ClockThứ Sáu, 10/02/2017 11:33

Giữ gìn nét đẹp lễ hội

TTH.VN - Không ồn ào sôi động như những lễ hội khác ở khắp nơi trên cả nước, song Huế vẫn có những lễ hội dân gian truyền thống thu hút du khách thập phương về tham dự.

Giữ hồn cho lễ hội

Huế có những lễ hội đặc trưng, tạo nên không gian lễ hội truyền thống, thỏa mãn đời sống tinh thần và tâm linh của người dân Cố đô. Có thể kể đến nhiều lễ hội sống động vào những ngày đầu xuân ở Huế như, vật Thủ Lễ ở xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), vật làng Sình ở xã Phú Mậu, cầu ngư làng Thai Dương (huyện Phú Vang), lễ hội Huyền Trân Công Chúa (TP. Huế), chợ quê ngày Tết ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), lễ hội đu tiên ở xã Phong Hiền và Điền Hòa (huyện Phong Điền)… Tất cả những lễ hội này lưu giữ nét đẹp tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, văn hóa dân gian có từ hàng trăm năm nay, gắn liền với xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam. Mỗi lễ hội gắn với một điển tích về lệ làng, người khai canh, thể hiện nét đẹp văn hóa, mong ước mang lại những điều lành mạnh cho mọi người. 

Lễ hội Vật làng Sình ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) trở thành nét đẹp trong văn hóa lễ hội của người dân Huế

Lễ hội ở Huế không chỉ đẹp trong mắt người dân Cố đô mà còn đẹp trong mắt du khách thập phương. Ở Lễ hội Vật Thủ Lễ, từ nhiều năm nay chỉ với không gian không quá lớn ngay trước sân đình nhưng có đến cả ngàn người tham dự rất trang nghiêm, trật tự, hiếm khi thấy hình ảnh xô lấn, chen đẩy nhau.

Còn tại Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương ở Thuận An, từ con trẻ cho đến người lớn gần như ai ai cũng biết cách "ghi điểm", thể hiện được vai trò của mình với lễ hội. Người thì nghiêm trang với vai trò gánh rước thần linh, người nhập vai, hóa trang thành những con tôm cá nối đuôi nhau hòa mình giữa lễ hội. Những người không được phân vai, trong vai trò khán giả, không ai nhắc ai, họ đến từ khá sớm, chọn cho mình một chỗ đứng hợp lý, theo dõi lễ hội với sự thành kính, say mê và trật tự. Đặc biệt, còn có hàng ghế riêng ở vị trí trang trọng ngay giữa sân đình dành cho những vị cao niên, bô lão, người cao tuổi trong làng. 

Theo cụ ông Nguyễn Văn Ái (76 tuổi), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương, lễ cầu ngư của làng có từ hàng trăm năm trước với ước vọng một năm biển thuận buồm xuôi gió, ra khơi bội thu, mua may bắn đắt. Cái hay của lễ hội là dân làng luôn nhắc nhớ nhau thể hiện sự trang nghiêm, thành kính, nét đẹp truyền thống của con người, vùng đất Thai Dương. “Con dân trong làng luôn háo hức, sôi động cùng lễ hội nhưng khi nào cũng phải từ tốn, trật tự, không có chuyện lộn xộn, chen lấn hay có những hành vi trái với văn hóa lễ hội”, ông Ái tự hào.

Ứng xử đẹp với lễ hội

Gặp nhiều du khách phương xa về Huế du xuân, hỏi ra ai cũng có cảm nhận ấn tượng với lễ hội của người Huế từ cách tổ chức, cách gìn giữ cũng như thái độ của người tham gia lễ hội. Phan Quốc Hiệu (24 tuổi, TP. HCM) đến Huế du xuân năm thứ 2 liên tiếp khá thích thú với lễ hội Vật làng Sình và Cầu ngư làng Thai Dương. Hiệu kể, từng đi du xuân ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước và Huế là điểm đến khá thú vị bởi được đắm mình trong nhiều lễ hội đặc sắc, hướng con người đến những giá trị nhân văn, đạo đức và vươn tới cái đẹp qua cách tổ chức.

“Mình không hài lòng với một số nơi đã từng đến bởi có một bộ phận không nghiêm túc với lễ hội, họ đến đó để đánh đổi niềm tin, cướp giật, chen lấn thô bạo… Nhưng riêng với Huế, lễ hội vừa đa dạng, vừa thể hiện được nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô và hay hơn hướng đến mọi người những điều lành mạnh”, Hiệu tâm sự.

Trong khi đó, cô bạn cùng đoàn, Hồng Thắm (26 tuổi, Lâm Đồng) cho rằng, cái hay của lễ hội xứ Huế là giúp mọi người gắn kết với nhau trong niềm vui chung của những ngày đầu xuân. “Mình cảm nhận các cô chú đến với lễ hội bằng sự chân thành cùng với niềm vui hồn nhiên. Thích nhất ở các chùa Huế không có nạn rải, xoa tiền lên tượng Phật... như các nơi khác", Thắm nhìn nhận.

Người dân tham gia các hoạt động cũng như du khách đến với lễ hội cầu ngư làng Thai Dương (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) trong không khí trang nghiêm, trật tự

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng, những lễ hội ở Huế thường gói gọn trong phạm vi nhỏ. Ở đó có những cư dân thuần phát, mọi ứng xử đều theo văn hóa ứng xử người Huế. Ngoài ra, không có sự trục lợi trong từng lễ hội, không có tình trạng tranh giành cướp lộc, vì vậy không tạo ra sự phản cảm. “Từ đó có thể đánh giá văn hóa Huế đã đem lại cho con người Huế cách ứng xử tốt đẹp. Những nơi tổ chức lễ hội luôn có ý thức cẩn trọng, không biến lễ hội thành động cơ trục lợi, và không dung thứ cho việc trục lợi đối với ai tham gia lễ hội”, ông Vinh nhận định.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Huế là nơi tập trung khá nhiều lễ hội, tuy nhiên vấn đề tổ chức thực hiện khá tốt bởi người dân Huế gìn giữ được nếp thuần phong mỹ tục cùng tinh thần tự giác. Người tham gia lễ hội trước là để tỏ lòng thành kính về mặt tín ngưỡng, sau là để cầu chúc cho bản thân và gia đình gặp điều bình an trong cuộc sống, vạn sự tốt lành chứ không nặng cầu danh, cầu lộc, tiền tài... Các chùa chiền, nơi thờ tự, nơi tổ chức lễ hội tại Huế không có những hoạt động mang tính dị đoan, khấn thuê, đốt vàng mã với số lượng lớn; một số lễ hội du khách tham gia với số lượng đông nhưng khá hài lòng về cách triển khai của ban tổ chức. “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội của các Ban Quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, thanh tra để kịp thời chấn chỉnh xử lý các sai phạm trong quá trình diễn ra lễ hội”, ông Dũng nói.

Thừa Thiên Huế từ lâu được tôn vinh là vùng đất của lễ hội, có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và những nét đặc sắc riêng của văn hóa Huế. Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 500 lễ hội được tổ chức theo định kỳ. Trong đó có nhiều lễ hội cung đình đặc trưng, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được du khách trong và ngoài nước chú ý. Trong đó có 65 lễ hội tiêu biểu được đưa vào danh mục kiểm kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 25 lễ hội được đưa vào danh mục xúc tiến quảng bá du lịch bao gồm các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội mới.

Bài, ảnh: Phan Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Return to top