ClockThứ Ba, 29/10/2019 06:30

“Giữ” Ngự Bình cho Huế

TTH - Để Ngự Bình trở thành điểm dừng chân quen thuộc của người dân Huế và du khách, chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế cần phải sớm vào cuộc, chung tay “giữ” Ngự Bình cho Huế.

Cấm địa Ngự Bình

Núi Ngự Bình nhìn từ khu vực tượng đài vua Quang Trung. Ảnh: TH

Trong trục thần đạo của tổng thể kiến trúc Kinh thành Huế, núi Ngự Bình là điểm cuối phía Nam. Trước đó, từ thế kỷ XVII, Hòn Mô (tên nguyên thủy của Ngự Bình) đã được Ngãi vương chọn làm “tiền án” khi dịch chuyển thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân. Theo TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, chức năng tiền án thiêng liêng đó càng được khẳng định khi vua Gia Long tái lập vương triều Nguyễn và xây dựng kinh đô Huế. Vua Gia Long cũng chính là người đã ban tên Ngự Bình cho Hòn Mô, với tục danh Bằng Sơn. Năm 1838, vua Minh Mạng du sơn, tổ chức đãi yến quan viên trên núi nhân tiết Trùng cửu (9/9), bắt đầu tạo nên lệ “đăng lâm” (lên núi cao ngắm cảnh) hàng năm.

Ngự Bình luôn được các vua quan tâm việc bảo vệ và trồng bổ sung cây xanh. Dưới thời vua Bảo Đại, núi Ngự Bình được thiết lập một “vùng bảo vệ” (Ngoại Cấm), định vị bằng một hệ thống cột đặt dọc theo con đường đi quanh dưới chân núi Ngự Bình. Trong giới hạn này, triều đình nghiêm cấm việc đào đất, khai thác đá, đào giếng, chặt thông và việc gây ra hỏa hoạn vì bất kỳ lý do gì…

Cách đây hơn 40 năm, sau khi chứng kiến cảnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng nề trong cơn đại hồng thủy tháng 10/1975, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp lúc bấy giờ: “Phải vào ngay thiết kế và tổ chức thi công trồng thông ở khu vực Ngự Bình…”. Kể chuyện trồng thông ở Ngự Bình ngày đó, tác giả Nguyễn Hoàng Bích còn cho biết, khi đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp vào Huế bắt đầu việc khảo sát, thiết kế và trồng rừng khu vực Ngự Bình theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Hoàng Anh, người con ưu tú của xứ Huế, đã căn dặn phải hết sức tôn trọng ý nghĩa, giá trị lịch sử của Ngự Bình và không nên có những tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo của núi Ngự.

Đáng tiếc, từ một địa danh được người xưa tôn trọng đặc biệt như thế, nhưng Ngự Bình hiện không còn giữ được vị thế của một thắng cảnh độc đáo xứ Thần Kinh. Quản lý lỏng lẻo, phân liệt và thiếu quy hoạch, nên suốt một thời gian dài, người dân TP. Huế đã biến vùng triền đồi dưới chân núi Ngự Bình thành nghĩa địa. “Việc giữ Ngự Bình cho Huế không chỉ đơn giản là gìn giữ cảnh quan cho thắng cảnh này, mà quan trọng hơn là làm sạch nguyên khí mặt tiền phương Nam, là giữ “hơi lành”, điểm “tụ khí thiêng” cho bức bình phong “tiền án” đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện này”, ông Trần Đình Hằng nói.

Theo ông Hằng, trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, Thừa Thiên Huế có thể linh động quy hoạch khu vực nhất định tính từ đỉnh núi Ngự trở xuống. Di dời tập trung toàn bộ mồ mả trong khu vực rìa chân núi. Mở các đường lên, xuống núi Ngự với những hình thức phù hợp và biến Ngự Bình thành điểm dừng chân ngắm cảnh, thưởng lãm thiên nhiên cho du khách và người dân địa phương. Đồng thời, khởi động trở lại quy chế trồng, chăm sóc và bảo quản thông trên núi Ngự Bình... cũng là việc thiết yếu để tạo lập một không gian văn hóa nơi đây. Nếu quyết tâm làm theo hướng chiến lược như vậy, tỉnh hoàn toàn có thể giao cho các đơn vị tư nhân và định hướng họ tổ chức hoạt động theo quy hoạch.

“Những dịch vụ giải khát nhẹ nhàng và sinh hoạt văn hóa phù hợp, như: cắm trại đọc sách, ngắm trăng, ngắm cảnh Huế xa qua các loại hình kính viễn vọng… đều là những hoạt động kinh doanh phù hợp, đặc sắc và có thể “hái ra tiền” để trở lại phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ cảnh quan vùng núi Ngự Bình. Tạo thêm không gian đẹp cho Huế bằng cách làm sạch và làm sáng Ngự Bình, chính là việc cần thiết để chúng ta thể hiện sự tôn trọng với Huế xưa và Huế nay, giải quyết hài hòa vấn đề bảo tồn và phát triển”, TS. Trần Đình Hằng nhắn nhủ.

THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top