ClockThứ Sáu, 21/07/2017 08:10

Giọt nước tràn ly

TTH - Sự việc hàng chục nhân viên, lái xe, phụ xe đã nghỉ việc của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Đức kéo đến trụ sở công ty chặn các tuyến xe buýt để đòi quyền lợi sáng 20/7 thực ra là giọt nước tràn ly.

Trước đó, họ từng nhờ đến Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và xã hội giải quyết; phía công ty cũng có cam kết lộ trình trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện khiến người lao động bức xúc.

Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là quyền lợi và trách nhiệm của người lao động; đó cũng là khoản bảo hiểm cho tuổi già, khi mất sức lao động hoặc không may bị tai nạn, ốm đau. Với người sử dụng lao động thì đây là quy định bắt buộc thực hiện. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động đều đưa nội dung này vào hợp đồng và hàng tháng đều thu các khoản đóng bảo hiểm của người lao động theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp phải nộp bảo hiểm cho người lao động thì một số đơn vị trì hoãn, lẩn tránh. Họ không chỉ nợ Bảo hiểm xã hội phần nghĩa vụ của mình, mà còn chiếm dụng luôn phần của người lao động đóng hàng tháng.

Tôi có cậu  em làm công nhân ở một đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Thời kỳ công ty ăn nên làm ra mọi khoản đóng bảo hiểm đều được công ty thực hiện đầy đủ, người lao động hồ hởi. Khi sản xuất công ty gặp khó, công nhân làm việc cầm chừng, cậu em phải tìm việc ở một doanh nghiệp khác. Khi rút sổ bảo hiểm để nộp cho đơn vị mới thì té ngửa gần 2 năm qua công ty cũ không đóng bảo hiểm. Dây dưa mãi, cuối cùng cậu em đành chốt sổ ngang thời điểm công ty đã đóng, chịu mất thời gian đóng bảo hiểm gần 2 năm. Dù sao cậu em còn may khi còn cơ hội tiếp tục đóng bảo hiểm, nhưng với những người đã nghỉ hưu, ốm đau chỉ biết dựa vào đồng lương hưu và tấm thẻ bảo hiểm y tế thì đó là một bi kịch, đẩy họ vào con đường bế tắc.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 30/6/2017, toàn tỉnh có 1.194 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn với tổng số tiền trên 126 tỷ đồng. Ngoại trừ một số ít đơn vị sự nghiệp nợ một vài tháng và một số đối tượng đặc thù, còn lại là các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nợ lưu cữu đến 5-6 năm. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn lao động đang bị thiệt thòi, tiến thoái lưỡng nan với cuốn sổ bảo hiểm xã hội.

Để thu hồi nợ, thời gian qua không chỉ ngành bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn tích cực vào cuộc, từ đối thoại, thương lượng việc trả nợ đến khởi kiện ra tòa  nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Không phải vơ đũa cả nắm. Có doanh nghiệp thực sự khó khăn, đình trệ sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất- đó là chuyện chẳng ai muốn. Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhất thời, một thời điểm nhất định nên phải nợ các khoản đóng bảo hiểm xã hội và khi đã cam kết trả nợ đều nỗ lực thực hiện. Điều đáng nói và cần cương quyết xử lý  là những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không có thiện ý nộp bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Minh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những người Huế trầm lặng

Cùng với hành trình của đội bóng quê nhà, người yêu bóng đá Huế còn dõi theo vui buồn của những cựu cầu thủ bóng đá Huế đang thi đấu ở những đội bóng khác nhau. Và dù trầm lặng nhưng họ đã chứng tỏ được giá trị của mình...

Những người Huế trầm lặng
Gỡ nút thắt

Tại Thừa Thiên Huế, năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 54,2% GRDP của tỉnh; nộp ngân sách nhà nước chiếm trên 20,7% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; thu hút khoảng 30% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Gỡ nút thắt
Return to top