ClockChủ Nhật, 02/01/2022 06:37

Giữ nguồn cội

TTH - Văn hóa làng, xã khởi nguồn cho đạo lý sống muôn người. Thời gian dẫu làm phai mờ nhiều thứ, nhưng luật tục, lệ làng một thuở ngày nay vẫn còn hiện diện, như sợi dây gắn kết, “níu giữ” đạo đức, nguồn cội.

Châu ChữNỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”Khuyến học ở làng văn hóa Xuân Tùy

Tế tổ làng nghề truyền thống

Cái bàn tròn 10 người ngồi được trải khăn tươm tất, đặt ở vị trí trang trọng ngay giữa nhà. Bình trà thoảng mùi thơm, hơi nóng phảng phất trước những gương mặt nghiêm nghị. Anh Sang rót nước chưa tròn vòng lại phải đi châm. Dù tiếng cười rộn rã, tư thế ngồi của các vị cao niên vẫn rất nghiêm trang… Nước trà tròn vòng, anh Sang từ tốn đứng thẳng người, đon đả: “Mời quý bác dùng trà”.

Câu chuyện nghe chừng chẳng có gì thú vị nhưng anh Sang bảo, quê ở Đà Nẵng, hơn chục năm làm rể ở vùng đất này, anh mới am hiểu rồi nằm lòng những chi tiết lệ làng đã trở thành chuẩn mực của người bản địa. Ở ngữ cảnh trên, anh Sang có thể dùng những từ khác để mời trà các vị cao niên như, mời các bác dùng trà nhưng ở làng Phù Bài (Hương Thủy), Sang cần trịnh trọng hơn, phải là “quý bác”, nếu không sẽ nhận lại những cái cau mày đầy ẩn ý.

Với nhiều người, lệ làng như sản phẩm của hồi ức cổ hủ, tàn dư của phong kiến. Phù Bài - vùng đất xưa một làng, nay một xã lưu giữ khá nhiều tập tục như thế, điều lạ là đến bây giờ lại trở thành “cương lĩnh” cho con dân. Không ít người dè bỉu bảo thủ, nhưng hơn 500 năm từ khi ngôi làng ấy xuất hiện, những thiết chế văn hóa cũ vẫn tồn tại cho đến nay.

Đạo đức, gia tộc ở Phù Bài luôn được bảo lưu phát huy, bởi thế mà khi ngẫm lại, những ai dè bỉu cũng phải thừa nhận, luật tục tồn tại trước thực tiễn thì điều đó không sai. Trong đó, các vị trưởng họ, trưởng làng phải là những người chuẩn mực về đạo đức. Bây giờ dù thế hệ trẻ làng Phù Bài được tiếp cận với đời sống hiện đại, song lời răn dạy về truyền thống giữ gìn đạo đức của các thế hệ cha ông vẫn lưu giữ.

Mỗi vùng đất có mỗi trầm tích; mỗi làng quê mang trong mình một câu chuyện; hương ước, luật tục làng, xã cốt cũng giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp. Trong một lần trò chuyện, nhắc đến lệ làng, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh bảo, không ai tỏ tường tất cả, nhưng có một điều chắc chắn, thực tiễn đã giúp con người loại bỏ những tục lệ không phù hợp. Những giá trị về văn hóa, đạo đức của người Huế không chỉ được trân quý ngay tại nơi sản sinh ra mà còn được lưu giữ ngay ở những vùng đất mới.

Lời dạy của người xưa bằng nhiều cách khác nhau lưu truyền trong nhân gian, văn hóa làng, xã cũng được sử sách phác họa. Chỉ một dẫn chứng trong tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An cũng giúp nhiều người có cảm giác lý thú khi nghĩ đến những làng quê yên bình ở Phong Điền: “Về người thì nam vẫn cương cường, nữ quen mềm mại. Tiếng nói giống Châu Hoan, y phục so với Trung Hoa chẳng khác... Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc. Hạ tới mở tiệc tàng quy ca múa tưng bừng... Lễ tang thì chôn cất nhanh chóng, không có lễ cúng sớm cúng chiều để thờ phụng cha mẹ. Tế lễ thì chuộng lập đàn trai bạt, đến sạt của hàng vạn hàng muôn, ngõ cầu cạnh Phật. An táng thì ca múa ở trước linh cữu, tên gọi đưa linh. Giỗ đầu thì cúng tế vào lúc gà gáy canh đầu, gọi tên là giỗ trộm. Còn như hội họp ở đình thì sớm nhóm chiều mới tan, tiêu phí cả năm sau. Nơi ca múa thì gióng trống thúc cờ vui nhộn cả đêm. Lễ nạp cống chỉ dùng đồng tiền mắt ngỗng làm đồ dẫn cưới. Mỗi khi cầu đảo thì dùng lễ mọn con gà mà bày nghi lễ hát ca...”

Chính sự biến thiên của thời cuộc khiến quá trình xen canh xen cư diễn ra nhiều nơi. Ở đó có sự giao thoa, hội nhập văn hóa. Cô bạn gốc làng Phước Yên (Quảng Thọ, Quảng Điền) sống nhiều năm ở Đà Lạt bảo rằng, chuyện người Phước Yên xây dựng Cô đàn ở vùng đất mới như là sự thiên di văn hóa. Việc làng của người Phước Yên hàng năm có dịp trao đổi ngay trên đất khách… Nhắc đến chuyện này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế thông tin, cư dân làng Phước Yên xây dựng thiết chế văn hóa tâm linh của cộng đồng làng bằng việc xây dựng “Cô đàn” từ năm 1971. Khi vào Đà Lạt, họ theo phong tục của làng cũ xây dựng Cô đàn nơi vùng đất mới. Cô đàn là một thiết chế tâm linh của người Việt, thường được thiết lập ở các địa vực dân cư với mục đích thờ cúng những vong linh không nơi nương tựa của người dân bản địa, tiền chủ của vùng đất hoặc người làng từng sống nhiều đời nhưng do không có con cháu nối dõi nên không còn ai thờ cúng, trong đó có cả những người từ nơi khác qua đời ở trong địa phương, không ai hương khói.

 “Người dân Thừa Thiên Huế ở Đà Lạt luôn trân trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đã hình thành từ bao đời nơi cố hương mà lớp người đi trước đã mang theo trên bước đường di dân lập ấp nơi vùng đất mới. Không chỉ người Phước Yên xây dựng Cô đàn, người làng Kế Môn (Điền Môn, Phong Điền) ở Đà Lạt cũng giữ lệ lộn gươm… Mạch sống tinh thần của người dân xa quê luôn được kết nối bằng những hoạt động văn hóa thông qua lệ tục, tín ngưỡng làng, xã. Văn hóa dân gian truyền thống làng, xã là mối dây thắt chặt tình đoàn kết của những dân ly hương”, ông Thế chia sẻ.

 “Ly hương bất ly tổ”, người dân Thừa Thiên Huế không bao giờ quên văn hóa nguồn cội của quê hương. Người làng Thế Mỹ (Phong Điền) thậm chí đã đem “Huyền sử khe Long” sang tận nước Mỹ xa xôi. Khe Long chính là dấu ấn văn hóa đang tồn tại ở các làng quê ven biển. Hàng năm, khi hương xuân vẫn còn phảng phất, dân làng biển tổ chức cúng thần khe. Tục lệ ấy được gìn giữ cho đến nay như để tưởng nhớ tổ tiên đã khai canh vùng đất. Bởi vậy mà một bộ phận cư dân làng Thế Mỹ mang luôn tục lệ này sang xứ cờ hoa. Không chỉ cúng Thần khe, tục cúng xóm, cúng họ cũng được diễn ra trên đất khách. Đó không chỉ là dịp dân làng quần tụ, giao lưu, chia sẻ những điều trong cuộc sống mà còn như cách giữ đạo ở xứ người.

Dẫu cuộc sống luôn đổi thay, nhưng khi rảo bước ở những con đường làng, cảnh quê vẫn cứ yên bình, luật tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ. Và đặc biệt, những nét văn hóa ấy đang được lan tỏa muôn nơi.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng
Giữ sạch bãi biển mùa hè

Những ngày hè, khá đông khách đổ về các bãi biển để tắm mát, thưởng thức hải sản... Điều này cũng khiến các địa phương có biển phải chú trọng hơn đến công tác giữ sạch vệ sinh môi trường, giữ điểm đến ấn tượng trong lòng du khách.

Giữ sạch bãi biển mùa hè
Ngược sóng giữ mùa xuân.

Mùng 5 tết, tôi nhận tin nhắn của một Thiếu úy hải quân, thuộc Vùng 3 Hải quân: “Tạm biệt đất liền. Chúng tôi chuẩn bị ra khơi canh biển”, xúc động chợt dâng đầy.

Ngược sóng giữ mùa xuân
Giữ tranh quý cho Huế

Chưa khi nào việc sưu tập tranh, đặc biệt là các tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu có nhiều gắn bó với cùng đất Cố đô được Bảo tàng Mỹ thuật Huế thực hiện rốt ráo như bây giờ. Có lẽ, nếu không xúc tiến nhanh, cơ hội giữ lại những tác phẩm của đại diện cho trung tâm mỹ thuật lớn, có truyền thống lâu đời sẽ vơi dần theo thời gian.

Giữ tranh quý cho Huế
Return to top