ClockThứ Ba, 20/09/2022 14:44

Giúp nhau ngày công

TTH - Cùng với các mô hình truyền thống hỗ trợ hội viên như hũ gạo tình thương, heo đất tiết kiệm... mô hình “Phụ nữ giúp nhau ngày công” đang được thực hiện hiệu quả ở xã Hồng Thượng và nhiều địa phương vùng dân tộc ít người ở huyện A Lưới.

Phụ nữ A Lưới làm du lịchKhởi nghiệp từ gánh hàng rauLàm du lịch, phụ nữ Pa Cô có cơ hội cải thiện cuộc sống

Mô hình giúp nhau làm kinh tế của phụ nữ A Lưới

Hầu hết phụ nữ làm nông trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, đều tham gia mô hình này. Nơi nương rẫy nằm khuất sâu sau rặng núi A Tia (xã Hồng Thượng), chị Hồ Thị Pơn, Tổ trưởng phụ nữ 4, kể: Khi mới thành lập, tại các nhóm, chị em đều giúp nhau ngày công miễn phí. Để có kinh phí xây dựng quỹ, các thành viên thống nhất thu mỗi ngày công 50.000 đồng. Với những thành viên có hoàn cảnh khó khăn thì tổ sẽ giúp không. Ngoài ra, tổ còn nhận làm công cho những ai trong thôn có nhu cầu.

Chị Hồ Thị Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hồng Thượng, nói chân chất mà dễ hiểu: “Nếu một mình trồng một nương ngô hay phát cỏ cho một vạt rừng phải mất 5 - 7 ngày mới xong, nhưng nếu 5 - 7 chị tập trung lại, thì chỉ loáng cái là xong. Lợi ích rõ rệt nên ai cũng thích tham gia. Cứ nay làm cho chị này, mai làm cho chị khác”.

Hình thức đổi công này không chỉ mang lại năng suất trong công việc mà còn tạo điều kiện cho các chị gần gũi và đoàn kết với nhau hơn. Số tiền thu được, các chị dùng để nộp hội phí, góp quỹ “Mái ấm tình thương”, đóng góp học bổng Nguyễn Thị Định, chi các hoạt động, cho chị em vay xoay vòng phát triển kinh tế. Không phải làm nương, làm rẫy một mình, không phải bỏ tiền túi nộp hội phí, lại được vay vốn khi cần thiết nên ai cũng thích tham gia vào “Tổ phụ nữ giúp nhau ngày công”.

Không chỉ Hồng Thượng, mô hình tổ phụ nữ giúp đỡ ngày công đã được nhân rộng trên nhiều xã khác của huyện A Lưới. Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới chia sẻ: Ở vùng núi A Lưới địa hình phức tạp, các chị phải băng rừng vượt suối vào nương, rẫy, vì vậy mô hình giúp nhau ngày công rất ý nghĩa, tạo được sự an toàn cho chị em. Hiện nay, hầu hết Hội LHPN các xã ở A Lưới đều đã thành lập mô hình này.

Để vận động chị em phụ nữ dân tộc ít người tham gia vào các nhóm “Phụ nữ giúp nhau ngày công”, cán bộ phụ nữ từ huyện đến cơ sở đều dành thời gian về thôn, bản tuyên truyền, vận động hội viên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các nhiệm vụ phong trào của hội. Tuyên truyền, vận động một lần chưa được thì hai lần, ba lần. Nói tiếng Kinh chị em chưa hiểu thì chúng tôi nói tiếng của đồng bào. Cũng theo bà Tường, vất vả cực nhọc là điều không tránh khỏi, song mỗi lần tổng kết thấy tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ngày càng giảm, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên xảy ra xung đột nay đã có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, tỷ lệ hội viên tích cực tham gia phong trào hội ngày càng tăng... thì sự vất vả đó chẳng thấm vào đâu.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Return to top