ClockThứ Ba, 26/10/2021 13:45

Giữ cốt cách Huế - bài 2: Nét cũ hòa vào nhịp sống mới

TTH - Giữ gìn giá trị của những nề nếp cũ là cách dọn đường đầy trí tuệ để xác lập cái riêng cho tương lai, đồng thời chọn lọc những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đương đại để bồi đắp cho vốn xưa trở nên vẹn toàn.

Giữ cốt cách Huế - Bài 1: “Đặc sản” riêng có chốn kinh kỳ

Thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn bản sắc, cốt cách, phẩm hạnh của người Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Định Phước

Nhận diện ưu, nhược điểm

Giá trị văn hóa con người là đặc trưng có tính lợi thế so sánh đối với Huế. Đó như là một tài nguyên đặc biệt của vùng đất Cố đô. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, chúng ta nên hiểu, tự hào không phải địa phương nào trên đất nước này cũng có được điều ấy. Tại sao Huế hiện hữu tràn ngập trong nhiều áng văn chương, thơ, nhạc… từ các nghệ sĩ khắp nơi khi đến Huế, hẳn nhiên, không chỉ do cảnh sắc Huế đẹp mà tính cách con người ở đây đóng vai trò không nhỏ.

Tuy nhiên, tính cách Huế không chỉ có ưu điểm mà còn nhiều hạn chế, đó là tính trì trệ, bảo thủ, khép kín, chậm đột phá... Trải qua bao lớp sóng phế hưng của thế cuộc, càng đọng lại những hoài niệm, nét vàng son của quá khứ. Do đó mà người Huế bảo thủ và chậm đổi mới. Trọng giá trị truyền thống nên người Huế ngại tiếp cận với cái mới, đòi hỏi phải có thời gian gạn lọc, thử thách mới tiếp nhận. Chính điều đó nhiều khi làm cho Huế không bắt nhịp với sự chuyển động của xã hội.

Những nét đẹp văn hóa lan tỏa trong đời sống (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

“Người ta hay đề cập đến sức ỳ của Huế, ngoài những lý do khách quan, một phần cũng ảnh hưởng từ tính cách của con người. Trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa con người Huế, cần nhận thức những gì là lợi thế để phát huy, nhưng cũng phải nhìn thấy nhược điểm để khắc phục, loại bỏ những điều không phù hợp. Điều này cần được nghiên cứu hệ thống, khoa học để khắc phục nhược điểm, bổ sung những gì người Huế còn thiếu, xây dựng thêm những giá trị mới trong đời sống văn hóa ngoài những giá trị truyền thống hoặc khơi lại những nhân tố tích cực đã bị mai một”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất.

Một mặt, giữ gìn bản sắc của người Huế, nhưng mặt khác, nên tạo hướng đi tích cực, hạn chế sự bảo thủ, dè dặt; chọn lọc những gì tinh túy, phù hợp, gìn giữ, bồi đắp, hòa quyện vào cuộc sống hiện đại một cách hài hòa là hướng đi đúng để bản sắc Huế không bị mai một theo thời gian.

Chuẩn hóa thành cẩm nang

Nhận thức giá trị văn hóa mang bản sắc riêng sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phát triển xã hội, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến việc gìn giữ những giá trị đặc sắc riêng có. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”. Trong đó, chú trọng nghiên cứu về những giá trị văn hóa của con người Huế xưa và nay, những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế, những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu điểm và nhược điểm cũng như con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế…

Ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

TP. Huế cũng có những động thái tích cực khi ban hành Nghị quyết về việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Nhằm gìn giữ và phát huy văn hóa, phẩm cách con người Huế, thành phố sẽ hệ thống hóa các giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc, làm cơ sở lưu giữ, lan tỏa trong cộng đồng và đời sống xã hội; xây dựng lối sống thanh lịch, hiền hòa, nhân ái, thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng trong toàn xã hội.

Trên cơ sở hệ thống hóa các giá trị đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán Huế đặc sắc; lựa chọn các giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xu thế phát triển của xã hội, cập nhật thêm các giá trị văn hóa mới, hiện đại để xây dựng các nội dung, tiêu chí; xây dựng thành tài liệu tuyên truyền, giáo dục theo phương châm cô đọng, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành trong trường học và cộng đồng. Đồng thời, rà soát, cụ thể hóa hệ thống các giá trị đạo đức, lối sống Huế thành các quy định của pháp luật phù hợp, đưa vào trong các quy tắc của hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nội quy của cơ quan, tổ chức… từng bước đưa các giá trị này vào cuộc sống.

Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, lâu nay chúng ta vẫn thường nói phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Huế và những nét đặc sắc trong phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, nét đặc sắc đó là gì không phải ai cũng hiểu, lại khó truyền đạt một cách cô đọng. Vì thế, biên soạn tài liệu là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nghị quyết này. Sau khi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia biên soạn, dự kiến, cuối năm nay, TP. Huế sẽ hình thành bộ tài liệu cô đọng để tuyên truyền đến từng đối tượng khác nhau, phổ cập đến từng gia đình.

Thấm vào đời sống

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đi sâu vào đời sống của các gia đình truyền thống Huế, sẽ thấy những giá trị tích cực về đạo đức, lối sống vẫn đang được giữ gìn. Thế nên, việc đưa hệ thống các giá trị đạo đức, lối sống Huế vào đời sống không phải không làm được, cần làm kiên trì để thay đổi nếp sống, tác động toàn diện đến cả gia đình, trường học và xã hội.

Thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn bản sắc, cốt cách, phẩm hạnh của người Huế, vì thế, quan trọng nhất là giáo dục về truyền thống văn hóa để hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh và phát triển văn hóa ẩm thực Huế vừa được Trường THPT Hai Bà Trưng đưa vào giảng dạy là một trong những việc làm thiết thực để góp phần hình thành cho học sinh các kỹ năng may vá, thêu thùa, nấu nướng cũng như những hiểu biết về nét đẹp truyền thống. Điều vui là phong trào tìm về vốn cổ đang lan tỏa trong giới trẻ khá mạnh mẽ. Họ yêu thích tìm hiểu các giá trị văn hóa, tổ chức những chương trình trải nghiệm, tìm hiểu khám phá di sản.

Trở về từ nước Đức, GS. TS. Thái Kim Lan luôn tạo ra những không gian văn hóa cho Huế. Ngôi nhà vườn thơ mộng của bà trên đường Nguyễn Phúc Nguyên là nơi diễn ra nhiều hoạt động thơ ca, âm nhạc, triển lãm… Ở đó, chất Huế luôn hiện hữu với áo dài, những món ăn tinh tế, những con người yêu và gìn giữ nếp sống Huế. Bà chia sẻ: “Tôi trở lại Huế với áo dài, ẩm thực cũng nằm trong suy nghĩ bảo vệ phần nào truyền thống của gia đình và nét riêng của Huế. Đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc. Họ thường đến đây tìm hiểu về văn hóa Huế qua lễ nghi, trang phục, ẩm thực…, tìm cái cũ để sáng tạo thành cái mới. Đây là sự sáng tạo để Huế luôn mới trong những giá trị cũ, rất đáng khuyến khích mà không nhất thiết bắt buộc người trẻ phải theo hoàn toàn kiểu cách xưa”.

Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, cốt cách của con người Huế, điều quan trọng là đưa bản sắc văn hóa ấy thấm vào đời sống chứ không phải chỉ là cái nhìn hoài cổ. Quan trọng là khơi dậy sự tự tôn, niềm tự hào, sự hiểu biết và tự tin vào các giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi để sẵn sàng đổi mới, đón nhận lối sống năng động, sáng tạo, hiện đại trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”
Du lịch tại chỗ

Nhiều người đã đi du lịch nhiều nơi, trải nghiệm nhiều dịch vụ trên khắp cả nước và thế giới, nhưng đi xích lô tham quan TP. Huế, mặc cổ phục tham quan di sản, đi nghe ca Huế trên sông Hương... lại là trải nghiệm lần đầu.

Du lịch tại chỗ
Return to top