ClockThứ Sáu, 06/11/2015 10:40

Giống lúa mới: “Ma trận”

TTH - Đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, khảo sát tại một số HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện người nông dân đang đứng trước “ma trận” của những giống lúa mới, khi bắt tay trồng thì… chịu thiệt!

Hiện một số địa phương, việc đưa vào sản xuất các giống mới không phải lúc nào cũng thành công

“Chết” trên cánh đồng mẫu

Thỉnh thoảng hội thảo đầu bờ, khảo nghiệm các giống lúa mới, chất lượng cao của một số doanh nghiệp ngoại tỉnh được tổ chức khá rầm rộ. Tuy nhiên, một số giống lúa mới đưa vào sản xuất, bà con các xã viên vướng phải những khó khăn từ khâu dịch bệnh đến đầu ra sản phẩm.

Vụ đông xuân 2015, HTX Thủy Phương (TX Hương Thủy) đưa giống lúa NH6 vào sản xuất trên cánh đồng mẫu 40 ha với gần 300 hộ dân tham gia trồng. Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Thủy Phương cho biết: “Đây là giống lúa mới, chất lượng cao, được đơn vị cung ứng giống giới thiệu đã sản xuất một số địa phương nên HTX cũng đưa về cho bà con. Sau thời gian trồng thấy năng suất đạt 3,6 tạ/sào, giá bán thóc thịt 5,8 nghìn đồng/kg, đều cao hơn giống Khang Dân truyền thống ở địa phương. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn một số giống nằm trong cơ cấu của HTX. Thế nhưng, khi bà con thu hoạch thì lúa tồn ứ chất kho, không bán được. Hiện nay, bà con chuyển sang sản xuất giống HT1.”

Thường năm, HTX Thủy Phương chỉ cơ cấu các loại giống như Khang Dân, HT1, DV108…với khoảng gần 300 ha/vụ. Đầu ra cho các loại này chủ yếu ở các chợ quê trên địa bàn thị xã Hương Thủy. Người tiêu dùng không quen với các loại gạo mới như giống NH6 nên bà con trồng lúa Thủy Phương không bán được.

Tại HTX Thủy Thanh (TX Hương Thủy), các vụ trước đưa vào sản xuất thử nghiệm các loại giống mới như TBR45, BC15 do Liên hiệp HTX thị xã Hương Thủy đưa vào sau khi tham quan các mô hình sản xuất ở Thái Bình thấy hiệu quả. Các giống này được phân bổ cho người dân sản xuất từ 4-5 ha/ mùa vụ nhưng chỉ được mùa vụ đầu tiên, cho năng suất khá cao đạt 3,5 tạ/sào; bắt đầu vụ thứ 2 trở đi khi HTX đưa vào sản xuất số lượng lớn thì giống TBR45 chỉ cho năng suất 2,2 tạ/sào, giống BC15 chỉ còn 1,5 tạ/sào và xuất hiện bệnh đạo ôn dày đặc.

Anh Trần Duy Minh, Phó Giám đốc HTX NN Thủy Thanh thừa nhận: “Do đây là giống lúa HTX đưa về bán giống cho bà con sản xuất nên vụ mùa năm đó HTX phải bỏ tiền ra (quy ra thóc) để “đền” lại cho người dân 1,5 tạ/sào. Vụ mùa tiếp theo các xã viên không còn mua các loại giống lúa này sản xuất nữa.”

Một số địa phương tại TX Hương Thủy gần đây đưa vào sản xuất các giống mới như N87, TBR117…cũng không thành công nên bà con không mấy mặn mà. Tại huyện Quảng Điền, một số HTX thực hiện cánh đồng mẫu cũng “vấp” phải giống lúa mới, chất lượng cao nhưng bị dịch bệnh hoành hành, bà con trồng lúa thua lỗ. Như năm 2013, giống lúa BT7 được đưa về cho bà con xã viên sản xuất trên cánh đồng mẫu 25 ha tại HTX Đông Vinh. Sau thời gian thì xuất hiện bệnh rầy rất nặng, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng không hiệu quả.

Thận trọng khâu chọn giống

Ông Hoàng Vọng, Phó phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền khẳng định: “Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp địa phương tiếp cận được một số loại giống lúa mới như Thiên Ưu 8, NA2, RG3.3. Qua quá trình khảo nghiệm cũng như trồng diện tích khá lớn đến nay bà con đều không mấy mặn mà do xuất hiện nhiều dịch bệnh. Hiện tại, chỉ có giống mới Mai Lâm 48 đưa vào sản xuất ở một số HTX được bà con đón nhận.”

Theo ông Vọng, Quảng Điền vốn vùng đất khô, diện tích đất nông nghiệp chỉ 650m2/khẩu nên khi đưa giống mới vào sản xuất thì khâu chọn giống phải đảm bảo hai yếu tố về lương thực cho dân sinh và phù hợp chuyển đổi cơ cấu giống tại địa phương. Các giống mới phải được các doanh nghiệp, trung tâm khuyến nông lâm ngư tỉnh khảo nghiệm, tuyển chọn rồi nhân rộng tại địa phương.

“Đến nay trên địa bàn tỉnh các giống lúa mới đã đưa vào sản xuất khoảng trên 9.000 ha, giá thóc chênh lệch so với Khang Dân từ 700-1.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của các loại giống mới đã đưa vào cơ cấu như BT7, HT1… khá rõ rệt nhất là đối với những vùng thâm canh, mang lại giá trị kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, vẫn có một số loại giống mới không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cần phải thận trọng khi đưa vào sản xuất đại trà.”- ông Trần Quang Phước, nói.

Thành công tại HTX Đông Phú (huyện Quảng Điền) cho thấy, chọn được giống phù hợp đã giúp HTX này đạt năng suất lúa dẫn đầu trong tỉnh. Ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTX Đông Phú, khẳng định: “Những năm trước, HTX thường đưa vào sản xuất các giống cũ như Khang Dân, T92… nên năng suất, chất lượng gạo thường không cao. Sau quá trình gieo cấy thử nghiệm làm cơ sở để nhân rộng mô hình trên toàn HTX, đơn vị đã chọn được hai giống lúa mới là 4B và TH5, cơ cấu 100% trong hai mùa vụ hè thu và đông xuân. Khi đưa hai giống lúa này vào sản xuất, phù hợp với chất đất của địa phương không chỉ làm năng suất bình quân hàng năm của HTX đạt trên 70 tạ/ha, lớn nhất toàn tỉnh mà còn nâng cao chất lượng, giá trị gạo thương phẩm.”

Không chỉ chọn giống phù hợp, một số HTX đã mạnh dạn bao tiêu sản phẩm, có chiến lược quảng bá thương hiệu nhằm đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân. Tại HTX Thủy Thanh, sau khi sản xuất thành công giống lúa chất lượng Hương Cốm 4, BT7, HTX đã xây dựng thương hiệu và tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm Gạo ngon Thủy Thanh.

Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX Thủy Thanh cho hay, việc khảo nghiệm, đưa vào sản xuất đại trà thành công hai giống BT7 và HC4 (khoảng 150 ha/vụ) đã chọn được giống gạo phù hợp với vùng đất, HTX tiến hành bao tiêu, tìm kiếm đầu ra, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NN&PTNT tỉnh) cho rằng, việc đưa các giống mới vào sản xuất phải tuân thủ quy trình như đảm bảo giống lúa được Bộ NN&PTNT công nhận, các đơn vị cung ứng giống phải đưa vào khảo nghiệm tối thiểu 3 vụ, nếu không có vấn đề gì về dịch bệnh thì phía các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tạo điều kiện mở rộng diện tích và đưa vào cơ cấu giống trong sản xuất.

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Return to top