ClockChủ Nhật, 13/04/2014 05:48

Giữ gìn, bồi đắp một thương hiệu

TTH - Festival Huế 2014 chính thức bắt đầu, vậy là đã bước qua kỳ Festival thứ 8 với những đại tiệc văn hóa - nghệ thuật sôi nổi. Trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2014 còn có “Hội nghị Bộ trưởng Phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3”; “Liên hoan ẩm thực quốc tế”; “Liên hoan múa quốc tế”… Từ góc độ này, Festival Huế không còn là sự kiện của riêng Thừa Thiên Huế mà trở thành sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam.

Song hành với Huế 6 chặng hành trình, nghệ sĩ người Pháp Phillippe Bouler – vị đạo diễn đã tổ chức festival trên 50 quốc gia thừa nhận đây là một festival đẳng cấp, chất lượng. Bằng chứng là Festival 2000 chỉ có các đoàn nghệ thuật Việt Nam và Pháp, thì Festival 2014 này có 43 đoàn nghệ thuật từ 37 quốc gia đến từ 5 châu lục. Sự hội tụ ấy không dễ mua được bằng tiền mà được xây dựng bằng uy tín, thương hiệu qua thời gian.

Văn hóa lịch sử và cảnh quan là lợi thế sẵn có góp phần làm nên những Festival Huế ấn tượng. Mang trong lòng hai di sản, đây là mảng đề tài luôn được chú trọng khai thác và tôn vinh. Nhờ festival, các giá trị truyền thống được đánh thức, tái hiện sống động, có sức hút lạ kỳ. Đền đài, thành quách rêu phong biến thành sân khấu lộng lẫy, nhiều hoạt động lễ nghi chốn hoàng cung được phục dựng nguyên bản “ra mắt” công chúng… Hẳn vậy mà nhiều chuyên gia đoán định: “Di sản văn hóa Huế sẽ là cơ sở cho sự phát triển trong tương lai của người dân nơi đây”.

Sau thời gian học hỏi, chuyển giao công nghệ, đến nay, những người tổ chức Festival Huế đã tự đứng vững trên đôi chân của mình. Ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên giám đốc Trung tâm Festival Huế lấy làm tự hào về điều này và cho rằng, Festival Huế đã có nét riêng và cũng có cái lạ để làm nên tên tuổi. Đơn cử: nghệ sĩ trong, ngoài nước biểu diễn với tâm thế giới thiệu, quảng bá văn hóa chứ không đặt nặng vấn đề thù lao. Festival Huế ngày càng hướng đến nhiều lớp đối tượng và phục vụ đại chúng hơn, nhân văn hơn với nhiều hoạt động hướng về vùng nông thôn, những người thiệt thòi. Chương trình IN-OFF tổ chức linh hoạt chứ không theo form đăng ký như ở nước ngoài.

Những người Huế/ yêu Huế đang cùng chung tay làm nên thành công cho festival bằng các triển lãm, hoạt động hay nhỏ nhất là làm đẹp thành phố, đón khách thân thiện… Nếu xem công chúng - một phần của thước đo đánh giá thành công thì Festival Huế đã đáp ứng được tiêu chí đó. Với người Huế, festival không hề cũ. Sân khấu trước Ngọ Môn chật ních người xem trong các đêm chạy thử chương trình, muốn có chỗ ngồi tốt, người ta phải đi từ sớm để xí phần. Nhìn cảnh ấy ắt hẳn những nghệ sĩ sẽ cảm kích và có thêm động lực cống hiến cho nghệ thuật.

Huế trở thành nơi văn hóa, di sản các vùng quốc gia hội tụ - tỏa sáng. Song nếu bằng lòng với niềm tự hào đó thì e chưa đủ. “Nhắc đến là muốn đi, nghe tên là muốn tới” phải chăng là yêu cầu quá cao cho một thương hiệu như festival? Nghĩ cho cùng, đó cũng là mục tiêu mà những người khai sinh Festival Huế nhắm đến. Kỳ vọng như vậy để thấy rằng, còn nhiều việc phải làm để giữ gìn, bồi đắp thương hiệu Festival Huế – niềm tự hào của người dân Cố đô.

Khi đã bước qua kỳ thứ 8 thì chất lượng và sức hấp dẫn festival sẽ là đòi hỏi khiến người tổ chức luôn suy nghĩ. Việc quảng bá, xúc tiến cần nhanh, mạnh hơn để festival là một sản phẩm nổi bật, đáng lựa chọn của du khách không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước. Là thành phố festival đầu tiên, kiểu mẫu của cả nước liệu chỉ dừng lại ở hai kỳ festival năm chẵn và năm lẽ hay cần làm gì hơn nữa? vv…vv. 8 kỳ, 16 năm, chặng hành trình ấy không ngắn nhưng đủ chín để hoạch định những bước đi cho vị thế tương lai. 

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 24/3/2014 với UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Festival không chỉ là của Huế mà còn là chương trình quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Đó là niềm vui song là trách nhiệm đòi hỏi người dân và lãnh đạo địa phương luôn nỗ lực để xứng đáng với uy tín của một festival mang tầm quốc gia, quốc tế.

L. Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top