”, cũng là lúc đơn vị tổ chức sản xuất cây giống để cung ứng nhu cầu trồng rừng. Mấy năm đầu chưa có kinh nghiệm, đơn vị chủ yếu sản xuất bằng phương pháp hữu tính (sử dụng hạt để gieo trồng), nguồn giống chất lượng thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Tiếp đó, đội ngũ kỹ sư của công ty nghiên cứu sản xuất thành công việc nhân giống keo hom, với nhiều ưu điểm hơn. Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 700 ngàn đến 1 triệu cây giống, phục vụ nhu cầu trồng rừng của đơn vị và bán tại một số tỉnh lân cận. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn.

Sản xuất giống tại Công ty TNHH NN 1 TV Lâm nghiệp Tiền Phong

Một trong những đơn vị tiên phong và có nhiều đột phá trong sản xuất giống lâm nghiệp là Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong. Cách đây mấy năm, công ty đã đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống, với trang thiết bị công nghệ hiện đại, nghiên cứu thành công phương thức cấy mô. Mỗi năm, đơn vị sản xuất từ 2 đến 2,5 triệu cây giống keo lai hom và khoảng 1 triệu cây nuôi cấy mô. Giống keo nuôi cấy mô thường lên thẳng, ít phân cành, có rễ chắc chắn, chịu được gió nên chỉ trồng thưa, giảm công chăm sóc. Sử dụng giống cây nuôi cấy mô tuy chi phí tăng khoảng vài triệu đồng/ha, nhưng năng suất, chất lượng cây trồng đều vượt trội, thu nhập tăng vài chục triệu đồng/ha, được người dân đón nhận.

Năm 2015, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên 20 triệu cây giống lâm nghiệp; trồng mới 5.657ha rừng, đạt tỷ lệ 95% (trong đó, rừng phòng hộ 1.364,9 ha, rừng sản xuất 4.258,4ha, trồng thay thế 33,7ha). Công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh đạt 100% so với kế hoạch. Theo kế hoạch, toàn tỉnh chuẩn bị trên 22 triệu cây giống lâm nghiệp để trồng mới năm 2016…

Đáp ứng nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh, mỗi năm công ty sẽ sản xuất thêm khoảng 1 triệu giống cây nuôi cấy mô. Việc sản xuất thành công giống nuôi cấy mô, khẳng định bước chuyển biến về áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu trong phát triển rừng trồng. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm giống nuôi cấy mô cao, chưa phổ biến nên phần lớn người dân vẫn dựa vào giống hom.

Nâng cao hiệu quả cây trồng

Theo tính toán của bà Lê Thị Thúy Nga, cán bộ Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, cây ngoài rừng (tự nhiên) đối với giống keo lai hom có tốc độ sinh trưởng từ 20 đến 25m3/ha/năm, nhưng với giống cấy mô có tốc độ sinh trưởng trên 35m3/ha/năm… Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiệu quả trồng rừng kinh tế hằng năm được nâng lên. Nếu như trước đây, mỗi ha cho nhu nhập vài chục triệu đồng thì mấy năm gần đây, mỗi ha trồng giống keo hom cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Nếu sử dụng giống nuôi cấy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, mỗi ha có thể thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm-Lê Văn Hóa cho biết, chất lượng nguồn giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây lâm nghiệp cho gần 20 triệu cây, trong  đó chỉ trên 1,1 triệu đồng cây mầm bằng phương pháp nuôi cấy mô. Điều đó cho thấy, giống nuôi cấy mô chất lượng cao chỉ mới đáp ứng phần nhỏ diện tích sản xuất toàn tỉnh. Ưu thế của việc trồng giống nuôi cấy mô đã thấy rõ, nhưng khó khăn lớn đối với các lâm trường là kinh phí đầu tư công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Một bộ phận người dân vẫn chưa thấy rõ ưu điểm của giống nuôi cấy mô, chủ yếu sử dụng giống keo hom...

Vậy nên, ngoài Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, các đơn vị khác cần được đầu tư kinh phí, công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật để tăng cường sản xuất giống lâm nghiệp nuôi cấy mô, đáp ứng yêu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương, ban ngành cần tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng, sử dụng giống nuôi cấy mô đưa vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Để lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Hiện nay, lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi. Không ít hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bền vững.

Để lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Ngày 8/9, tại TP. Huế, dưới sự chủ trì của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững”, với sự tham gia của gần 200 cử tri trên toàn tỉnh.

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Return to top