ClockThứ Bảy, 06/08/2016 14:16

Giữ rừng liên tỉnh

TTH - Tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, các cán bộ kiểm lâm liên thông để bảo vệ rừng dù đó là ở Nam Đông, Phú Lộc hay Quảng Nam…

Cán bộ Trạm Kiểm lâm núi Mang vượt suối tuần tra rừng

Bằng những giọt mồ hôi và cả máu, những người của Trạm Kiểm lâm núi Mang (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã) đứng chân tại xã Sông Kôn (Đông Giang - Quảng Nam) đã tạo nên “lá chắn” để bảo vệ từng gốc cây giữa đất trời xứ Quảng.

Trả nợ rừng xanh

Trời vừa hửng sáng, chị Hoàng Thị Ngọc Quý nhìn chồng cười hiền rồi nhanh chóng xách giỏ đi chợ. Cưới nhau được 1 năm nhưng thời gian thực sự ở bên nhau chỉ già hơn 10 đầu ngón tay. Việc Anh Lê Văn Trèn (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Núi Mang) bén duyên với lâm nghiệp khiến những bữa cơm cùng gia đình như là điều xa xỉ. “Chú ngồi chơi, tui ra chợ mua thứ chi tươi ngon về đãi… chồng. Lâu lâu anh mới về”, chị Quý chào gọn trước khi cất bước.

Lực lượng tuần tra còn có cả thanh niên địa phương 

Sinh ra trong một gia đình gồm 3 chị em. Từ nhỏ, Trèn theo bố ra đầm bắt cá; theo mẹ vượt đồi chặt củi bán kiếm cơm. Trèn vào cấp ba, gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, bố Trèn trở thành lâm tặc, vận chuyển gỗ cho các chủ cội gỗ. “Từ hai giờ sáng, bố tôi đã dậy bới theo nắm cơm muối vào rừng Bạch Mã vác gỗ thuê, đêm mới về nhà. Mỗi lần như thế, lưng bố đẫm mồ hôi, hai vai trầy xước, rướm máu. Ngày nào trót lọt có tiền đong được lon gạo, tích cóp đóng học phí cho 3 chị em. Nhưng nếu ngược lại, công sức một ngày lao động nặng nhọc coi như toi”, anh Trèn tâm sự.

“Việc làm của bố là vi phạm pháp luật, nhiều đêm tôi tủi thân, nằm khóc một mình, tâm sự cùng bố. Bố cũng bảo việc làm đó là sai trái nhưng biết làm sao, vì mưu sinh nên phải làm. Tôi hiểu, thông cảm cho bố và thầm nhủ ngày nào đó sẽ thay bố gánh vác món nợ với rừng xanh. Đến năm 2003, bố không vận chuyển gỗ lậu nữa. Cùng lúc đó tôi thi đỗ vào ngành lâm nghiệp. Ra trường, công tác ngay tại địa bàn một thời bố tôi lầm lỗi. Tôi tình nguyện đến những địa bàn xa xôi, mang sức trẻ, nhiệt huyết để giữ rừng, bù đắp lỗi lầm mà bố từng vấp phải”, anh Trèn giải bày.

Dựng lán trại trong rừng sâu để canh giữ rừng

Vừa dứt lời, anh nhận điện thoại của một đồng nghiệp ở trạm, thở dài: “Anh em trong đó sốt ruột nên gọi, sáng mai tôi lại vào sớm rồi. Thường xuyên xa nhà nên thời gian gần vợ rất ít, vợ thường khóc mà tôi cũng chẳng biết nói thế nào”.

Cũng giống như Trèn, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Núi Mang Nguyễn Cao Cường (sinh năm 1982) vì nghiệp giữ rừng phải rời xa gia đình, con cái phó mặc cho vợ. “Vợ buồn con trông nhưng biết làm thế nào. Suốt tháng không thấy mặt con, mọi trách nhiệm đổ lên vai vợ. Nghe con hỏi bố răng đi lâu rứa mà ứa nước mắt, chỉ biết dặn vợ bảo ban, dạy dỗ con cái thật tốt khi chồng vắng nhà”, anh Cường bày tỏ.

Nơi đất khách, quê người

Trạm Kiểm lâm Núi Mang thành lập năm 2008, quản lý 3.017ha gồm 3 tiểu khu 42, 55, 56, phân tách bởi 3 ngọn khe lớn: khe Đỏ, khe Trắng, khe Dâu và rất nhiều khe nhỏ thuộc các xã vùng đệm: Sông Kôn, Ating, Tư và Ta Lu của huyện Đông Giang, Quảng Nam. Đây là vùng đồi núi hẻo lánh với hai đỉnh cao nhất Bạch Mã mà người dân địa phương thường gọi là núi Anh cao khoảng 1.712 m và núi Em cao khoảng 1.486 m so với mực nước biển.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, hệ động thực vật rất phong phú nên công việc của các cán bộ kiểm lâm nơi đây càng thêm nặng nhọc. “Chúng tôi tuần tra theo hình hoa thị, tuần tra phủ hoặc tuần tra hình xương cá nhằm trải dài trên diện tích rộng để phát hiện kịp thời các vùng rừng bị tác động và xử lý nhanh chóng với phương châm bảo vệ tận gốc cây”, anh Lê Văn Trèn cho biết.

Cũng do địa hình phức tạp nên các cán bộ Trạm Kiểm lâm Núi Mang liên tục đối mặt với những lời đe dọa, miệt thị, uy hiếp bằng hung khí của lâm tặc. “Nhiều lần chúng tôi bị lâm tặc dùng dao rựa, gậy, gộc, dọa chém giết, thuê giang hồ chặn đường ra Huế của anh em. Năm 2010, anh Võ Trọng Hảo bị lâm tặc tấn công khi đi làm nhiệm vụ, hay tổ bảo vệ rừng của Bạch Mã ở thôn Pazíh, xã Ating bị một số đối tượng lâm tặc tấn công khi tuần tra, hai người trong tổ bảo vệ rừng là ông Pơloong Nai, Clâu Crơi bị lâm tặc khống chế, treo người lên đánh đập dã man”, anh Lê Văn Minh (kiểm lâm viên của trạm) chia sẻ.

Để tiếp cận hiện trường, kiểm lâm viên phải cuốc bộ hơn 6 tiếng đồng hồ mới đến các tiểu khu rừng. Trạm kiểm lâm chỉ là nơi tập trung chỉ huy lực lượng, anh em phải tỏa ra các chốt chặn để tuần tra. Điều kiện làm việc có tính đặc thù như vậy nhưng một số chế độ như công vụ chưa đáp ứng, đời sống cán bộ kiểm lâm của Vườn cũng gặp những khó khăn nhất định.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã có chế độ luân chuyển, trong đó có cả lực lượng người địa phương. Ngoài lực lượng kiểm lâm, chúng tôi còn phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ sở tại và người dân địa phương để giữ rừng  

Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã

Sống và làm việc nơi đất khách, trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa khiến họ trở nên lạc lõng giữa chốn rừng xanh. 90% người dân sống tại khu vực này là đồng bào dân tộc Cơ Tu của Quảng Nam, để giao tiếp, phối hợp giữ rừng, cán bộ kiểm lâm phải tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Cơ Tu. “Có lần thấy đồng nghiệp vo gạo nấu cơm cho nước hơi nhiều, tôi nhắc tẻ bớt nước. Người Cơ Tu chứng kiến cảnh đó liền tỏ ra không hài lòng, giận chúng tôi cả tuần. Hỏi mới biết, họ kiêng từ “tẻ”, dùng từ đó là xúc phạm. Buổi sáng, chúng tôi có khoảng một tiếng để đi chợ phiên mua thức ăn, nếu không dậy kịp đi chợ thì ngày đành ăn rau rừng. Những lần tuần tra bắt gỗ, giáp mặt với người dân địa phương, có người miệt thị “Chúng bay là người Huế, ra Huế mà giữ rừng. Đất này không phải của Huế”, nghe, ai cũng cảm thấy bị tổn thương”, anh Cường tâm sự.

Theo các cán bộ kiểm lâm tại đây, khó khăn nhất khi công tác tại núi rừng phía đất Quảng Nam đó là diễn biến bất thường của thời tiết. Trong quá trình tuần rừng, những trận mưa ào ào đổ xuống, các đợt không khí lạnh tràn về, con suối hiền hòa bỗng chốc như thác đổ, cuốn phăng những tảng đá nặng cả tấn. Lê Văn Trèn cho biết: “Những ngày tháng giêng, tháng hai đi tuần người ướt đẫm, lội suối lạnh buốt, ngủ trong trại trời quá rét nên đành thức trắng; hay gặp những con rắn độc lơ lửng trên đầu, thậm chí dẫm lên chúng, tuy là những người trong nghề nhưng gặp trường hợp đó ai cũng xanh mặt”.

Tuần tra dài ngày trong rừng sâu, không sóng điện thoại, không thông tin liên lạc, anh em ai cũng thấy cô đơn. Không biết ở nhà ba mẹ, vợ con mình ra sao. Rồi những lúc bận công tác, ba mẹ, vợ con đau ốm, trái gió trở trời không thể ở bên để quan tâm, chăm sóc, động viên”, anh Quý trải lòng.

Màu xanh của đỉnh Bạch Mã thấm đẫm mồ hôi của cán bộ Trạm Kiểm lâm Núi Mang. Họ gác lại nỗi buồn cá nhân lẫn ưu tư của vợ con để ngày đêm canh giữ từng gốc cây. Tôi nhớ, trước khi xách ba lô đi về phía núi, anh Trèn lại hát tặng vợ những câu trong bài “Một đời người, một rừng cây”...

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và chúc tết lực lượng bảo vệ rừng vùng sâu, vùng xa

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 3/2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức thăm, tặng quà gia đình liệt sỹ Võ Tự Lực, nguyên công chức Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thuỷ đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thăm và chúc tết lực lượng bảo vệ rừng vùng sâu, vùng xa
Bảo vệ rừng mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ thường là cơ hội thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR).

Bảo vệ rừng mùa mưa lũ
Không lưu lại trong rừng khi bão, lũ

Đã có nhiều vụ việc người dân, lực lượng kiểm lâm không kịp ra khỏi rừng trước khi bão, lũ gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng.

Không lưu lại trong rừng khi bão, lũ
Liên tục truy quét bảo vệ chim trời

Gần đây, nhiều đối tượng tổ chức giăng bẫy săn bắt, tận diệt các loại chim trời, đặc biệt là cò ở các địa phương của huyện Phú Lộc. Dù lực lượng chức năng liên tục tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý nhưng vấn đề ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim trời mùa di cư vẫn còn nhiều nỗi lo.

Liên tục truy quét bảo vệ chim trời
Quản lý rừng bằng flycam

Là cách mà Đồng Nai và một số địa phương đã làm và cho thấy hiệu quả. Thừa Thiên Huế cũng có thể áp dụng để quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Quản lý rừng bằng flycam
Return to top