ClockThứ Hai, 06/05/2019 06:15

Giữ chất lượng nước mắm Phong Hải

TTH - Với hương vị thơm ngon, đậm đà đặc trưng, nước mắm Phong Hải được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nghề chế biến nước mắm từ lâu là sinh kế của các hộ dân vùng ven biển này.

Công nhận làng nghề chế biến nước mắm Hải Nhuận (Phong Điền)

Giới thiệu nước mắm Phong Hải tại lễ công nhận làng nghề truyền thống

Hằng năm, làng nghề chế biến nước mắm Phong Hải cung ứng ra thị trường hơn 500 ngàn lít nước mắm.

Bà Trần Thị Bồng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tự tin: “Sản phẩm nước mắm Phong Hải luôn đảm bảo chất lượng, thơm ngon hơn so với nhiều loại nước mắm trên thị trường. Các loại cá được đánh bắt hằng ngày còn tươi được đưa vào ủ ngay với những bí quyết trong việc cân bằng giữa lượng muối-cá, cách thức ủ, đăng, lọc... Nhờ đó tạo ra sản phẩm chất lượng, hương vị hài hòa, không quá mặn cũng không bị nhạt, có thể bảo quản lâu dài”.

Mới đây, nghề chế biến nước mắm Phong Hải được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, mở ra cơ hội mới, tạo động lực cho người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có cơ hội được quảng bá rộng rãi thông qua các lễ hội, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề ngày càng lớn mạnh.

Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, một trong những tiêu chí được địa phương và người dân quan tâm là khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại cá sau khi mua về được người dân rửa sạch, đảm bảo không còn dính cát, các chất bẩn. Các lu, vại ủ cá được rửa bằng nguồn nước sạch, tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất trong tẩy rửa.

Cá sau khi ủ vào lu chứa được đậy kín, đặt ở nơi khô ráo. Quá trình ủ cũng như chế biến sản phẩm hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất bảo quản. Cá ủ phải đảm bảo đủ 12 tháng mới đưa ra đăng lọc. Chất lượng sản phẩm được Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh kiểm chứng, kiểm định và xác nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu trăn trở, trong khi thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô làng nghề, nâng cao sản lượng và chất lượng thì đầu ra sản phẩm ổn định đang là vấn đề nan giải. Để hiện thực hóa mục tiêu, ngay sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, chính quyền địa phương tiến hành xúc tiến các thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm nước mắm Phong Hải nhằm thúc đẩy, mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.

UBND xã Phong Hải đã quy hoạch địa điểm sản xuất nước mắm tập trung, các hạng mục được xây dựng đầy đủ như mặt bằng, hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống điện, nước... Nước thải trước khi thải ra môi trường đã qua xử lý vệ sinh tại các bể lắng. Quá trình ủ mắm, chế biến đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khu dân cư…

Người dân tận dụng tối đa nguồn hải sản tại địa phương, đồng thời mua thêm tại các vùng khác như Phú Thuận, Thuận An, Phú Hải (Phú Vang)… để mở rộng quy mô sản xuất, dự kiến nâng sản lượng lên gấp 3 lần so với hiện tại (500 ngàn lít). Chính quyền địa phương cùng với người dân sẽ liên hệ với các đối tác ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm nước mắm Phong Hải đã từng được xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên do số lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên hiện nay đối tác đã ngừng tiêu thụ. Sau khi mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng hàng hóa đủ lớn và ổn định, chính quyền địa phương sẽ xúc tiến kết nối, làm việc với các đối tác để xuất khẩu sang Mỹ. Trước mắt, người dân chủ yếu bán cho Việt kiều Mỹ, Úc, Canada để làm quà, song sản lượng bán chủ yếu nhỏ lẻ với khoảng 10 ngàn lít/năm. Tuy nhiên đây cũng là một “kênh” tiêu thụ mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Tại xã Phong Hải hiện có khoảng 450 hộ chuyên làm nghề chế biến, kinh doanh nước mắm, kết hợp làm mắm thính, mắm dưa… Bình quân mỗi năm có khoảng 500 ngàn lít nước mắm được xuất bán trên thị trường, chủ yếu tại địa phương, vùng Ngũ Điền và các địa phương thuộc huyện Quảng Điền. Một số lượng sản phẩm khá lớn cũng được “góp mặt” tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Doanh thu bình quân mỗi năm toàn xã từ nghề chế biến, kinh doanh nước mắm ước khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Sửu khẳng định: “Các hộ làm nghề chế biến nước mắm đều có cuộc sống ổn định. Qua khảo sát, tìm hiểu, hầu hết các hộ đều có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, những hộ sản xuất quy mô lớn hơn có thể thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Thuê máy photocopy Long An: Chất lượng và tiết kiệm

Tiết kiệm chi phí luôn là yếu tố được đề cao trong hoạt động tiêu dùng. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi dịch vụ thuê máy photocopy dần trở thành xu hướng mới. Nắm bắt điều này, dịch vụ thuê máy photocopy Long An phát triển, vừa giải quyết “bài toán” về tài chính vừa mang đến sự đa dạng trong lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Thuê máy photocopy Long An Chất lượng và tiết kiệm
Trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho gần 530 doanh nghiệp

Với chủ đề “Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trước chặng đường phát triển mới”, tối 14/3, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Lễ công bố, trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn cho 529 doanh nghiệp.

Trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho gần 530 doanh nghiệp
Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Nhờ nỗ lực cố gắng của từng cán bộ, đảng viên (ĐV), các cấp ủy đảng, Đảng bộ huyện Nam Đông đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và ĐV.

Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
Return to top