ClockChủ Nhật, 07/02/2016 21:16

Giữ rừng

TTH - Bằng một bản giao ước, hàng trăm năm nay, các họ ở làng Nam Trường, xã Vinh Giang (Phú Lộc) thay phiên canh giữ khu rừng cấm lưu truyền với cái tên Huyền Vũ, khu rừng nguyên sinh của làng bên chân đầm Cầu Hai.

Một cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm ở rừng Huyền Vũ. Ảnh: M.Văn

Báu vật của làng

Nam Trường hiện ra trước mắt chúng tôi như hình con chim hạc, trải dài một màu xanh với nương vườn, ruộng lúa, bờ tre trông thật bình yên đến lạ. Hỏi về lai lịch khu rừng cấm, Trưởng thôn Hoàng Trí vui vẻ mời đến thăm ông Nguyễn Ngọc Mễ, một giáo chức về hưu, 78 tuổi, cũng là cựu trưởng làng qua nhiều năm đã dày công nghiên cứu vùng đất này để chúng tôi hiểu thêm. Theo ông Mễ, trước khi chính thức hạ trại lập làng Nam Trường vào đời Lê Cảnh Hưng (1750-1870) đã có một số dân cư về sinh sống ở vùng này. Họ là con dân Thanh Hóa theo chân vua Nam tiến mở cõi. Để ghi lại hành trình trong những ngày đầu rời quê cũ, những người khai khẩn đã lấy tên làng Nam Trường. Khu rừng Huyền Vũ hình thành từ những năm sau đó. Thắc mắc về cái tên Huyền Vũ, ông Mễ giải thích, Huyền Vũ là tượng trưng cho rùa, biểu trưng của sự chở che, trường tồn nên cái tên ấy được lưu truyền đến hôm nay.

Vào những năm chiến tranh khốc liệt, rừng Huyền Vũ bị mưa bom, bão đạn nhưng vẫn hiên ngang bảo bọc nuôi quân cách mạng. Nó vững chãi như bức thành trì, là hậu cứ quan trọng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau khi vượt ngục từ Ban Mê Thuột trở về vào cuối năm 1942, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy lâm thời để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh hoạt động cách mạng của mình.

Rừng Huyền Vũ rộng hơn 5ha, xung quanh được bao bọc bởi những ngôi vườn rau, vườn chè xanh mướt, điểm xuyết những ngôi nhà bê tông với nhiều dáng đẹp. Đường vào rừng chỉ là lối mòn, hai bên được điểm nhiều sắc hoa dại từ sim, mua đến dũ dẻ... Vào sâu hơn, cái nắng ban trưa mất hẳn. Những tia nắng mặt trời không đủ xuyên qua những tán cây rậm của rừng. Lúc này tôi cảm thấy mát lạnh và tự nhủ trong khi nhiều khu rừng có người quản lý, có cơ quan chức năng bảo vệ vẫn bị chặt phá thì rừng Huyền Vũ làng Nam Trường lại tồn tại từ đời này sang đời khác, với hàng trăm cây gỗ lớn da xanh rêu, như rỏi, bứa, trâm, cà ôi....; trong có nhiều cây bò tó gỗ quý hơn kiền kiền một người ôm không xuể. Mà lạ, không biết thuở khai đất lập làng, tổ tiên đã nhắm thế nào mà Huyền Vũ giờ đây như bức bình phong điều hòa khí hậu mát mẻ, chắn gió bão và trở thành báu vật của làng.

Giữ lời người xưa

Ông Phan Viết Hiền, Chủ tịch UBND xã Vinh Giang cho biết các bậc cao tuổi ở làng Nam Trường thường truyền tai nhau câu “rừng tan thì làng mạt” để răn dạy con cháu về sự tồn tại của ngôi làng trước sự thay đổi của thiên tai khắc nghiệt. Đó là lý do khiến rừng Huyền Vũ ltrường tồn, xanh tốt qua thời gian.

“Tôi đoán chắc không nhiều làng quê ở đâu lại có khu rừng nguyên sinh thoải mình bên chân đầm đẹp như ở Vinh Giang này”. Ông Võ Hữu Khinh, trưởng làng Nam Trường đứng bên khu rừng Huyền Vũ nói. Nam Trường có gần 300 hộ tạo nên một quần thể dân cư hài hòa đẹp mắt bao quanh khu rừng xanh thẳm. Có lẽ vì làng có rừng bao bọc nên nhà nào cũng có ô vườn với rau màu, cây trái bốn mùa tốt tươi, sum sê. Ở các cổng, ngõ vào sân vườn nhà đều tỉa tót xinh xắn. Ông Khinh cho rằng, xưa tổ tiên sống bên rừng, thờ thần nữ Y Ana linh hiển nên những giao ước giữ rừng đã có từ xưa lưu lại đến bây giờ: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt phá, lấy củi làm than. Cấm dân làng vào chôn cất mai táng. Ai vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nghiêm trọng hơn là đuổi ra khỏi làng”. Nguyên tắc bất di bất dịch ấy lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ trẻ đến già đều nghiêm lệnh. Mấy chục năm nay kể từ ngày thống nhất đất nước Nam Trường không quên đưa nội dung ấy vào hương ước của làng văn hóa để giữ rừng Huyền Vũ xanh tươi bốn mùa.

Góp chuyện sau hành trình thăm khu rừng Huyền Vũ trở về, Trưởng thôn Hoàng Trí nói thêm, trong ký ức của những người cao tuổi trong làng, những trận bão cát ngày xưa rất khủng khiếp. Nhiều nơi, do thiên tai xảy ra hiện tượng cát bay cát nhảy vùi lấp nhiều ngôi làng, nhưng ở Nam Trường là xứ cát, lại nằm cạnh phá Cầu Hai luôn trụ vững. “Nếu khu rừng này bị tàn phá thì làng Nam Trường biến mất. Dân có giữ được rừng thì rừng mới giữ được làng. Khu rừng này cũng giống như điểm tựa lưng của ngôi làng mà bao đời ông cha chúng tôi lớn lên từ đây”-ông Trí chiêm nghiệm.

Qua giờ trưa, trưởng làng Võ Hữu Khinh ghé vào tai tôi chân tình, Tết này nếu rỗi rãi mời chú về Nam Trường chơi để thấy ngày xuân ở xứ cát này rộn rã thế nào. Theo lời ông Khinh, cứ vào ngày mồng 5, hoặc 6 tháng Giêng là dịp hội làng mà con dân dù ở đâu, làm gì cũng tìm về. Người góp công, người góp của để sắm các lễ vật cúng bái những bậc tiên hiền, nhớ ơn người khai hoang lập đất và nguyện cầu tạ ơn thánh mẫu Y Ana tại khu rừng Huyền Vũ, với chiêng, trống, kèn, mũ mão rất tôn nghiêm. “Dù Nam Trường có đổi thay đến đâu, chúng tôi vẫn giao ước cho con cháu giữ đúng nếp gia phong, giữ đất, giữ làng và giữ rừng như đúng lời người xưa vậy”, ông Kinh nói lúc chúng tôi chia tay.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top