ClockThứ Ba, 24/01/2017 13:31

Giọt mực của mưa Huế

TTH - Hãy hình dung trong mưa Huế có vô số giọt mực của hoài niệm, chúng sẽ viết gì trên mặt gương thu nhận của hàng triệu tấm lòng yêu Huế giữa thế gian? Những tấm lòng như những trang giấy, có người sẵn sàng mở ra cho gió bay đưa đi muôn phương, có người khép lại suốt đời như một toan tính vĩnh cửu về câm nín kỷ niệm dành cho riêng mình.

Tần tảo trong mưa. Ảnh: Văn Đình Huy

Chiều trong màn mưa bên sông Hương, tôi đọc trong những chữ mưa đương đại vừa đến trên những vòng tròn đồng cảm đang lan nhanh trên mặt sông, hoặc từ quá khứ xa xăm chợt hiện về trong trí nhớ nát nhàu; mưa đã ghi lại trên trang sông rộng vô số điều, song mưa cũng chỉ mặc nhiên cho kịp ghi lại vài dòng từ mưa như mưa…

Những giọt mực rơi trên sông những chữ hình tròn đan nhau, như thể đang tranh nhau kể về những câu chuyện huyền thoại, những câu chuyện rong rêu, những câu chuyện của những dòng đò xuôi ngược… Ngắm mưa trên sông Hương đẹp nhất không phải là từ Vọng Cảnh mà là từ chùa Thiên Mụ, ngay dưới gốc thông nghiêng phía tây trước ngôi chùa. Ở đó, mưa như rơi từ miền vô ưu về dọi thẳng muôn vàn sợi tơ xuống mặt sông, đồng vọng cùng khúc tráng ca mưa trên đại ngàn đột khởi của những đỉnh núi Tam Thai, Kim Ngọc… Mưa như những giọt mực thiền thẳng đứng, như thể đang nói về việc tạo nên thế giới này không phải là thần linh hay ma quỷ, mà đơn giản chỉ là những con người đã và đang dầm mưa cùng Huế bao tháng năm qua.

Từ gốc thông Thiên Mụ nhìn sang bên kia làng Nguyệt Biều, nơi tiếng hổ gầm, voi ré chỉ còn là ký ức trong mịt mù mưa bụi, nhận ra mưa đang rơi như muốn choàng ôm lấy những khu vườn xanh lá. Ở đó mưa vườn Huế là một thứ mưa mãn khai, cho xanh lá mùa hè, cho lá biết cách trầm mặc với người trong mùa đông giá buốt. Mưa vườn xa kia là thứ mưa vừa hoài niệm vừa hy vọng, hoài niệm những gì đã cũ và hy vọng cho vụ mùa bội thu xanh, hoa trái lắc lẻo trên cành.

Nhắc đến mưa vườn Huế, không thể không nhắc đến mưa ngõ Huế, bởi đó là thứ mưa mở lòng tinh tế. Ngay trong những khu vườn Kim Long quanh đây, nơi được xem như Nguyễn Du viết Kiều trong tí tách những giọt mưa trên lá, thì hiển hiện những ngõ Huế như vừa đón mưa về, vừa tiễn mưa đi. Có cảm giác những ngõ xanh và sâu hun hút như nỗi nhớ ở đó, mưa rơi xuống như để dấu chân người đã qua thêm lần nữa được giang hồ trôi theo dòng nước từ ngõ ra sông, để về với biển. Lại có cảm giác như trong những ngõ vắng ấy, mưa như vị khách phong trần gõ cửa hầu mong một chén trà bốc khói giữa chiều yên tĩnh. Mưa ngõ Huế là thứ mưa không nhiều lời, chỉ đến rồi đứng đó, như để lặng thầm nhìn bao thế hệ đi qua trong những mái nhà khuất trong cây cỏ.

Từ góc thông Thiên Mụ theo mưa giăng nhìn về phía hạ lưu, mưa đang rơi trên khúc sông có chiếc cầu trắng bạc Trường Tiền, như muốn rửa mặt cho cây cầu được trẻ tươi dẫu tuổi đã quá bách niên giai lão, nghiêng vai đón nhận hàng tỷ giọt mưa trần thế. Ngày xưa, cây cầu huyền thoại này đã dùng giọt mực của mưa ghi lại biết bao câu chuyện tình ai đưa đón ấy qua cầu. Cũng ngày xưa, khi còn có những bao lơn thấm đẫm nhân văn đỡ đần cho bao đôi triêng gióng cần lao được dừng chân trở gánh giữa cơn đau mưu sinh mệt nhoài, giọt mực của mưa đã ghi lại những điều chi? Mưa rơi trên những bước chân người toan lo cơm áo phải chăng là muốn những tấm lòng con cái hãy nhìn đó mà ghi nhớ công ơn người dưỡng dục. Chao ôi, bức ảnh ai đó ghi lại khoảnh khắc chiếc xích lô trùm kín bạt có người phu xe nặng nề chở khách qua cầu trong tầm tã mưa rơi đã làm bao thế hệ lặng đi. Những giọt nước mắt trong veo liệu có làm nhòe đi giọt mực mưa đã ghi lại trong tâm khảm những dòng đồng cảm của con người? Mưa Huế buồn hay mưa Huế vui?

Nhưng cũng nhiều khi mưa Huế như gõ nhịp những bài ca trên sông Hương. Có thể đó là lúc mưa Huế rơi như tự mở ra những cánh cửa, như thu lại thế giới trong những giọt mưa, ngay trên khoảng sông trước Nghênh Lương Đình (đình đón ngọn gió lành). Từ ngôi nhà lục giác đó nhìn ra sông, tự nhiên thấy chữ “Nghênh Lương Đình” quả hạn hẹp vô cùng trước thiên nhiên Huế, bởi nó cũng còn có thể gọi tên là “Bái Vũ Đình” (một “Bái Giang Đình” nên dành cho Vọng Cảnh), một ngôi đình để thế gian còn được “lạy mưa” khi những cơn mưa rơi quá đẹp bởi thiên nhiên như đang dùng những giọt mực mưa vẽ nên bức tranh phong thủy ngỡ ngàng.

Thi ca, âm nhạc, hội họa xua tan nỗi đau trong cõi người phiền muộn và mở ra một thế giới đầy mơ ước, thì mưa Huế cũng đã vẽ nên một bức tranh vừa đa chiều vừa đa âm với những nét cọ lạ lùng mang theo những giai điệu chưa được viết xong đã ngân vang trong tâm hồn, nét mực đang rơi chưa vẽ xong đã lấp lánh bức tranh trong tâm tưởng. Mưa thanh lọc nỗi buồn ô trọc, mưa đem lại nỗi buồn trong vắt cho người biết buồn để cảm nhận sâu sắc hơn cuộc đời tạo hóa ban cho, thì đó là mưa vui hay mưa buồn? Hay mưa Huế là một trang kinh thiền nhắc nhở con người về cõi vô thường trong cuộc thế?

Thì ra mưa Huế là một thứ mưa lễ hội vô tiền khoáng hậu. Một lễ hội mà bất kể người giàu kẻ nghèo đều có thể tận hưởng cái thanh cao của nó như nhau, miễn là tâm hồn còn được cất giữ trong trái tim đã quá chật chội vì vỗ theo nhịp đập ồn ã của hối hả kim tiền, để những lúc mưa về còn có dịp rung lên. Trước những cảm nhận mưa đồng vọng, không thể nói người giàu sang quyền lực cảm nhận cái đẹp của mưa được nhiều hơn kẻ nghèo hèn yếu phận. Hãy một lần lên lăng tẩm các vị vua ở Huế ngắm mưa rơi trên thành quách cũ, thức dậy những loài rêu. Trong cơn mưa, những con rồng, hay kỳ lân đều thêm lần mát tươi, song liệu người quyền lực nghiêng trời một thưở có yên lòng? Một chữ “Khiêm” là chưa đủ, ngàn chữ “Khiêm” càng không đủ, mưa bao thế kỷ có ru được giấc ngủ ngàn thu?

Mưa Huế như nhắc cuộc viễn trình đến và đi của phận người giữa cuộc đời. Hãy một lần lên ga Huế trong mưa đêm, ngồi hít hà tách trà nóng nghe mưa rơi trên mái bạt, mưa gõ liên hồi ngay trên đầu như muốn nhắc bao chuyện nhân gian. Mưa ga Huế khuya là thứ mưa vừa chia xa vừa đón lại tình thân, vừa đưa tiễn vừa đón chờ, cũng là thứ mưa mang giai điệu gõ vào niềm cô đơn da diết…

Nếu lấy giọt mực mưa mà vẽ chân dung chính mình, có lẽ chân dung mình cũng sẽ như loài mưa kia thôi, đến rồi đi, rồi bốc hơi thành khói sương; có may mắn chăng là diễm kiếp hóa thân thành giọt mưa để một chiều hạnh ngộ vô thường được rơi về trên sông Hương, trong khúc hát khoan hòa…

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giấc mơ không mưa

Nhà bạn ở làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế. Tôi điện thoại hỏi “nước tới vô mô rồi?”, hắn nói “nửa nhà rồi anh, vô nửa đêm, dọn kê đồ đạc đuối luôn”.

Giấc mơ không mưa
Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Trong lòng mưa Huế

Vậy là, Huế thật sự bắt đầu mùa mưa. Có hôm, mưa lớn dữ. Mưa rơi không kịp xóa mặt. Có hôm, mưa đan xen, mưa rồi vụt tạnh. Chút nắng le lói mảnh khảnh dù không thành hình nhưng đã thắp lên một khoảng sáng tươi đẹp.

Trong lòng mưa Huế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top