ClockThứ Tư, 02/02/2022 13:45

Giữ xanh màu Huế

TTH - Năm 2021, Liên Hiệp Quốc điểm danh thế giới ngày nay có 195 quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tất cả các nước trên thế giới đều chịu chung số phận về đại dịch COVID-19 một cách toàn diện, chẳng so bì, không phân biệt màu da, lịch sử, khuynh hướng hay chủng tộc. Tuy chỉ có vài nước không báo cáo công khai số liệu dịch bệnh nên thế giới không biết đến chứ chẳng phải là nơi đó đạt tình trạng “vô nhiễm”

Giữ rừng cho phốThắp ngọn đèn trong tâm mà điHạnh phúc và phụng sự...Xanh mảnh vườn, lòng ngườiTri ân cây

Cây xanh phủ kín đôi bờ sông Hương

Lịch sử đại dịch COVID-19 bắt đầu từ 31 tháng Chạp năm 2019, tính đến nay đã gần hai năm. Phản ứng phòng dịch, chống dịch từ đợt này đến đợt khác và tình trạng tử vong vì dịch bệnh trong mỗi quốc gia hay mỗi vùng địa lý là một bức tranh kinh động, hiện thực, phản ánh nhiều mặt lề lối sinh hoạt trong khung cảnh chính trị, văn hóa, kinh tế của nơi đó. Rất nhiều hiện tượng thuận lý và nghịch lý đã diễn ra đang hứa hẹn một nguồn tài liệu về “bệnh sử” nóng bỏng và phức hợp nhất trong thời hiện đại.

Toàn cầu không hẹn hay đưa ra quy ước nào, nhưng cùng lấy màu xanh làm màu sắc biểu tượng cho sự an toàn hay tình trạng tốt nhất trong chuỗi dài tương tác, lây nhiễm, phòng chống, chữa trị, tử vong vì đại dịch. Thế giới muôn màu đang phóng xa tầm nhìn, mở rộng vòng tay và buông thứ cảm xúc để cùng nhìn về một hướng hóa giải sau gần cuối mùa đại dịch như giấy “Thông hành xanh” cho những người đã tiêm vaccine đầy đủ, hay bệnh nhân thoát hiểm trong vòng sáu tháng; du lịch xanh cho những nước nối lại các “tour” du lịch ngắn và toàn cầu, bình minh xanh cho những chương trình từ thiện tuổi trẻ không biên giới. Biểu tượng xanh làm mát dịu lòng người và cuốn hút những đam mê vinh danh nghĩa sống. Văn hóa đại chúng cuối mùa dịch toàn cầu bỗng dưng tự phát từ Đông sang Tây đều mặc nhiên quy ước rằng: “Nghĩ xanh” là liên tưởng tới môi trường thiên nhiên sông núi biển trời tự nhiên và tươi mát, không bị nhiễm độc bởi khói đốt và chất thải nhiên liệu của kỹ nghệ và máy móc. “Sống xanh” là sống trong sáng và lành mạnh với một môi trường xã hội sạch đẹp, một khung cảnh thiên nhiên không ô nhiễm và một nếp sống tinh thần thanh thản, tự do tương tác hợp lý và hợp tình với kẻ thân người lạ xung quanh.         

Việt Nam là một trong những nước nhiệt thành tham gia vào hướng nhìn, hướng nghĩ và hướng làm cho một tương lai xanh. Đó là con đường lựa chọn đầy năng động và tích cực: Phòng, chống dịch trong cách sống, ứng dụng chủng ngừa vaccine, vươn lên được tình trạng miễn nhiễm cộng đồng và… sống chung với dịch.

Trong dòng lịch sử nhân văn của đất nước, Việt Nam có 63 tỉnh, thành; nếu nhìn bằng mắt thường hay thông qua viễn vọng kính vệ tinh thì địa cầu là một hành tinh xanh và Việt Nam là một đất nước xanh như màu xanh của Thừa Thiên Huế mà thi hào Nguyễn Du đã nhận ra từ hơn 200 năm trước:

Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh,

Giang Bắc, Giang Nam vô hạn tình.

Dịch nghĩa:

Hương Cần đường liễu thanh thanh,

Bờ Nam bến Bắc tình xanh vô bờ.

Nguyễn Du (Tống nhân - Tiễn bạn)

Vùng tỉnh thành Thừa Thiên Huế không tách rời khung cảnh chung của toàn đất nước. Theo dự phóng của những tổ chức y tế thẩm quyền và có tầm cỡ thế giới thì dịch COVID-19 đang từng bước đi dần vào giai đoạn cuối. Kỷ nguyên hậu COVID-19 đang ló dạng ở cuối đường hầm. Con đường thoát dịch sẽ không bít lối với ai cả nhưng thời gian và tốc độ thì còn tùy thuộc vào khả năng ứng phó của từng vùng, từng miền đất nước.

Từ bản chất tâm lý và phong cách truyền thống, Thừa Thiên Huế không có được cái sôi nổi của Sài Gòn hay sức bật của Hà Nội, nhưng nếp sống Huế là một sự hóa giải kiên tâm giữa hai chiều trái ngược và hai nếp nghĩ, nếp sống đầy mâu thuẫn như nghèo mà sang; thân bể cạn mà tâm sông hồ; thâm cung đầy bảo thủ mà tộng bộng hai đầu để đón những luồng gió mới… Nghèo mà sang để sống sạch, thân giới hạn mà tâm phóng khoáng để làm hòa điệu sống và kín cổng mà không cao tường để âm thầm học hỏi và đón nhận cái mới dẫu ở lại hay ra đi khắp bốn phương trời.

Điều kiện thiên nhiên của Thừa Thiên Huế đã ươm mầm cho một lối nghĩ xanh với sông, núi, biển, trời luôn hiện ra trong tầm mắt và đồng thời cũng vươn tay đón nhận một nếp sống xanh với phương tiện qua các nghề truyền thống nông, lâm, ngư và thủ công nghiệp.

Dẫu đặt trọng tâm trên tiêu chí nào thì rõ ràng Huế vẫn có thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa địa phương và nghệ thuật ẩm thực là những nhân tố thu hút trong kỹ nghệ du lịch. Những thành phố du lịch trong những quốc gia láng giềng như Phuket của Thái Lan, Boracay của Philippines, Phnom Penh của Campuchia là những tụ điểm du lịch nhờ yếu tố thiên nhiên, văn hóa và con người mà du khách thường tìm thấy ở Huế. Thừa Thiên Huế sẽ không có điểm dừng riêng khi cả đất nước và toàn cầu đang vươn dậy với bước chân toàn cầu hóa và kỹ nghệ hóa trong sinh hoạt kinh tế và tác nghiệp. Huế sẽ không ngừng phát huy và khai thác thế mạnh của mình về du lịch với khung cảnh thiên nhiên phong phú và gia tài kiến trúc lịch sử được thế giới và Liên Hiệp Quốc công nhận.

Nhìn tới con đường đang mở ra trước mắt, người ta có vẻ như cùng gặp nhau về một tương lai trong tầm tay nhưng vẫn còn lạ lẫm và xa vời vì chưa có một sự trải nghiệm nào tương tự trước đây. Một sự xác định mới, đó là thời kỳ hậu COVID-19. Sau hơn hai năm phải sống trong hoàn cảnh cách ly toàn diện hay từng phần, con người tìm lại nhau với sự ngỡ ngàng và dè dặt hơn xưa. Sinh hoạt giao lưu tập thể, hội hè đình đám, các nghi thức giao tiếp xã hội… sẽ khó mà trở về nếp cũ trọn vẹn như thời tiền COVID-19. Tuy sông núi và con người vẫn thế nhưng hoàn cảnh mới phải cần một tầm nhìn mới để tham dự và hành động.

Từ thuở Công chúa Huyền Trân về Nam, mang tấm thân cành vàng lá ngọc để đổi lấy Châu Ô, Châu Rí - tiền thân của Thừa Thiên Huế - mảnh đất này là đòn gánh quặn mình trên vai Tổ quốc, đương đầu với bao nhiêu biến cố lịch sử hưng vong nhưng vẫn vượt khó và tồn tại cho đến hôm nay. Nếu có chăng phải đứng trước sự thách đố của một hoàn cảnh mới, Thừa Thiên Huế vẫn đủ sức đồng hành với đất nước và mềm dẻo vượt qua mọi khó khăn như hơn 700 năm thế đất và gần 400 năm thế người của vùng đất nhiều truân chuyên này.

Truyền thống lịch sử hào hùng, tư duy rộng mở và bàn tay thiện xảo của con người là vốn đầu tư quý nhất mà quê hương này đang có. Đó là hương liệu cần thiết để giữ cho sông Hương thơm mãi và màu Huế xanh hoài.

Bài: Trần Kiêm Đoàn

Ảnh: Đăng Tuyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top