ClockThứ Năm, 28/05/2020 14:15

Giúp nhau thoát nghèo

TTH - Không chỉ tự tin cải thiện kinh tế cho gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Lý, ngụ tại xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) còn giúp các chị em phụ nữ thay đổi tập quán chăn nuôi, vươn lên thoát khó.

Trao yêu thươngCô trưởng thôn được dân bản tin, quý

Mô hình ấp trứng của chị Lý giúp phát triển kinh tế, giúp đỡ cho các chị em

Năm 1994, chị Nguyễn Thị Hồng Lý lập gia đình. Với hai bàn tay trắng, chị tập tành, thu vén để làm ruộng, nuôi lợn, nuôi gà. Chị kể: “Nuôi năm con, mười con, dần dà tôi nuôi hơn 20 con lợn. Từ đó suy nghĩ của tôi cũng thay đổi. Muốn làm kinh tế phải bài bản, đảm bảo khâu vệ sinh, chuồng trại, dịch bệnh, thức ăn…”.

Nhờ lợn được giá, chị chắt chiu mua được mảnh đất. Đó cũng là cơ ngơi khang trang mà chị đang làm dịch vụ ấp trứng hiện nay.

Người phụ nữ sinh năm 1972 kể: “Khi đó muốn có gà con tôi phải đi ấp trứng ở lò khá xa, đường lại khó. Nhận thấy nhà mình cũng tiện, lại ở trung tâm khu dân cư, nên năm 2017 tôi mua máy ấp đầu tiên”. Lò ấp đầu tay của chị có công suất 600 trứng. Khi máy đã vận hành ổn định, nhiều người biết tiếng tìm đến. Lò cũ không đáp ứng kịp. Thế là chỉ sau vài tháng, chị xuất tiền mua máy ấp thứ hai với công suất tăng gấp đôi, đạt 1.200 trứng.

Tiếng lành đồn xa, bà con chuộng ấp trứng bằng lò. Cứ sau một thời gian, chị lại đầu tư máy mới, cả lò ấp và lò nở. Chị Lý nói: “Quy trình là cứ sau 17 ngày lò ấp thì trứng sẽ được chuyển sang lò nở. Lò ấp có đảo để trứng “lộn” đều. Lò nở không đảo, tránh trứng mất nước, gà con dễ bị khô”.

Mỗi khay trứng trung bình có thể chứa từ 50 – 70 quả. Nhưng chị Lý vẫn dành những khay chứa tầm 20 quả. Chị chia sẻ: “Trứng để lẫn lộn sẽ không phân biệt được gà con. Mình chịu khó một xíu thì dù ai nuôi ít hay nhiều đều cùng có gà giống”.

Đến nay, chị đã đầu tư 4 lò ấp, 3 lò nở. Trung bình mỗi tháng chị Lý cho ấp 5.000 trứng. Mỗi chú gà con nở thành công có giá 2.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi hàng chục triệu đồng.

“Nhiều chị em vẫn chuộng cách ấp trứng truyền thống, tỷ lệ sống không cao. Tôi chủ yếu chỉ họ cách ấp trứng, tiêm phòng, chữa trị bệnh cho gà để ai cũng có thể chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”, chị Lý nói.

Chị thường xuyên trò chuyện, động viên, nhất là đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Qua tìm hiểu nhu cầu, chị đã góp sức, tạo điều kiện cho các chị em hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Từ tâm huyết của chị, nhiều hội viên có điều kiện vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định, khấm khá. Như chị Hoàng Thị Nhiệm là ví dụ điển hình. Vốn khó khăn, chị Nhiệm chăn nuôi gà, lợn truyền thống. Được tiếp cận nguồn vốn chính sách, vay 50 triệu đồng, gia đình chị tập trung vào lò rèn và chăn nuôi. Với đàn gà, từ sự hỗ trợ của chị Lý, chị chăm sóc khoa học, bài bản hơn. Từ đó, kinh tế gia đình dần dần ổn định.

Học hỏi gương chị Lý, lại được chỉ bảo phương cách làm ăn, nhiều chị em đã thay đổi tập quán chăn nuôi, chăm sóc gia cầm có hiệu quả. Nhìn hình ảnh nhộn nhịp người đến hỏi gà, người gửi trứng, chúng tôi hiểu chính sự đồng cảm đã giúp chị Lý gần gũi hơn với những chị em phụ nữ, từ đó cùng nhau phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Xuân cho biết: “Chị Nguyễn Thị Hồng Lý rất tích cực giúp đỡ chị em hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn xã về kinh nghiệm nuôi gà đẻ và quy trình ấp trứng. Năm 2016, chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Từ gương của chị Lý, nhiều chị em hội viên đã thay đổi tập quán chăn nuôi, chủ động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều hội viên, nông dân (HVND) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới.

Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối
Return to top