ClockThứ Sáu, 16/10/2015 14:35

Giữ lửa

TTH - Nhiều khách hàng ở nơi xa xôi bao năm qua vẫn “ghiền” những chiếc giỏ đựng hoa, hộp gói quà, mũ, đệm giường… đan bằng cây cỏ bàn của chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Triều Quý, xã Phong Bình, huyện Phong Điền), bởi người phụ nữ ấy luôn sáng tạo ra các mẫu mã hấp dẫn…

Chị Cúc và những sản phẩm của mình

Trong ngôi nhà ba gian, góc này xếp gọn ghẽ từng chồng sản phẩm đệm giường, mũ đã hoàn thành, góc kia “giăng” nào giỏ đựng hoa, túi đi chợ. Chị Cúc đang cắm cúi tỉ mẩn đan chiếc mũ theo đơn đặt hàng. Năm nay 48 tuổi, mấy chục năm qua, người phụ nữ nhỏ nhắn bền bỉ giữ nghề truyền thống. Chị Cúc kể trong làng ngày trước, các cô gái cứ lớn lên là học theo bà, mẹ dùng cây cỏ bàn mọc tự nhiên đan thành đệm giường, bao bì, mũ để bán. Khách hàng của họ là người dân các thôn, xã lân cận và tỉnh Quảng Trị. Ngày trước đời sống còn khó khăn, mấy ai có chăn để đắp. Trong lúc đó, đệm (dùng để nằm hoặc đắp) đan bằng cỏ bàn có đặc tính mùa hè nằm rất mát, mùa đông lại giữ ấm tốt. Không làm nên giàu có, nhưng dân làng Triều Quý sống được với nghề.

Cuộc sống đổi thay, những phương trời xa và nhiều nghề nghiệp hấp dẫn “gọi” bước chân lớp trẻ. “Ngay cả những người cùng thời với tui cũng bỏ đi làm công nhân. Nghề đan các sản phẩm từ cỏ bàn dần mai một. Vì yêu nên tôi vẫn theo nghề. Và có lẽ sẽ theo đến lúc mắt mờ tay run không làm được nữa”, chị Cúc cười. Mắt ánh lên niềm đam mê. Cũng từ ngọn lửa đam mê đó, chị Cúc tích cực tham gia các hội chợ, Festival làng nghề, ngắm nghía các kiểu, các mẫu mã đẹp, về mày mò sáng tạo trên chất liệu cỏ bàn. “Như kiểu của chiếc mũ lỗ tôi đang làm đây, người ta làm từ sợi nón. Sợi bàn khó chết li nên người làm phải khéo léo giữ kỹ, lâu công hơn rất nhiều” - chị Cúc bày tỏ. Nhưng để làm nên sản phẩm kiểu dáng đẹp, hài lòng khách hàng thì có lâu công hay khó khăn cách gì chị cũng làm cho bằng được. Chính vì vậy, ngoài chị chưa ai làm được sản phẩm giỏ đựng hoa mà các khách sạn ở TP Đà Nẵng đặt hàng. “Họ gửi hình ảnh mẫu chiếc giỏ, tui phải tự mày mò cách đan sao cho kiểu dáng và hoa văn vừa đúng với mẫu, vừa tinh tế nhẹ nhàng” - chị Cúc cho biết. Chị đã dạy cách làm giỏ này cho mấy chị trong thôn, nhưng chỉ mươi ngày không thực tế là mấy chị quên sạch. Ngay cả những sản phẩm quen thuộc, nhưng khi cần kiểu dáng đẹp, chị em trong thôn (những người cùng làm nghề) cũng tìm đến đặt hàng chị Cúc.

Sản phẩm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ sáng tạo đã đi xa như Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Tây… Có những khách hàng vô tình “gặp” sản phẩm của chị, không biết người chỉ biết ở Thừa Thiên Huế, phải cất công liên hệ về Sở Công thương, “truy” xuống huyện, xã để gặp chị đặt hàng. Sự thích thú của người tiêu dùng đối với sản phẩm thủ công làm từ cây cỏ bàn (trước đây mọc tự nhiên, nay phải trồng) trên đất Phong Bình là một phần thưởng quý đối với chị Cúc. Cũng bởi lý do đó, chị Cúc luôn trăn trở làm thế nào để dần khôi phục, nhân rộng sản phẩm và mở rộng địa bàn tiêu thụ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top