ClockThứ Ba, 03/12/2019 13:15

Giữ nghề, tạo việc làm

TTH - Đào tạo nghề gắn với tạo công ăn việc làm là cách làm hiệu quả của mô hình việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật A Co và Hợp tác xã dệt may thổ cẩm A Co (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới).

Cơ hội mới cho người khuyết tậtTìm giải pháp để phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồngNhững “bông hoa khuyết” lặng lẽ tỏa hương

Phụ nữ A Lưới tham gia lớp học may thuộc Mô hình việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật A Co

Phát triển nghề truyền thống

Là những học viên đầu tiên của mô hình việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật A Co, đến nay hai chị Hồ Thị Sỹ và Lê Thị Thảo (Hồng Thượng) đã trở thành thợ dệt Zèng lành nghề và có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia vào Hợp tác xã dệt may thổ cẩm A Co.

Theo các chị, công việc dệt Zèng không quá nặng nhọc và phù hợp với phụ nữ khi chỉ chiếm một phần thời gian, có thể tranh thủ làm thêm các công việc khác của gia đình. Ngoài công việc tại hợp tác xã mang lại thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng, các thợ dệt có thể nhận một số đơn đặt hàng theo nhu cầu của người dân địa phương để cải thiện kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dệt may thổ cẩm A Co thông tin, hợp tác xã có 15 thành viên, trong đó có 10 học viên tốt nghiệp từ mô hình việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật A Co. Hiện nay, hợp tác xã đã kết nối với Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật - TEKK Hy Vọng để đảm bảo đơn hàng dệt Zèng thường xuyên cho các thợ dệt; mang lại doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn nhiều đơn hàng không thường xuyên khác như thủ công mỹ nghệ và may mặc ổn định việc làm cho các học viên tốt nghiệp từ mô hình đào tạo việc làm.

“Các sản phẩm được gia công từ Zèng của hợp tác xã đều chuyển đến các thành phố lớn để tiêu thụ và được khách hàng đánh giá cao. Hợp tác xã không chỉ là nơi tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống độc đáo này - đó là mục tiêu cao nhất tôi hướng đến”, bà Hồng chia sẻ.

Đào tạo thế hệ trẻ

Cùng với việc thành lập Hợp tác xã dệt may thổ cẩm A Co, bà Nguyễn Thị Hồng còn phối hợp với tổ chức We Effect (Thụy Điển) triển khai mô hình việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật A Co từ năm 2015, gồm 3 nghề đào tạo: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; dệt tay truyền thống và dệt bán thủ công; may mặc.

Với mục tiêu đào tạo cho thanh niên, đặc biệt là phụ nữ và người khuyết tật trở thành những người thợ có tay nghề vững vàng, có tinh thần kỷ luật, có kỹ năng sống và khả năng tự lực, hiện trung tâm đào tạo miễn phí cho khoảng 100 học viên mỗi năm dựa trên nguồn hỗ trợ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, các tổ chức phi chính phủ.

Chị Hồ Thị Ết (xã Đông Sơn), học viên vừa tốt nghiệp khóa học may của trung tâm chia sẻ, bản thân luôn ấp ủ dự định học nghề may để có việc làm ổn định nhưng gặp khó khăn về kinh phí. Sau thời gian học tại trung tâm khoảng 3 tháng, chị đã nắm vững kiến thức may cơ bản và có thể nhận một vài đơn hàng đơn giản.

“Trong thời gian học nghề, chúng tôi được trung tâm tạo điều kiện nhận may và sửa chữa một số áo quần đơn giản để trang trải chi phí học tập. Tôi sẽ tiếp tục tham gia các khóa học nâng cao khác để cải thiện tay nghề, có được công việc ổn định để phụ giúp gia đình thay vì công việc chăn nuôi, trồng trọt trước đây”, chị Ết hồ hởi kể.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc liên kết giữa mô hình đào tạo nghề và hợp tác xã tạo điều kiện thuận lợi để học viên có cơ hội “vừa học, vừa làm”, là động lực để chị em bám trụ với nghề. Không chỉ đào tạo về kỹ năng, trung tâm mong muốn góp phần thay đổi nhận thức cho thanh niên vùng núi, từng bước trở thành lực lượng lao động chuyên nghiệp, có tác phong và kỷ luật lao động tốt, được các công ty tuyển dụng đánh giá cao.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao sinh kế, tạo việc làm

Chỉ tiêu Phú Vang đưa ra, đến cuối năm 2023, dự kiến 161 hộ thoát nghèo, nhưng các địa phương đăng ký phấn đấu giảm 300 hộ. Các công tác hỗ trợ đang được đẩy mạnh để người dân giảm nghèo bền vững (GNBV).

Trao sinh kế, tạo việc làm
Điểm tựa của phụ nữ khuyết tật

Vượt qua rào cản khuyết tật, nỗ lực vươn lên không ngừng, với sự đồng hành của các Câu lạc bộ dành cho phụ nữ khuyết tật (CLB PNKT), nhiều chị em phụ nữ đã tìm được công việc phù hợp và dựng xây cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Điểm tựa của phụ nữ khuyết tật
Giữ nghề đan thuyền nan

“Nghề làm thuyền nan không khó nhưng phải tỉ mỉ, cẩn thận bởi để làm ra một chiếc thuyền nan phải qua nhiều công đoạn, đặc biệt tuổi thọ của chiếc thuyền phụ thuộc vào sự cẩn thận của người thợ”, anh Nguyễn Văn Huy (42 tuổi, Phú Diên, Phú Vang) chia sẻ về công việc làm thuyền nan của mình.

Giữ nghề đan thuyền nan

TIN MỚI

Return to top