ClockThứ Năm, 18/01/2018 05:46

Giữ bản sắc

TTH - Trong một lần đến làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP.Huế) để xem người dân làm du lịch cộng đồng, điều chúng tôi thích thú là ý thức giữ gìn bản sắc của người dân địa phương nơi đây.

“Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Ra mắt tour du lịch “Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Lên vườn Thủy Biều hái thanh tràThủy Biều & du lịch sạch

Du khách tham quan Thủy Biều, nơi còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa làng với những vườn cây trĩu quả. Ảnh: Đại Nhân

Dạy tiếng ta cho tây

Bắt tay làm du lịch cộng đồng cách đây chưa lâu, hiện mỗi tháng, nhà vườn Xuân Đài (làng Nguyệt Biều) đón hàng trăm lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Một lần đến đây khi gia chủ đang đón khách, điều lạ là chủ nhà rất ít khi dùng tiếng Anh dù khả năng giao tiếp khá tốt. “Xin chào, đây là mẹ của mình và đây là ba”, anh Việt Nam, một thành viên của nhà vườn Xuân Đài xởi lởi giới thiệu cùng khách. “Khách đến đây là phải nói tiếng Việt. Mình dạy cho họ những tiếng Việt thân quen hàng ngày. Như vậy mới là cái của mình và khách sẽ thích”, Nam giải bày bí quyết nhỏ của mình trong làm du lịch cộng đồng.

Khi bữa cơm trưa dành cho khách dọn ra, Nam giới thiệu các món ăn cũng bằng tiếng Việt. “Đây là cá. Đây là vả. Đây là bánh tráng…”. Cứ thế, cùng với hướng dẫn viên, các vị thực khách phương tây thích thú cùng Nam đánh vần bập bẹ từng món ăn của Huế bằng tiếng Huế. Cho đến khi “bài học từ mới” tạm ổn, bữa cơm thân mật bắt đầu. Có cảm giác như sau phần nhập môn có nhiều tiếng cười vui ấy, những món ăn dân dã miệt vườn Thủy Biều đã đi vào tình cảm của du khách một cách sâu đậm.

Hướng dẫn khách kỹ năng  ăn cá… có xương

Một lần khác, chúng tôi đến nhà vườn Xuân Đài, khi gia chủ, bà Bạch  Yến đang nấu nướng, chuẩn bị thực đơn cho khách. Chiếc bếp than liu riu nồi cá trắm kho, y như kiểu ăn của người Huế. “Cá trắm nhiều xương lắm, làm sao khách  tây họ ăn được”-tôi tò mò. “Thì mình bày cho khách cách ăn cá có xương”-chủ nhà tiết lộ. 

Còn nhớ cách đây khá lâu, khi làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền)  bắt đầu đón khách đến tham quan, lưu trú, trong một buổi sơ kết rút kinh nghiệm, các hãng lữ hành lưu ý, gia chủ phải chế biến những món ăn không có xương, đặc biệt là cá vì khách tây không thể dùng được do sự khác biệt về văn hóa ẩm thực.

Từ chuyện ở làng cổ, tôi tò mò nán lại xem bà Bạch Yến bày cho khách kỹ năng ăn cá có xương như thế nào. Chỉ vào món cá kho đã bày tinh tươm lên mâm, gia chủ bắt đầu kể một vài lời về giống cá trắm được nuôi trên sông Hương ra sao, cá có nhiều xương như thế nào. Rồi gia chủ hướng dẫn khách cách ăn phải cẩn trọng ra sao để không bị hóc.

Thực khách tỏ vẻ chăm chú cao độ. Sau phần hướng dẫn, khách thận trọng trải nghiệm một kỹ năng ẩm thực lần đầu bắt gặp. Với họ, có lẽ đó là những khám phá thú vị chưa từng có khi đến Huế. Vậy nên, sau chuyến du lịch, không ít vị khách chia sẻ cảm xúc được ăn cá có xương lên mạng như một khám phá lý thú về văn hóa ẩm thực ở một vùng đất lạ.

Không để bản sắc mai một

Tại một hội thảo du lịch cách đây khá lâu, các chuyên gia nhìn nhận, một trong những xu hướng phát triển của ngành “công nghiệp không khói” chính là du lịch cộng đồng. Ở đó, văn hóa bản địa riêng có ở  mỗi vùng đất, từ món ăn, phong tục tập quán, phong cảnh thiên nhiên…là đặc sản du lịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không khéo, nếu quá “chiều” khách, sự tương tác văn hóa trong qúa trình phát triển du lịch với yếu tố thích nghi sẽ làm mai một, thậm chí làm mất đi bản sắc văn hóa bản địa.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu quan trọng trong làm du lịch cộng đồng. Đó là sự định hướng trong phát triển, để bản sắc không bị mai một, hòa tan. 

Và bản sắc văn hóa sẽ không mất đi, khi chính người dân tham gia làm du lịch hiểu được giá trị của nó để giữ gìn, quảng bá, như chủ nhân của nhà vườn Xuân Đài.

 Tiểu Muội

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top