ClockThứ Năm, 09/08/2012 05:45

Giữ bản sắc cho Huế

TTH - Lần tái hiện phiên chợ Gia Lạc hàng trăm năm tuổi của Huế tại T.P Hồ Chí Minh nhân dịp tết Nhâm Thìn mới đây, điều nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh trăn trở là hành trình khó nhọc tìm lại chiếc bánh bài đã quá xa lạ với người Huế. Tìm mãi, cuối cùng mới gặp được một vị sư nữ cao niên may ra vẫn còn giữ được chiếc khuôn cuối cùng và bí quyết làm thứ bánh truyền thống cổ xưa ấy của Huế.

Với ai đau đáu với cổ xưa, một lần nữa, họ lại giật mình bởi trong quá trình phát triển, để thuận tiện cho việc quản lý, mới đây, T.P Huế đã chủ trương thay chiếc đò mui vòm thơ mộng với sông Hương thành đò mui vuông. Theo giới nghiên cứu, để có chiếc đò mui vòm truyền thống ấy, hàng trăm năm truớc, người Huế đã vận vào đó cả tâm hồn, tính thực tiễn và nghệ thuật cấu trúc, để biến chiếc đò đơn sơ, mộc mạc trở thành hình tượng đẹp trong thơ ca, trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Huế.

Cách đây chưa lâu, tại hội nghị tổng kết cuối năm của ngành văn hóa thể thao-du lịch tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn từng chỉ đạo, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch phải nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh tổ chức cho được một hội thảo khoa học bàn về bản sắc văn hóa Huế. Phải xác định cho được giá trị nào của Huế là đặc sắc để gìn giữ, bảo tồn và phát triển đúng hướng.

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIV về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước”, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm đường hướng phát triển ấy, trước tiên, phải làm rõ cái gì là đặc sắc.

Quả nhiên, đây là một đòi hỏi có tính thực tiễn, khoa học và biện chứng. Bởi nếu chúng ta không sớm có những thống kê, những đánh giá và định danh cụ thể cái gì là bản sắc văn hóa Huế thì có những giá trị, tưởng là nhỏ nhặt như chiếc đò mui vòm sẽ tiếp tục bị ‘‘khai tử” một cách lặng lẽ mà khi dư luận biết đến thì gần như mọi việc đã rồi.

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top