ClockChủ Nhật, 22/01/2017 14:00

Giọng Huế khó lẫn

TTH - Mỗi vùng, miền đều có tiếng nói riêng, là “cánh cửa” mở ra sắc thái văn hóa cho cả cộng đồng xã hội trên cùng một xứ sở.

Tiếng nói riêng ấy chính là chất giọng khác nhau của mỗi vùng, miền. Tiếng Huế cũng như vậy. Chất giọng giàu nhạc điệu tín ngữ đặc trưng, khó lẫn với vùng miền nào của đất nước.

Nét Huế. Ảnh: T. Bảo

Từ buổi đầu khi người Việt mới vào khai sơn phá thạch, sách Ô Châu cận lục, soạn năm 1553, viết rằng: “Nhân dân thì đàn ông khá cương cường; đàn bà hơi mềm mại. Tiếng nói thì hơi giống miền Hoan Ái”. Cũng có nơi đã là: “Tiếng Huế, quần Chiêm”. Miền Hoan Ái xưa tức miền Thanh Nghệ. Vì thế, về sau các nhà ngôn ngữ mới quả quyết rằng, trải qua mấy thế kỷ, chất giọng Huế ngày nay có sự pha trộn ngữ âm của người Chăm bản địa với người Việt miền Thanh Nghệ, nên tiếng Huế thuộc hệ phương ngữ Trung. Các cuộc di dân sau đó, có sự bổ sung của những người từ vùng sông Hồng, sông Chảy. Những năm đầu của thế kỷ 19, khá đông các gia đình người Nam Bộ theo chân quan quân nhà Nguyễn trở về Phú Xuân, họ được lệnh lập thêm một số ngôi làng Nam Bộ ở quanh Kinh thành. Từ đời Gia Long đến Bảo Đại, nhiều vị vua nhà Nguyễn lập phi, chọn tần gần như đều lấy người Nam Bộ. Từ trong các cung điện, phủ đệ, chất giọng Huế được pha trộn tự nhiên với phương ngữ Nam Bộ. Do là vị trí kinh đô của cả nước, Huế tiếp nhận người nhiều vùng miền, trong đó có cả cư dân từ Trung Hoa đến làm ăn, sinh sống.

Theo một số nhà nghiên cứu về ngôn ngữ thì chất giọng từng vùng là do dư vị của nguồn ngước, ngọn gió, cây rau ngọn cỏ... của từng địa phương. Giáo sư Trần Quốc Vượng thì bổ sung thêm, cái khác lạ ở chất giọng chính là vi lượng nhỏ nhất của địa cuộc mà tạo nên thanh điệu của giọng nói. Thực tế, nhiều nơi chỉ cách nhau có một hàng rào thế mà mỗi làng lại nói theo một giọng. Chất giọng Huế được hình thành nên từ giọng của người Chăm bản địa, có sự pha trộn với phương ngữ Bắc, Trung và Nam, nhưng căn cốt vẫn thiên hướng về phương ngữ vùng Bắc Trung Bộ.

Có ý kiến cho rằng, Huế là vùng chuyển tiếp từ phương ngữ Trung sang phương ngữ Nam. Mới nhìn qua thì nhận xét này có vẻ đúng. Rong ruổi dọc theo đất nước chúng ta sẽ thấy sự tương cận giữa hai tỉnh về giọng nói, văn hóa, phong tục tập quán, mùa vụ, lễ hội, cưới hỏi, ma chay... cơ bản giống nhau. Khảo sát lần lượt từ phía nam Thanh Hóa vào phía bắc Nghệ An, rồi từ phía nam Nghệ An vào phía bắc Hà Tĩnh, phía nam Hà Tĩnh vào phía bắc Quảng Bình, phía nam Quảng Bình vào phía bắc Quảng Trị, phía nam Quảng Trị vào phía bắc Thừa Thiên thì nhận định trên hoàn toàn đúng. Nhưng phía nam Thừa Thiên, bên này “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” thì lại hoàn toàn khác với phía bắc Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng). Nó khác cơ bản về sắc thái văn hóa, về món ăn, thức uống, về thời tiết khí hậu và khác nhất là về chất giọng. Phải chăng, bởi con đèo Hải Vân trùng điệp ngăn cách tự nhiên do trời đất tạo nên mà phong tục tập quán, chất giọng phía nam Thừa Thiên khác xa những sắc thái văn hóa vùng phía bắc Đà Nẵng bây giờ.

Giọng Huế mới nghe nhiều người khó hiểu, dễ thường bị phát âm sai bởi vĩ thanh hay biến đổi. Nghe quen lại thấy thú vị vì ngữ điệu “dịu dàng sâu lắng lạ” của nó. Chuyện kể, nhạc sĩ Trần Hoàn (sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin) có thời gian sống và làm việc ở Huế khá dài. Trước năm 1983, ông được Đảng phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao của tỉnh Bình Trị Thiên, mỗi khi nghe giọng Huế trên đài ông hay phiền lòng kêu trời vì người ta cứ đọc sai thanh điệu. Tháng 6/1983, ông ra Hà Nội nhậm chức Phó ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, bấy giờ vì chưa thu xếp được chỗ làm nên bà Nguyễn Thị Hồng, phu nhân của ông, không thể rời Huế đi cùng. Ở Hà Nội vài tuần thì ông được tin Huế bị trận bão mạnh tàn phá dữ dội; đúng lúc ấy, phu nhân của ông lại gọi điện ra thông báo. Qua giọng nói đầu dây trong kia, ông nghe mà quay quắt nhớ Huế vô cùng, nỗi quay quắt ấy làm ông như muốn bay ngay vào Huế cho vơi nỗi nhớ nhung. Nỗi nhớ Huế đêm ấy làm ông mất ngủ. Nhạc sĩ thức trắng và đã viết xong bài hát gửi vào cho Huế ngay. Mở đầu là những câu rằng: “Tiếng em gọi đầu dây ở trong xa. Ô tiếng noói thương chi mà thương lạ. Thương quê em bốn mùa vất vả, hết lụt rồi nắng hạn đồng khô. Biết giờ này quê mình ra răng? Đã cấy hết vụ chiêm, đã làm xong vụ ớt...”. Ở Hà Nội, những lúc một mình, nhạc sĩ nhớ giọng Huế đến nghẹn lòng mà không sao cầm được nước mắt dù ông là người đã từng trải qua một thời đạn bom, trận mạc... Sau này mỗi lần nghe bài hát ấy, tôi lại nhớ tới nhạc sĩ Trần Hoàn, người nhạc sĩ của quê hương cách mạng đầy tài năng ấy thường bị cô văn thư cơ quan văn nghệ viết sai tên thành Trần Hoàng.

Chất giọng Huế êm dịu có sức sống riêng thấm đẫm thiền khí trong văn hóa Huế. Từ chất giọng này, cùng với sông Hương và núi Ngự, khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng mà đã sản sinh ra những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc với các làn điệu lý phong phú, và hơn thế nữa là đỉnh cao của âm nhạc dân tộc - Nhã nhạc Cung đình Huế, một kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Chất giọng đặc trưng của tiếng Huế không những giữ được sắc thái riêng cho vùng đất, mà bình thản lắng nghe nhạc điệu mùa xuân và nhìn sâu vào cấu trúc ngôn ngữ ta nhận thấy có cả một chiều dài lịch sử mở nước của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chất giọng Huế chính là linh hồn của tiếng nói góp phần làm nên bản sắc văn hóa vùng Huế.

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo Quyết Chiến & cách lưu giữ độc đáo của Dương Phước Thu

Cách nay 8 năm, tôi thật sự bất ngờ khi nhận được một món quà tặng từ nhà báo Dương Phước Thu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế cuốn sách nhan đề “Một số tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Quyết chiến xuất bản ở Huế” do chính anh sưu tầm và chỉnh lý và được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2015.

Báo Quyết Chiến  cách lưu giữ độc đáo của Dương Phước Thu
Có chi mô nờ

Giờ đi đâu trên đất nước này cũng gặp người Huế. Và tất nhiên người Huế thì có tiếng Huế.

Có chi mô nờ
Dịch bệnh và văn hóa ứng xử

Dịch bệnh là tai ương. Thế nhưng, chuyện về dịch bệnh ở Huế không chỉ có mất mát mà còn bao hàm cả những xử lý khoa học, những ứng xử đậm nét văn hóa và thấm đẫm nhân văn.

Dịch bệnh và văn hóa ứng xử

TIN MỚI

Return to top