ClockThứ Bảy, 12/12/2020 20:19

Giữ tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số

TTH.VN - Tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số đang chịu sự chi phối, tác động mạnh mẽ của đời sống đương đại là vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học “Tết cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ” do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng tổ chức ngày 12/12 tại Huế.

Tết ở miền ngượcChợ Tết vùng caoDựng nêu đón TếtTết này ở phố núi A Lưới

Các già làng thực hiện nghi lễ trong lễ hội Aza. Ảnh: Lê Thọ

Đặc trưng văn hóa của từng tộc người

TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng nhấn mạnh, lựa chọn tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số để nghiên cứu, phân tích các quan điểm, chính sách liên quan, trên cơ sở nghiên cứu tính đa dạng văn hóa, sự tác động của bối cảnh đương đại với việc đón tết năm mới của các dân tộc thiểu số.

Theo ông Sơn, tết đón mừng năm mới là một chuỗi các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa đặc sắc diễn ra vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ, đón năm mới theo lịch của từng tộc người. Tết đón năm mới phản ánh tính đa dạng văn hóa, được thể hiện qua các nghi lễ, phong tục đón tết cũng như các thành tố văn hóa dân gian khác, như ẩm thực, trò chơi, sự trình diễn…

Ngoài phần hội, ấn tượng nhất là ẩm thực của các dân tộc thiểu số trong dịp đón mừng năm mới, vừa mang tính đặc trưng văn hóa tộc người, vừa giàu biểu tượng. Với người Bhnoong (một nhóm địa phương của dân tộc Gié Triêng) ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Tết Mùa không thể thiếu thịt thú rừng. Trước tết từ 7 đến 10 ngày, toàn bộ thanh niên trai tráng của buôn làng lên rừng săn con chim, con chuột, xuống sông, xuống suối bắt con cá, con ếch… về ăn tết. Mỗi một tộc người có một loại bánh đặc trưng khác nhau. Người Dao Làn Tiẻn có bánh chưng gù đen. Người Hà Nhì có bánh dày, bánh trôi. Người H'mông làm bánh dày bằng các loại lương thực cổ (kê, mạch, ngô).

TS. Đặng Thị Oanh, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho rằng, tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, có giá trị to lớn, có ý nghĩa thiết thực với đời sống của đồng bào các dân tộc. Không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào về mong ước một năm mới mạnh khỏe, dân an, vật thịnh, tết cổ truyền còn là môi trường lưu giữ, trao truyền văn hóa truyền thống cho các thế hệ, đồng thời thỏa mãn các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi và thú vui ăn uống của người dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, gia đình, dòng tộc.

Tổ chức tết theo nguyện vọng người dân

Các điệu dân ca, dân vũ trong lễ hội Aza

Theo TS. Trần Hữu Sơn, trong cuộc sống đương đại, dưới sự tác động của toàn cầu hóa, đặc biệt là các yếu tố của mạng xã hội, làn sóng du lịch đổ về các bản làng nên tính đa dạng văn hóa của ngày tết cũng biến đổi, cả về thời gian, không gian tổ chức, văn hóa đón tết…

Nghiên cứu về lễ tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số Trung Trung bộ, PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng thư ký Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam cho hay, những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ thường tổ chức lễ tết theo người Kinh. Xu hướng nữa là kết hợp giữa tổ chức tết theo lịch âm cùng với cả nước và tổ chức lễ tết theo phong tục của dân tộc mình (lễ cơm mới) trong khoảng tháng 12, tháng 1 âm lịch tùy theo từng bản làng nhưng chỉ trong phạm vi gia đình, ít tổ chức quy mô bản làng. Cũng có nơi lãng quên ngày tết theo phong tục truyền thống.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, trong quá trình tồn tại và phát triển, văn hóa luôn chịu sự chi phối của quy luật thích ứng và thích nghi, không phải là yếu tố bất biến. Vì vậy, không nên gò ép, yêu cầu người dân phải tổ chức lễ tết theo cách này hay cách khác mà chính tự thân cộng đồng đó lựa chọn hoặc là theo lễ tết của người Kinh cùng với cả nước, hoặc tổ chức kết hợp cả hai lễ tết song song.

Ở Thừa Thiên Huế, lễ Aza được người Tà Ôi xem là nghi lễ lớn nhất trong năm, mang nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc của vùng đất. Hiện nay, yếu tố văn hóa hiện đại đang len lỏi vào lối sống của người Tà Ôi nên vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của tết cổ truyền Tà Ôi cũng cần được quan tâm hơn. Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho rằng, chủ thể của lễ hội chính là người Tà Ôi nên hãy để họ lên kế hoạch, tự tổ chức theo vốn văn hóa truyền thống. Ngoài ra, cần tôn vinh những nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng để họ chung tay bảo tồn lễ tết truyền thống đúng nguyên bản; kiểm kê, ghi chép lại quy trình tổ chức lễ tết bằng cách ghi hình, chụp ảnh, ghi chép...

TS. Trần Hữu Sơn đề xuất, cần xây dựng chính sách tổ chức tết truyền thống mừng năm mới của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhìn nhận dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc. Khi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc trở thành nhu cầu quan trọng.

Ngày tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, văn hóa, vì vậy, cần tôn trọng tính đa dạng văn hóa trong việc đón tết cũng như xây dựng chính sách tổ chức tết hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng các dân tộc. Ở địa phương nào, người dân vẫn tổ chức ăn tết truyền thống theo tộc người thì cần tôn trọng nguyện vọng của người dân, không “gộp” tết truyền thống vào Tết Nguyên đán. Với các dân tộc đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán lâu năm thì chính quyền cần tôn trọng nguyện vọng của đồng bào, không tác động để người dân quay lại với tết cổ truyền.

“Chính quyền cũng cần xây dựng một số chính sách tổ chức tết của đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung cụ thể, như: thời gian nghỉ tết Nhà nước phân cấp cho chính quyền của tỉnh hoặc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số quy định phù hợp với thực tiễn; có chế độ thăm hỏi, chúc tết của lãnh đạo, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các vùng khó khăn, bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cộng đồng…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Minh Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

Từ khi biết làm nông nghiệp, chuyện nuôi lợn, bò, trồng lúa nước… không còn là chuyện lạ đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một tầm cao mới mà người đồng bào thiểu số nơi đây đã làm được là “chuyện lạ có thật”.

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn
Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch

Sáng 29/2, tại Trường cao đẳng Du lịch Huế diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top