ClockThứ Bảy, 11/06/2016 14:57

Giữ rừng xanh

TTH - Màu xanh thẳm của những cánh rừng hôm nay có sự “thấm đẫm” giọt mồ hôi của cán bộ kiểm lâm. họ đã trải qua biết bao gian nan, thách thức, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ màu xanh cho rừng.

Một chuyến tuần tra

Hy sinh thầm lặng

Mở đầu câu chuyện, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-Nguyễn Đại Anh Tuấn tự hào: “Nỗi gian khó của cán bộ kiểm lâm là cả một câu chuyện dài, trải qua biết bao thế hệ. Những cánh rừng từ Hải Vân đến Đèo Ngang, một thời đã in hằn dấu chân của những người lính mang “quân hàm xanh”. Dải đất nắng lửa mưa dầu Bình Trị Thiên khắc nghiệt như muốn thử thách ý chí của những người lính kiểm lâm, nhưng họ đã vượt lên tất cả. Những vụ cháy rừng ở A Lưới, Cam Lộ, Đông Hà; những đợt dịch bệnh gây hại rừng ở Triệu Hải, Bến Hải, Phú Lộc; những vụ phá rừng lớn, nhỏ… đều có mặt những người lính kiểm lâm xung trận”.

Dù gian khó, hiểm nguy nhưng rừng từng che chở họ qua bao thế hệ, cả trong chiến tranh. Với những người lính “quân hàm xanh”, rừng được xem như ân nhân và nghĩa vụ của họ phải trả ơn bằng trách nhiệm nặng nề, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ rừng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-Lê Văn Hóa còn nhớ rất rõ một thời gian khó, nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng rất thiếu thốn. Núi rừng hiểm trở, thêm nạn thú dữ luôn rình rập, de dọa tính mạng. Ông nói: “Nếu không có ý chí, quyết tâm cao và yêu nghề thì những người lính “quân hàm xanh” sẽ không bao giờ trụ vững với nghề, khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Vượt thác ghềnh

Giờ đây dù nguồn lực, công tác bảo vệ rừng được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hiểm nguy, gian khổ phía trước. Biết bao chiến sĩ kiểm lâm đã chiến đấu quên mình, bảo vệ rừng đã hy sinh. Câu chuyện cán bộ kiểm lâm Văn Trọng Thành thuộc Khu Bảo tồn Sao La hy sinh cách đây hơn một năm trong khi làm nhiệm vụ vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương.

Cán bộ kiểm lâm Nguyễn Hữu Hóa-Khu Bảo tồn Sao La, kể: “Trong một chuyến tuần tra rừng tại tiểu khu 347, thuộc lâm phận Khu Bảo tồn Sao La, anh Thành cùng với 6 anh em khác vượt qua nhiều núi rừng, khe suối hiểm trở, nhưng bất ngờ cơn lốc rừng ập đến. Một cây gỗ lớn đổ ngã đè lên người, khiến anh Thành bị thương nặng… và ra đi mãi mãi”. Thêm một sự hy sinh khác, là mùa lũ cách đây mấy năm, trong lúc đang trực chốt, bảo vệ tài sản Nhà nước, kiểm lâm viên Võ Tự Lực, thuộc Trạm Kiểm lâm Hai Nhánh-Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy bị lũ cuốn trôi. Sự hy sinh anh dũng của Võ Tự Lực đã được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu liệt sĩ.

Phao tẩu gỗ của lâm tặc

Bất chấp sự hiểm nguy luôn rình rập, các chiến sĩ kiểm lâm vẫn ngày đêm bám địa bàn, bảo vệ màu xanh cho rừng. Không chỉ thiên tai, núi rừng hiểm trở, nạn lâm tặc hoành hành, manh động là mối lo, nguy hiểm tính mạng đối với cán bộ kiểm lâm. Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm-Vườn Quốc gia Bạch Mã-Võ Đại Ca nhớ lại: “Cách đây ba tháng, bốn anh em kiểm lâm gồm Lê Anh Tuấn, Võ Phước Chinh, Trương Thanh Bổng và Nguyễn Văn Đức đang tuần tra tại khu vực Khe Tường thì phát hiện nhóm lâm tặc 5 người đang đốn hạ cây gỗ lớn. Khi chúng tôi tiếp cận, bất ngờ các đối tượng dùng vũ khí chống trả quyết liệt. Kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn đã dũng cảm, chiến đấu với lâm tặc, bắt giữ được một đối tượng. Trong “cuộc chiến” đó, anh Tuấn bị thương nặng, gãy chân, may mắn giữ được tính mạng”.

Thách thức vẫn còn

Tuần tra rừng là nhiệm vụ “như cơm bữa” đối với mỗi cán bộ kiểm lâm. Nạn phá rừng, khai thác gỗ rừng trái phép, hay cháy rừng được ngăn chặn, hạn chế đều phụ thuộc vào những chuyến tuần tra, kiểm soát, song đây là nhiệm vụ không hề đơn giản. Kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Hóa-Khu Bảo tồn Sao La, tâm sự: “Có những chuyến tuần tra vào tận rừng sâu, kéo dài đến 10 ngày, nửa tháng. Việc tuần tra phải di chuyển nhiều nơi, nhiều khu rừng. Ăn mì tôm thay cơm là chuyện thường. Nhiều khi hết lương thực phải hái rau quả rừng, măng rừng chống đói…”.

Nhiều cán bộ kiểm lâm dành thời gian bên gia đình ít hơn thời gian bám rừng, không ít cán bộ nhiều năm liên tiếp không được đón giao thừa, vui tết trọn vẹn cùng gia đình. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông-Trương Xàng từng có thời gian “chinh chiến”, canh giữ rừng chia sẻ: “Lâm tặc thường lợi dụng những ngày tết, thời tiết phức tạp để “hành động”. Bám cơ sở, trực chốt và tuần tra rừng trong những ngày tết là chuyện thường đối với anh em kiểm lâm. Hầu như không có cái tết nào, anh em kiểm lâm được cùng với gia đình trọn vẹn”.

Hầu hết các trạm kiểm lâm nằm cách biệt giữa rừng sâu, nơi đó được xem là “nhà” của anh em kiểm lâm dù thiếu thốn mọi bề, cả vật chất lẫn tinh thần nhưng họ vẫn khắc phục, vượt qua mọi gian khó... Với cán bộ kiểm lâm bây giờ, điều đáng mừng là nạn sốt rét rừng đã đẩy lùi, song vẫn còn đó đồi núi dựng đứng, suối thác hiểm trở. Chỉ cần một chút bất cẩn, sơ sẩy sẽ nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, nhất là vào những ngày thời tiết mưa lạnh, gió lớn. “Đã có nhiều cán bộ kiểm lâm bị tai nạn, trượt ngã bị thương nặng trong khi đi tuần tra. Hiểm nguy là thế, song nhờ tâm huyết với nghề, anh em kiểm lâm đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Xàng cởi mở.

Từ năm 2000 đến 2015, lực lượng kiểm lâm tổ chức 4.347 đợt truy quét tại rừng và những vùng xung yếu, kiểm tra phát hiện và xử lý 15.394 vụ vi phạm, tịch thu 16.731 m3 gỗ các loại; thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 85 tỷ đồng. Số vụ vi phạm ngày càng giảm dần qua các năm, nếu năm 2000 có 1.537 vụ vi phạm thì đến năm 2008 có 1.214 vụ và năm 2015 chỉ còn 640 vụ. 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xử lý 211 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 230,9 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 1,25 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 38 vụ, song số gỗ thu giữ tăng 16 m3.

Điều mà cán bộ kiểm lâm lo ngại trong mấy năm gần đây là nạn lâm tặc hoành hành, ngày càng manh động. Bọn chúng chuẩn bị vũ khí nguy hiểm, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi cán bộ kiểm lâm thi hành công vụ. Nhiều vụ chống đối liên tiếp xảy ra chỉ trong vòng một tháng, như vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra trong các ngày 30/10, 18/11, 20/11/2015... Thậm chí trong một ngày xảy ra hai, ba vụ. Lâm tặc thường đi theo nhóm, có nhóm đến 30 người, ném đá, hành hung kiểm lâm (chẳng hạn vụ việc xảy ra tại Trạm Kiểm lâm Thượng Lộ Nam Đông cách đây 5 tháng)… “Khi bị bắt giữ, chặn xe, bọn chúng dùng mã tấu, dao, rựa chống trả rồi tẩu thoát. Bằng sự dũng cảm, anh em kiểm lâm cố gắng bắt giữ đối tượng, phục vụ điều tra, xử lý và triển khai các biện pháp răn đe nhằm bảo vệ bình yên cho rừng”, cán bộ kiểm lâm Nguyễn Tất Vinh, Trạm Kiểm lâm Hương Lộc tự tin.

Diện tích rừng rộng lớn, đồi núi hiểm trở, song lực lượng kiểm lâm mỏng là thách thức lớn đối với cán bộ kiểm lâm. Hiện, toàn tỉnh có hơn 300 ngàn ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên. Diện tích rừng trải rộng trên địa bàn từ các vùng ven biển đến trung du, miền núi, địa hình phức tạp, nhiều sông suối… Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh chưa đến 300 người, bình quân mỗi người phụ trách, quản lý trên 1.000 ha và kiêm thêm các nhiệm vụ quản lý khai thác, phát triển rừng, giao đất, giao rừng, quản lý nương rẫy…

Ngoài công tác quản lý, bải vệ rừng, các chiến sĩ kiểm lâm còn vươn ra các lĩnh vực khác, như quản lý môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã… được các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao, mời làm tư vấn kỹ thuật cho các dự án trong và ngoài nước… Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-Lê Văn Hóa khẳng định: “Dù gian khổ, hiểm nguy đến mấy, các chiến sĩ kiểm lâm vẫn quyết tâm vượt qua, bảo vệ cho những cánh rừng xanh mãi”.

Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ rừng mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ thường là cơ hội thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR).

Bảo vệ rừng mùa mưa lũ
Liên tục truy quét bảo vệ chim trời

Gần đây, nhiều đối tượng tổ chức giăng bẫy săn bắt, tận diệt các loại chim trời, đặc biệt là cò ở các địa phương của huyện Phú Lộc. Dù lực lượng chức năng liên tục tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý nhưng vấn đề ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim trời mùa di cư vẫn còn nhiều nỗi lo.

Liên tục truy quét bảo vệ chim trời
Giải Báo chí Hải Triều dưới góc nhìn đa chiều của ban giám khảo

Giải Báo chí (BC) Hải Triều lần thứ IV - năm 2023 đã tìm được các chủ nhân. Trưởng khoa Báo chí Truyền thông – Đại học Khoa học Huế Phan Quốc Hải, nhà báo Minh Tự (Báo Tuổi Trẻ) và Đạo diễn Nguyễn Vinh Quang (Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Chi nhánh Đà Nẵng) - 3 trong 7 thành viên Ban giám khảo (BGK) đã có những chia sẻ về giải, gợi mở kinh nghiệm để tác phẩm báo chí của Huế chạm đến "sân chơi” quốc gia.

Giải Báo chí Hải Triều dưới góc nhìn đa chiều của ban giám khảo
Quản lý rừng bằng flycam

Là cách mà Đồng Nai và một số địa phương đã làm và cho thấy hiệu quả. Thừa Thiên Huế cũng có thể áp dụng để quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Quản lý rừng bằng flycam
Return to top