ClockThứ Sáu, 21/01/2022 05:26

Giữ nghề, nghề sẽ không phụ

TTH - Ngày giáp tết năm nay không còn hình ảnh xe đông lạnh xếp hàng dài thu mua. Người nuôi tôm thuê dù không mất việc, nhưng xuân này hẳn sẽ không ấm như những xuân trước.

Tôm thẻ chân trắng chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồngBảo vệ tôm thẻ chân trắngTôm nuôi được mùa

Chủ nuôi thua lỗ, người nuôi tôm thuê cũng gặp khó khăn

Gió lạnh ngày đông tạt qua từng cánh quạt xoay vòng tạo bọt tung trắng xóa trên mặt hồ, Sĩ ngồi bó gối trong lán trại, ánh mắt sâu thẳm. Đây là lần thứ 3 trong vụ đông này, Sĩ xuống giống và chăm sóc tôm nuôi cho chủ hồ. 2 lần trước, tôm chết trắng hồ.

Chàng trai chưa đầy 30 nhưng nước da lẫn ánh mắt khiến người ta lầm tưởng anh đã ngoài 40. Chừng ấy tuổi đời, nhưng Lê Văn Sĩ (xã Điền Hòa, Phong Điền) là một trong những người nuôi tôm thuê có thâm niên ở dải đất Ngũ Điền. Anh xòe hai bàn tay nhưng vẫn chưa đủ để đếm tuổi nuôi tôm của mình.

Sức vóc hơn người thường, Sĩ bén duyên với nghề nuôi tôm từ tuổi bẻ gãy sừng trâu, khi những doanh nghiệp đầu tiên chọn vùng đất Ngũ Điền làm căn cứ để đào ao thả tôm thẻ chân trắng. Bây giờ, doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người, những hồ nuôi hoang tàn trên dải cát, Sĩ vẫn nghề cũ nuôi sống gia đình. “Lúc trước làm cho các doanh nghiệp nuôi tôm, chúng tôi được trả lương theo công nhật. Bây giờ, nuôi tư nhân được trả lương theo tháng. Mỗi tháng 7 triệu đồng”, Sĩ chia sẻ.

Với nhiều người, 7 triệu đồng là số tiền không lớn, nhưng với những lao động nghèo bên vùng chân sóng, con số đó ổn định từng tháng đủ để trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày. Nuôi tôm thuê vì thế có sức hút đối với những lao động nhàn rỗi…

Có dạo, nhiều người bảo, nghề nuôi tôm thuê cứ ngỡ cực mà lại sướng. Ngoài lương, nếu vụ tôm trúng đậm, người nuôi được chủ hồ thưởng vài chục triệu đồng/vụ. Nhưng bây giờ, hàng trăm lao động lâm vào cảnh lo âu. Vụ tết năm nay, hồ trúng thì ít mà hồ rớt (tôm chết) thì nhiều. Hàng chục tỷ đồng cùng con tôm trôi theo dòng nước. Chủ hồ thiệt hại, đồng lương của người nuôi tôm thuê cũng bị ảnh hưởng, còn chuyện thưởng tết thì dường như quá xa vời.

“Nếu bình thường, thời điểm này tôm đã được xuất bán. Người nuôi tôm như chúng tôi cũng đã được nhận lương, thậm chí thưởng nếu nuôi đạt. Nhưng mấy đợt liên tiếp tôm chết, buộc phải cải tạo hồ và thả giống lại, chắc chắn trước tết sẽ chưa thể thu hoạch. Bởi chủ nuôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng nên việc trả lương vẫn phải chờ”, Nguyễn Thành (người nuôi tôm thuê ở xã Phong Hải, Phong Điền) cho biết.

Từ khi con tôm chân trắng bén duyên trên những vùng cát ven biển, đằng sau những hồ nuôi tiền tỷ hào quang thì ít nhưng lo toan thì nhiều. Nhiều chủ hồ “cược” cả cuộc sống và tương lai của gia đình vào con tôm. Còn người nuôi tôm thuê đối diện với những vất vả thấm vào đường gân, thớ thịt. “Thấy thế thôi nhưng nuôi tôm thuê rất vất vả. Ngoài phải thức đêm để canh tôm, dù tiết trời lạnh đến cỡ nào cũng phải lội xuống hồ vệ sinh và kiểm tra”, Sĩ nói.

Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nở rộ cũng là thời điểm hàng trăm lao động có việc làm. Người nuôi tôm cũng có thể lựa chọn vụ nuôi để công việc được thuận buồm xuôi gió. Thông thường, vụ đông là thời điểm các chủ hồ đồng loạt thả giống, bởi không chỉ khí hậu ủng hộ mà nếu thu hoạch tôm dịp trước và sau Tết Nguyên đán sẽ được giá. Do vậy, vụ tết cũng là lúc ưa thích của người nuôi tôm.

“Một vụ nuôi thông thường kéo dài từ 4-5 tháng. Mấy năm, vụ đông thường thuận lợi, tôm được mùa được giá. Chủ nuôi vui mừng, hào phóng khiến thu nhập của người nuôi kể cả lương, thưởng có khi đến gần cả trăm triệu đồng/vụ. Thu nhập này giúp người nuôi tôm có một cái tết đầm ấm và đầy đủ”, anh Lê Văn Tài (người nuôi tôm thuê tại xã Điền Hòa, Phong Điền) bày tỏ.

Tôm mất mùa là điều không ai mong muốn. Dù thất bát, song dưới mặt nước kia quạt sục khí đang chạy đều. Nhiều chủ hồ thua lỗ nhưng tình trạng “xù” lương người nuôi không diễn ra. Ông Nguyễn Thắng (chủ hồ nuôi tôm xã Phong Hải) cho biết: “Đây không phải là lần đầu cảnh tượng thua lỗ diễn ra đồng loạt, người nuôi tôm cũng đã tiên lượng trước. Sau những đợt tôm chết, chúng tôi cũng đã thả giống mới và chắc chắn sẽ giữ chân lao động. Dịp tết này, dù nhiều lao động không có tiền thưởng nhưng chủ hồ vẫn đảm bảo lương đầy đủ trước tết. Theo đuôi tôm phải chấp nhận rủi ro, chúng tôi thắng lớn, thì người nuôi tôm cũng sẽ hưởng lợi”.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, dẫu khó khăn những hồ tôm chân trắng vụ đông vẫn đang trong quá trình nuôi. Vừa qua, đơn vị này phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã tìm ra nguyên nhân bệnh đen mang ở tôm thẻ chân trắng nuôi tại Phong Điền làm tôm chết hàng loạt. Đây là tín hiệu vui đối với các chủ hồ nuôi cũng như những lao động nghèo bên chân sóng.

Dịch bệnh, mất mùa và nhiều thứ khó khác, tết này với lao động ở hàng trăm hồ nuôi tôm có thể không quá đủ đầy nhưng khi con tôm vẫn nằm trong tâm trí họ thì hẳn rằng nghề sẽ không phụ.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị

Gặt hái những “quả ngọt” từ các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dịch vụ, massage chăm sóc phục hồi sức khỏe đã trở thành nghề mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người mù, người khiếm thị.

Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị
Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù

Sau khi làng bún Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số hộ tham gia sản xuất càng tăng lên...

Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù
Khẳng định sự chuyên nghiệp trong tổ chức các lễ hội mang tầm quốc gia

Chiều 20/7, UBND TP. Huế tổ chức hội nghị tổng kết Festival Nghề truyền thống (NTT) Huế 2023. Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định; Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival NTT Huế 2023 Võ Lê Nhật; lãnh đạo thành phố, các đơn vị tài trợ và các nghệ nhân, làng nghề trên địa bàn.

Khẳng định sự chuyên nghiệp trong tổ chức các lễ hội mang tầm quốc gia
Return to top