ClockThứ Năm, 04/08/2016 16:37

Giúp cả “cần câu” lẫn “cách câu”

TTH - Tuổi ngoài năm mươi, chứng kiến không ít trận thiên tai, nhưng tôi chưa thấy một thảm họa nào có tác động sâu rộng, dai dẳng đến đời sống xã hội như sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Ngay như trận “đại hồng thủy” năm 1999, tuy thiệt hại nặng nề nhưng người dân vẫn có thể tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, quê hương. Còn với sự cố môi trường biển vừa qua, ngư dân vẫn chưa biết khi nào mới có thể quay lại với nghề. Lúc này, họ cần được hỗ trợ cả “xâu cá”để vượt qua khó khăn trước mắt lẫn “cần câu” để ổn định cuộc sống lâu dài.

Một động thái kịp thời của Chính phủ, tỉnh nhằm chia sẻ khó khăn với ngư dân và các hộ kinh doanh nghề biển khi mới xảy ra sự cố môi trường biển là khẩn trương hỗ trợ chủ tàu đánh bắt ven bờ, các hộ ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc cá chết hàng loạt. Sau khi nguyên nhân sự cố môi trường biển được công bố, Hội đồng đánh giá thiệt hại của các địa phương được thành lập, với nhiệm vụ đánh giá chính xác thiệt hại sau sự cố trên tất cả các lĩnh vực và đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố, ổn định sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng lĩnh vực. Theo đề xuất của các bộ, ngành liên quan, một số nhóm giải pháp để giúp ngư dân ổn định cuộc sống lâu dài là hỗ trợ vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ và đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề hoặc xuất khẩu lao động. Qua nhiều diễn đàn, kênh thông tin cho thấy, nguyện vọng chung của ngư dân là được tiếp tục bám biển, gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi tình yêu biển đã ăn sâu trong máu thịt của ngư dân. Cả đời gắn bó với biển, chẳng dễ gì có thể từ bỏ.

Nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đóng tàu là quan trọng, là tạo chiếc “cần câu” để ngư dân có thể ổn định cuộc sống lâu dài với nghề mới. Tuy nhiên, thực tế không phải chủ tàu đánh bắt xa bờ nào cũng làm ăn hiệu quả, nếu không “thạo” nghề, huống hồ các ngư dân vốn quen với tàu nhỏ, đánh bắt ven bờ nay sở hữu, điều khiển những con tàu lớn với nghề đánh bắt xa bờ càng đặt ra nhiều vấn đề. Vì vậy, đi kèm với việc giúp “cần câu” cần phải hỗ trợ đồng bộ là dạy “cách câu”, cách bảo quản, chế biến cá, thậm chí giới thiệu cả nơi bán cá. Cụ thể, đi kèm với chính sách vay vốn là hỗ trợ đào tạo nghề đánh bắt xa bờ, cách điều khiển tàu và sử dụng các trang thiết bị hiện đại để đánh bắt, bảo quản sản phẩm… mới giúp ngư dân chuyển đổi nghề bền vững, hiệu quả.

Với nhóm lao động không có điều kiện và nhu cầu tiếp tục bám biển, việc đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề cũng cần có sự hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, với ngư dân tham gia xuất khẩu lao động cần được hỗ trợ đào tạo cả nghề lẫn ngoại ngữ mới có thể đảm bảo thu nhập và yên tâm làm việc ở nước sở tại. Với những người có nguyện vọng “ly ngư, bất ly hương” việc đào tạo nghề trên đất liền cũng phải hết sức cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bởi nhu cầu chuyển đổi nghề của các nhóm đối tượng hết sức đa dạng: Có người muốn chuyển qua nghề nuôi trồng thủy sản; người phát triển chăn nuôi; người học nghề làm công nhân cho các nhà máy, cơ sở sản xuất… Một kinh nghiệm hay của các tổ chức quốc tế khi triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo là thường khảo sát kỹ khó khăn, nhu cầu, khả năng của đối tượng tham gia dự án, từ đó đề ra biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, bền vững. Có trường hợp, không nhất thiết hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần giúp đỡ, mà thông qua đầu tư cho người có khả năng quản lý, tạo việc làm cho đối tượng cần giúp đỡ để họ có thu nhập ổn định. Những kinh nghiệm trên cũng có thể vận dụng trong trường hợp này.

HOÀNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cá nuôi lồng chết, người dân điêu đứng

Mưa lũ mấy ngày qua đã làm hơn 4 tấn cá diêu hồng thương phẩm nuôi lồng trên sông Bồ của người dân xã Quảng Phú (Quảng Điền) chết ngột. Người nuôi cá rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để tiêu thụ gần 20 tấn cá còn lại.

Cá nuôi lồng chết, người dân điêu đứng
Hàng chục tấn thủy sản nuôi bị chết.

Từ tháng 5 đến nay, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước vùng ven biển và đầm phá tăng cao khiến cá nuôi chết hàng loạt. Mới đây tiếp tục xuất hiện hiện tượng cá nổi đầu, nguy cơ chết rất cao.

Hàng chục tấn thủy sản nuôi bị chết
Hương Thủy: Cá lồng lại chết hàng loạt

Khoảng 30 tấn cá lồng gần đến kỳ thu hoạch bất ngờ chết đồng loạt khiến 35 hộ nuôi ở xóm Dừa (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy) thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.

Hương Thủy Cá lồng lại chết hàng loạt
Return to top