ClockThứ Tư, 12/04/2017 13:16

Giữ lửa nghề xưa

TTH - “Lấy anh không đói mà lo/Đổ than vô lò là có gạo mai…” là câu ca mà cho đến bây giờ, nhiều thế hệ người con làng rèn Cầu Vực (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) vẫn nhắc đến một cách tự hào. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm giữ ngọn lửa rèn của người làng, ngày ngày nghề rèn truyền thống Cầu Vực “vẫn gõ, vẫn quai như thường”.

Nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến với sản phẩm mũi khoan thô

Ưu tiên tối đa

Thị xã Hương Thủy không có thế mạnh về biển và đầm phá. Bù lại, sinh sống trên mảnh đất có đủ rừng đồi, ruộng đồng, sông hói, người dân Hương Thủy bao đời đã coi nghề nông là bản nghiệp nên nhiều ngành nghề thủ công truyền thống cũng theo đó mà được ra đời rất sớm ở xứ sở này, như: nghề gót, nghề sắt, nghề mộc, nghề rèn, chằm nón, chổi đót… Cuộc sống thay đổi, nhiều ngành nghề truyền thống của thị xã dù mang đậm giá trị văn hóa bản địa nhưng vẫn hoạt động cầm chừng do sản phẩm thủ công không cạnh tranh nổi với hàng công nghiệp. Nhiều ngành nghề còn bị lãng quên, “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Tuy nhiên, nhờ có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà Hương Thủy đã kịp thời giữ lại được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống.

Ngày nay, trong số rất nhiều ngành nghề thủ công đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, thị xã Hương Thủy có 3 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Đó là làng nghề rèn truyền thống Cầu Vực (phường Thủy Châu), làng nghề chổi đót Thanh Lam (phường Thủy Phương) và làng nghề tăm hương Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng). Việc được công nhận danh hiệu này không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần là “đánh thức” niềm tự hào nghề nghiệp trong mỗi nghệ nhân, người thợ thủ công, mà đó còn là điều kiện giúp các làng nghề được hưởng nhiều chính sách “tiếp sức” từ Nhà nước về phát triển ngành nghề, mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng; xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: "Quan điểm của Hương Thủy là ưu tiên tối đa để các cá nhân, các hộ gia đình và tổ sản xuất trong làng nghề hoạt động. Chỉ cần người dân có đề án, phương án sản xuất rõ ràng, thị xã sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để thực hiện".

Nghề trong máu thịt

Nếu như làng nghề chổi đót Thanh Lam đang được các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn khuyến nông, vốn chính sách để mở các đại lý thu mua sản phẩm, hoặc đầu tư sản xuất quy mô lớn… thì làng nghề chẻ tăm hương ở thôn Vỹ Dạ, xã Thủy Bằng hoạt động “gọn” hơn nhiều. Ven theo sông Hương, Vỹ Dạ có thế mạnh dồi dào nguồn nguyên liệu nứa, lồ ô. Từ năm 1986, người dân nơi đây đã bắt đầu làm nghề chẻ tăm hương, ban đầu nhỏ lẻ một vài hộ, sau thì đông dần và nay có khoảng 40 hộ tham gia. Trong số các hộ dân theo nghề, đa số hoạt động theo kiểu thủ công và tranh thủ lúc nông nhàn. Riêng cơ sở của ông Ngô Đình Tuấn đã tranh thủ nguồn vốn khuyến công, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc thiết bị hỗ trợ. Trò chuyện với Thôn trưởng Trương Thế Pháp, ông vui vẻ: “Tuy không phải hộ nào tham gia cũng có nguồn thu nhập chính từ nghề này và nhiều hộ chỉ tranh thủ vào cuối ngày, ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập, nhưng chúng tôi rất tự hào vì đến hôm nay Vỹ Dạ vẫn còn giữ được nghề chẻ tăm hương. Tăm hương không chỉ giúp người dân “giữ” được cây nứa, cây lồ ô bên khe, bên suối mà còn có thêm nguồn thu nhập chính đáng để chăm lo con cái học hành”.

Quá trưa nhưng làng rèn Cầu Vực khi ngày đã quá trưa, nhưng vui vì vẫn còn nghe nhịp búa đều đều từ những hộ gia đình làm nghề dọc đường Châu Sơn. “Địa chí Hương Thủy” còn ghi: "Nghề rèn ở Hương Thủy được hình thành do một nhóm người từ làng Hiền Lương (Phong Hiền- Phong Điền) di cư đến, tính đến nay đã qua khoảng 400 năm. Dọc theo Quốc lộ 1A đều có lò rèn, nhưng tập trung đông nhất vùng ven cầu Vực (Thủy Châu) và được xem là trung tâm của nghề rèn ở Hương Thủy. Sản phẩm rèn Cầu Vực là các công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, như: cuốc, xẻng, dao, rựa, kéo, bào, lề, răng bừa, liềm... và đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tây Nguyên".

“Nghề của làng ni không chết được mô. Có nhà không còn đỏ lửa thường xuyên, có nhà không còn ai làm nghề nhưng họ đều giữ bệ, giữ lò. Con cái có làm chi đi nữa, nhưng khi cần là đỏ lửa lên ngay, vẫn gõ, vẫn quai như thường” - là chia sẻ của anh Huỳnh Thế Tiến (chủ cơ sở rèn Trường Tiến), trong lần đầu chúng tôi gặp nhau vào năm 2012. Trước đó, anh là chủ cơ sở rèn duy nhất của làng “máu me” viết đề án, bán đất, mượn tiền, xin vốn… để đỏ cho được lò rèn của gia đình. Mừng là nay trở lại, làng rèn Cầu Vực có rất nhiều chuyện vui: Các hộ dân làm nghề đều hơn, thêm cơ sở bán công nghệ được đầu tư, làng nghề được UBND tỉnh công nhận là “làng nghề truyền thống” và con cháu của làng nghề cũng đã có người được vinh danh là “Nghệ nhân”.

Anh Huỳnh Thế Tiến hiện là giáo viên ở một trường tiểu học trong thị xã. Ngoài giờ lên lớp, anh dành hết tâm huyết cho nghề rèn. Cái khó bó cái nghèo, thời điểm năm 2007, anh Tiến từng định “thả tay” do điều kiện kinh tế quá khó khăn, nhưng sau được thị xã động viên, tạo điều kiện viết đề án, tiếp cận các nguồn vốn và anh em bạn nghề chung tay, nên lại quyết tâm làm. Đến nay, từ việc đầu tư máy dập phôi, cơ sở Trường Tiến đã mở rộng hơn quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm máy dập trục khuỷu, máy tiện, máy cắt. Giữa câu chuyện của chúng tôi, âm thanh rõ nhất vẫn là những tiếng búa chan chát từ những bếp lò gần đó. Anh Tiến bảo, bây giờ ít nhà nào có thể lấy thu nhập chính từ rèn nhưng nghề vẫn sống. “Lạ lắm, đôi khi ngồi cả ngày ngoài chợ không bán được sản phẩm chi nhưng đêm về vẫn một hai phải đỏ lửa bếp rèn. Với người làng, đỏ bếp rèn không hẳn bởi kinh tế mà vì không cưỡng lại được ý thích muốn được làm nghề”, anh chia sẻ.

Trở lại làng rèn lần này, thêm chuyện vui để chúc mừng chủ cơ sở rèn Trường Tiến khi anh là người làng duy nhất được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nghề rèn truyền thống”, ghi nhận những sáng kiến, nỗ lực của anh trong quá trình gìn giữ và phát triển nghề rèn làng Vực. Hỏi anh cảm giác của “nghệ nhân” khác “anh thợ” như thế nào, anh chỉ cười: “Cũng chỉ là Huỳnh Thế Tiến cả thôi và khi mô cũng phấn đấu làm nghề cho giỏi, khi mô cũng cố gắng mở rộng cơ sở sản xuất và được chia sẻ kinh nghiệm với càng nhiều bạn nghề càng tốt”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghề xưa giữa chợ

Chiều nay, chương trình Hòa sóng cùng VOH, anh Hoàng Dũng, biên tập viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra chủ đề về những nghề xưa. Tôi đã kể về nghề dán áo mưa ở chợ Đông Ba.

Nghề xưa giữa chợ
Giữ “lửa” gia đình - kỳ 2: Cần sức đề kháng

Để gia đình thực sự là những “pháo đài”, “thành lũy” trước sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, trước thử thách và cám dỗ đời thường, bản thân mỗi gia đình cần phải tự tạo sức đề kháng cùng sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội.

Giữ “lửa” gia đình - kỳ 2 Cần sức đề kháng
Giữ lửa một phong trào

Gần tuổi 60, hơn 18 năm giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Giáp Đông (xã Hương Toàn, TX. Hương Trà), chị Nguyễn Thị Gái luôn hăng hái, nhiệt tình trong công tác hội, luôn làm đầu tàu, giữ lửa cho chị em hội viên làm tốt công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giữ lửa một phong trào
“Giữ lửa” cho tình yêu nghệ thuật

Giáo viên mỹ thuật là một bộ phận không thể thiếu trong đội ngũ giáo viên, bản thân họ cũng hết sức nghệ sĩ. Đó là cảm nhận của nhiều người khi được thưởng thức “phòng tranh” của những nhà giáo dạy mỹ thuật của huyện Phú Vang dịp 20/11 này.

“Giữ lửa” cho tình yêu nghệ thuật
Giữ lửa cho hôn nhân

Dù “bên này” một mực “nhờ tòa”, nhưng “bên kia” đã không còn tình cảm, không “giải pháp” nào hứa hẹn có thể hàn gắn cuộc hôn nhân, thì tòa cũng chịu...

Giữ lửa cho hôn nhân
Return to top